Hơn 92 tỷ đồng/năm hỗ trợ cảnh sát hình sự và phòng cháy chữa cháy
Sáng 10/12, tại kỳ họp lần thứ 20 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, với đa số đại biểu có mặt tán thành, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết về việc quy định một số nội dung, mức chi hỗ trợ lực lượng cảnh sát hình sự, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) thuộc Công an thành phố.
Theo nghị quyết, Hà Nội hỗ trợ hàng tháng cho sĩ quan, hạ sĩ quan lực lượng cảnh sát hình sự, công an cấp huyện là 3,6 triệu đồng/người/tháng; sĩ quan, hạ sĩ quan lực lượng cảnh sát hình sự công an cấp xã, đồn công an là 1,8 triệu đồng/người/tháng.
Hỗ trợ hàng tháng cho sĩ quan, hạ sĩ quan lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH, công an cấp huyện là 3,6 triệu đồng/người/tháng.
Ban Pháp chế HĐND Thành phố Hà Nội cho biết, hơn 80% cán bộ chiến sĩ Công an Thành phố Hà Nội, trong đó có cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát hình sự, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH đang công tác trong các lĩnh vực, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm.
Ngoài ra, đa phần các lực lượng thuộc Công an Thành phố Hà Nội đều làm việc ngoài giờ, làm việc ban đêm, thời gian làm việc đều vượt quá thời gian làm việc theo quy định tại Bộ Luật Lao động nhưng lại không được hưởng tiền lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm.
Về chế độ chính sách, lực lượng cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nòng cốt, chủ công trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn thủ đô nhưng chưa được hưởng chế độ hỗ trợ của Thành phố.
Còn với lực lượng cảnh sát hình sự, hiện chỉ có 72 chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an Tp.Hà Nội) được hỗ trợ theo Quyết định số 2480 ngày 23.4.2004 với mức kinh phí hơn 178 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, việc trợ cấp theo quyết định này đã bộc lộ bất cập, hạn chế.
Kinh phí dự kiến chi hỗ trợ cho 2 lực lượng này khoảng 92 tỷ đồng/năm, từ ngân sách Thành phố.
"Chốt" mức thuê chuyên gia cho Trung tâm Phục vụ hành chính công
Theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, quy định mức chi thuê chuyên gia thực hiện một số nhiệm vụ của Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội. Cụ thể, mức chi theo tháng áp dụng đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm việc đủ thời gian theo tháng được quy định như sau:
Mức 1, không quá 40 triệu đồng/tháng áp dụng đối với chuyên gia tư vấn: Chuyên gia tư vấn có bằng Tiến sĩ trở lên đúng chuyên ngành tư vấn hoặc Thạc sĩ đúng chuyên ngành tư vấn có từ 8 năm kinh nghiệm trở lên trong lĩnh vực Chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, tái cấu trúc thủ tục hành chính;
Chuyên gia tư vấn có bằng đại học đúng chuyên ngành tư vấn và có từ 15 năm kinh nghiệm trở lên trong lĩnh vực Chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, tái cấu trúc thủ tục hành chính; Chuyên gia tư vấn đảm nhiệm chức danh Trưởng nhóm tư vấn hoặc chủ trì tổ chức, điều hành nhiệm vụ thuộc hạng mục tư vấn lĩnh vực Chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, tái cấu trúc thủ tục hành chính.
Mức 2, không quá 30 triệu đồng/tháng áp dụng đối với chuyên gia tư vấn: Chuyên gia tư vấn có bằng đại học và kinh nghiệm từ 10 năm đến dưới 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, tái cấu trúc thủ tục hành chính; Chuyên gia tư vấn có bằng thạc sĩ và kinh nghiệm từ 5 năm đến dưới 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, tái cấu trúc thủ tục hành chính; Chuyên gia tư vấn đảm nhiệm chức danh chủ trì triển khai một hoặc một số hạng mục tư vấn.
Mức 3, không quá 20 triệu đồng/tháng áp dụng đối với chuyên gia tư vấn: Chuyên gia tư vấn có bằng đại học và kinh nghiệm có từ 5 năm đến dưới 15 năm trong lĩnh vực Chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, tái cấu trúc thủ tục hành chính; Chuyên gia tư vấn có bằng thạc sĩ trở lên và có từ 3 năm đến dưới 5 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành tư vấn.
Mức 4, không quá 15 triệu đồng/tháng áp dụng đối với chuyên gia tư vấn: Chuyên gia tư vấn và có từ 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, tái cấu trúc thủ tục hành chính; Chuyên gia tư vấn có bằng thạc sĩ trở lên và có từ 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, tái cấu trúc thủ tục hành chính.
Hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp
Với đa số đại biểu có mặt Nghị quyết về việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 11/2024 ngày 15/5/2024 của HĐND Thành phố Hà Nội quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn Thành phố đã được thông qua.
Nghị quyết đã quyết nghị sửa đổi, bổ sung khoản 4 điều 5 của Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024 của HĐND Thành phố Hà Nội quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn Tp.Hà Nội.
Theo đó, Nghị quyết quy định kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024 của HĐND Thành phố Hà Nội đến hết ngày 30/6/2025. Đối tượng được hỗ trợ gồm công dân Việt Nam thường trú trên địa bàn TP Hà Nội có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID, có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID.
Nghị quyết hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp và hỗ trợ tối đa 10 phiếu lý lịch tư pháp (bản giấy) cho người dân khi có đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID kể từ ngày 1/6/2024 đến hết ngày 30/6/2025.
Thông qua danh mục 2.527 dự án thu hồi đất năm 2025
Các đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua danh mục 2.527 dự án thu hồi đất năm 2025 và 430 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.
Về danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2025 và các dự án chuyển mục đích đất trồng lúa trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND Thành phố trình HĐND Thành phố quyết nghị thông qua danh mục 2.527 dự án thu hồi đất năm 2025 với tổng diện tích 9.917,71ha; danh mục 430 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với tổng diện tích 1.095,66ha.
Về kinh phí bố trí để bồi thường, giải phóng mặt bằng, trên cơ sở danh mục dự án được HĐND Thành phố thông qua, đối với dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố đã có trong kế hoạch đầu tư công của thành phố được cân đối trong Nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách thành phố năm 2025 của HĐND Thành phố.
Các dự án thuộc ngân sách cấp huyện để các quận, huyện, thị xã bố trí. Các dự án ngoài ngân sách do chủ đầu tư bố trí theo tiến độ đầu tư, đảm bảo bố trí đủ kinh phí phần giải phóng mặt bằng trong năm 2025.
Thông qua Nghị quyết quản lý tài sản công tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
Sáng 10/12, với 100% đại biểu có mặt tán thành đã thông qua 2 Nghị quyết liên quan đến Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Cụ thể đó là Nghị quyết Quy định việc quản lý, sử dụng tài sản công của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và các đơn vị sự nghiệp thuộc Thành phố quản lý trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (thực hiện điểm d và đ khoản 2 và khoản 4 Điều 24 Luật Thủ đô) và Nghị quyết Quy định về tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn trả của người sử dụng đất, tiền sử dụng hạ tầng và tiền xử lý nước thải tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (thực hiện điểm c, d khoản 4 Điều 24 Luật Thủ đô).