Tại kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI, ngày 17/7, HĐND tỉnh Bình Thuận đã tiến hành thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Các đại biểu HĐND tỉnh đã tham gia đóng góp nhiều vấn đề trên lĩnh vực kinh tế, văn hoá – xã hội.
Đại biểu HĐND thảo luận về kinh tế, văn hoá – xã hội
Các đại biểu nêu ý kiến thảo luận xoay quanh các vấn đề: Thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của các dự án (nhất là một số công trình trọng điểm) tuy được chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, xây dựng còn hạn chế; nhất là còn để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán tiêu thụ khoáng sản trái phép tại một số địa phương, chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời. Tình hình an ninh, trật tự có lúc, có nơi còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp.
Đến ngày 30/6, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải thu là 151 tỷ 556 triệu đồng, tăng 2 tỷ 813 triệu đồng, tương ứng tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chậm đóng kéo dài từ 3 tháng trở lên là hơn 97 tỷ đồng, chiếm 61,4% trên tổng số tiền chậm đóng. Nhiều đơn vị chậm đóng với số tiền lớn, kéo dài nhiều tháng nhưng chưa khắc phục. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Theo quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì huyện Hàm Tân được quy hoạch tuyến đường DT.719 nối dài có chiều dài khoảng 28,5km. Đại biểu HĐND đơn vị Hàm Tân đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường này nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa của nhân dân trong khu vực, rút ngắn khoảng đường di chuyển từ trung tâm huyện đên các xã biển, giảm bớt lưu lượng xe di chuyển trên Quốc lộ 55, tạo động lực phát triển thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Hàm Tân.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu còn nêu ý kiến nhiều vấn đề an sinh xã hội như: Nhiều khó khăn trong xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, quan tâm công tác giảm nghèo.
Nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Phát biểu kết luận phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận cho rằng, trong phiên thảo luận, HĐND tỉnh đã đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và bàn phương hướng, nhiệm vụ các tháng còn lại của năm 2024. Đã có các đại biểu phát biểu ý kiến, đồng thời, các Giám đốc Sở và lãnh đạo UBND tỉnh tham gia phát biểu làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm. Nhìn chung, phiên thảo luận diễn ra với nội dung khá toàn diện với tinh thần thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm. Về cơ bản, các ý kiến thảo luận đều thể hiện sự tán thành đối với báo cáo của UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2024.
Ông Nguyễn Hoài Anh đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó lưu ý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 và điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Phan Thiết theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Tập trung giải ngân ở mức cao nhất và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, nhất là các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, các dự án Khu công nghiệp Tân Đức, Sơn Mỹ 1.
Đồng thời, tập trung huy động tối đa nguồn thu vào ngân sách trong 6 tháng cuối năm 2024, bồi dưỡng, khai thác tốt các nguồn thu có tính chất bền vững; hoàn thành việc xác định giá đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và tạo điều kiện cho các dự án triển khai theo quy định pháp luật. Điều hành chi ngân sách linh hoạt, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật; chủ động bố trí, phân bổ vốn cho các dự án, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai toàn tỉnh (Dự án 920), đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc đối với các dự án gắn với triển khai khắc phục những vi phạm, khuyết điểm theo kết luận thanh tra, kiểm tra của cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, tăng cường thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, có thương hiệu để triển khai các dự án lớn góp phần phát triển du lịch; đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm để ngành du lịch phát triển tương xứng với vai trò là một trong 03 trụ cột kinh tế của tỉnh. Tiếp tục đầu tư có hiệu quả thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Ban hành Đề án phát triển ngành y tế tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; triển khi hiệu quả Đề án phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh đạt tiêu chuẩn hạng I, giai đoạn 2023 - 2028; đặc biệt đẩy nhanh tiến độ giải quyết các tồn đọng, vướng mắc để triển khai sữa chữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh và xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh giai đoạn 2 . Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội.