Gần một năm qua, cựu Ngoại trưởng Mỹ đã hành động gì để giúp cho quỹ của bà được “sung túc” như vậy…?
Theo truyền thông Mỹ, vài tuần trước khi bà Hillary Clinton tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ, những cuộc họp với cố vấn của bà chỉ xoay quanh câu chuyện tài chính. Hồi tháng 3, bà Huma Abedin, phụ tá hàng đầu trong “cỗ máy” tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ đã gửi một lá thư cho các nhân viên cao cấp trong chiến dịch của bà Clinton và nhấn mạnh nỗi lo của “chủ nhân”.
Trong thư bà Abedin viết: “Chúng ta có thể thảo luận về kế hoạch gây quỹ đầu tiên được không?”. Sau đó, quản lý chiến dịch Robby Mook còn hỏi lại: “Vậy vấn đề mà chúng ta thực sự đang gặp phải là gì?”. Bà Abedin trả lời ngắn gọn: “Jeb Bush”.
Jeb Bush là một nhân vật đặc biệt trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ở vòng sơ bộ. Ông là em trai cựu Tổng thống George Walker Bush (Bush con) và con trai của cựu Tổng thống George Herbert Walker Bush. Ngay từ khi bắt đầu chiến dịch, Jeb Bush là người sở hữu quỹ chiến dịch bầu cử trị giá 150 triệu USD, một con số lớn mà không phải bất cứ ứng viên Tổng thống nào có thể có được khi bắt đầu cuộc chạy đua Nhà Trắng. Câu trả lời súc tích của bà Abedin đã nói lên tất cả sự lo lắng của ứng viên đảng Dân chủ.
Washington Post còn giải thích rõ, vào thời điểm bắt đầu cuộc chạy đua Nhà Trắng, thông tin về số tiền quỹ tranh cử của cựu thống đốc Florida Jeb Bush tăng lên từng ngày. Sức ép đó đã khiến không khí căng thẳng bao trùm các cuộc họp giữa bà Clinton và đội ngũ nhân sự. Nhưng rất may mắn khi cựu Ngoại trưởng Mỹ nắm trong tay những “quân sư” trung thành và mạng lưới những người hỗ trợ chính trị mà chồng bà, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã “chăm sóc” suốt 40 năm qua.
Quyết tâm không để rớt lại phía sau trong cuộc vận động tài chính, ứng viên đảng Dân chủ đã tung ra chiến thuật, hướng mục tiêu tới các nhà tài trợ giàu có, đồng thời thực hiện các nỗ lực thu hút sự chú ý của giới siêu giàu vào chiến dịch.
“Bà Clinton đang tiến quá sâu vào vấn đề này, tôi e rằng bà ấy sẽ gặp rắc rối, hay nhận chỉ trích từ phe đối lập. Nhưng dù sao chúng tôi vẫn sẽ ủng hộ mọi quyết định của cựu Ngoại trưởng”, một cố vấn của bà cho hay.
Cuối cùng những nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng, số tiền từ quỹ tranh cử tăng lên từng ngày, cho tới cuối tháng 10 đã đạt 1,14 tỷ USD. So với ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, cuối tháng 5/2015 ông Trump mới tiến hành vận động gây quỹ nhưng quỹ của ông Trump chỉ đạt 712 triệu USD, trong đó 56 triệu USD là tiền túi do ông trùm bất động sản tự bỏ ra…
Theo phân tích của chuyên gia chính trị tờ Washington Post, bà Hillary đã đi con đường khác hoàn toàn với ông Obama khi ngay từ đầu chiến dịch tranh cử đã nhắm tới giới tài phiệt, siêu giàu. Hơn 1/5 số tiền quyên góp cho bà Clinton đến từ 100 cá nhân giàu có cùng các công đoàn lao động.
Nhiều thành phần trong số này có thời gian dài ủng hộ nhà Clinton. Tờ này cũng chỉ rõ, 5 nhà tài trợ hàng đầu cho quỹ này gồm: nhà quản lý quỹ đầu tư S. Donald Sussman (20,6 triệu USD), gia đình nhà đầu tư mạo hiểm Chicago J.B. Pritzker (16,7 triệu USD), Chủ tịch tập đoàn Univision Haim Saban cùng phu nhân Cheryl (11,9 triệu USD), tỷ phú đầu tư George Soros (9,9 triệu USD) và người sáng lập Slim Fast S. Daniel Abraham (9,7 triệu USD).
Mặc dù trước đó, do vụ bê bối chính trị Watergate năm 1970, luật bầu cử Mỹ quy định các ứng cử viên không được phép nhận tiền ủng hộ tranh cử từ giới kinh tế, chính trị. Nhưng tới năm 2010, quy định này đã thay đổi bằng một cơ chế mở cho phép sự tham gia của giới siêu giàu. Theo đó, ứng viên tranh cử có thể nhận số tiền không giới hạn từ siêu ủy ban hoạt động chính trị (Super PAC). Đây là một tổ chức chuyên vận động đóng góp từ các thành viên, sau đó dùng số tiền này đổ vào những chiến dịch ủng hộ hoặc chống lại các ứng viên Tổng thống.
Phương Anh