Hé lộ bí mật người tình đầu tiên của Mao Trạch Đông

Hé lộ bí mật người tình đầu tiên của Mao Trạch Đông

Thứ 5, 27/12/2012 23:58

Mọi người đều biết rằng, người vợ đầu tiên của Mao Trạch Đông khi còn ở làng Thiều Sơn có tên là La Đại Tú. Tuy nhiên, La Đại Tú là người vợ do gia đình sắp đặt khi Mao Trạch Đông mới 7 tuổi, không được ông chấp nhận và hai người cũng chưa bao giờ ở với nhau.

Cuộc hôn nhân chính thức đầu tiên của lãnh tụ Trung Quốc diễn ra vào năm 1927, khi ông 28 tuổi. Và người vợ này thì ai cũng biết chính là Dương Khai Huệ - cô gái đồng hương kém Mao Trạch Đông 8 tuổi. Tuy nhiên, thực tế thì trước khi kết hôn với Dương Khai Huệ, Mao Trạch Đông còn một mối tình nữa mà ít người biết tới…

Mối tình đầu tiên của Mao Trạch Đông sau khi rời khỏi làng Thiều Sơn là một cô gái họ Đào tên là Tư Vịnh, còn gọi là Đào Nghị. Đào Tư Vịnh sinh năm 1896, kém Mao Trạch Đông 3 tuổi, là con gái của Hội trưởng Thương Hội Trường Sa rất giàu có và quyền lực. Thực tế thì họ Đào vốn cũng là người huyện Tương Đàm, Hồ Nam, cùng quê với Mao Trạch Đông, sau đó mới chuyển tới huyện Trường Sa, Hồ Nam làm ăn buôn bán.

Năm 1916, vừa tròn 20 tuổi, Đào Tư Vinh thi vào trường nữ trung học sư phạm Chu Nam, là bạn cùng lớp với nhà nữ cách mạng nổi tiếng của Trung Quốc là Hướng Cảnh Dư. Tại trường nữ trung học Chu Nam, Hướng Cảnh Dư, Đào Tư Vinh và Thái Sướng được gọi là “Chu Nam tam kiệt” (ba người tài năng, xuất chúng tại trường Chu Nam).

Đào Tư Vinh xuất thân nhà danh gia giàu có, nhưng không hề kênh kiệu hay ngạo mạn vì xuất thân của mình, ngược lại, Đào Tư Vinh nổi tiếng dịu dàng, hiền thục, cư xử rất mực văn nhã và tỏ ra là người có học. Ngoài ra, cô gái họ Đào cũng là một mỹ nữ có tiếng đất Trường Sa. Không chỉ dáng người cao ráo, quý phái mà dung mạo cũng rất xinh đẹp.

Xã hội - Hé lộ bí mật người tình đầu tiên của Mao Trạch Đông

Đào Tư Vịnh

Bên cạnh sự xinh đẹp, tài năng, Đào Tư Vịnh cũng là một cô gái có cá tính mạnh và tư tưởng tiến bộ vào thời bấy giờ. Với chủ trương giáo dục cứu nước, Đào Tư Vịnh là một nhân vật có tiếng tăm trong hoạt động giáo dục ở Trường Sa những năm đầu thế kỷ 20. Thậm chí, đương thời có người còn gọi Đào Tư Vịnh là “tài nữ số 1 phía Nam sông Trường Giang”. Cũng chính nhờ những hoạt động trong lĩnh vực cải cách giáo dục, Đào Tư Vịnh và Mao Trạch Đông đã gặp nhau.

Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm số 1 tỉnh Hồ Nam vào năm 1918, Mao Trạch Đông cùng với Thái Hòa Sâm, Tiêu Tử Thăng thành lập một tổ chức cách mạng có tên gọi là Tân Dân học hội. Mục tiêu của tổ chức này là giáo dục tư tưởng mới cho thế hệ thanh niên Trung Quốc thông qua việc tổ chức các hoạt động trong nước hoặc đưa những thanh niên Trung Quốc sang nước ngoài (Nga, Pháp) để học tập theo hình thức vừa học vừa làm. Đào Tư Vịnh gia nhập Tân Dân học hội do được sự giới thiệu của Dương Xương Tề - thầy giáo và cũng là cha vợ tương lai của Mao Trạch Đông.

Sau khi tốt nghiệp tại trường nữ trung học sư phạm Chu Nam, do thành tích học tập tốt, Đào Tư Vịnh được giữ lại trường làm giáo viên và bắt đầu có những hoạt động tích cực trong lĩnh vực giáo dục của Hồ Nam. Trong khi đó, Hướng Cảnh Dư sau khi tốt nghiệp thì về quê mình ở Tự Phố mở lớp dạy học, song vẫn thường xuyên liên hệ với trường Chu Nam trong đó có Đào Tư Vịnh.

Mỗi lần có việc tới Trường Sa làm việc, Hướng Cảnh Dư lại tới nhà Đào Tư Vịnh để ở. Tới tháng 9 năm 1918, Thái Sướng gửi thư mời Hướng Cảnh Dư tới Trường Sa cùng tổ chức các lớp du học vừa học vừa làm tại Pháp cho nữ giới.

Hướng Cảnh Dư đồng ý ngay, rời Tự Phố tới Trường Sa. Không lâu sau đó, Hướng Cảnh Dư và Đào Tư Vịnh gia nhập vào Tân Dân học hội do Mao Trạch Đông thành lập, cùng với Thái Sướng trở thành những hội viên nữ đầu tiên của hội.

Trong thời kỳ hoạt động tại Tân Dân học hội, phong thái chững chạc, quyết đoán của Mao Trạch Đông khiến nhiều nữ giáo viên tham gia hội rất khâm phục và ngưỡng mộ. Trong số những nữ thành viên ấy có cả Đào Tư Vịnh. Cô gái họ Đào vốn là đồng hương Tương Đàm với Mao Trạch Đông, vì vậy càng tỏ ra ngưỡng mộ Mao Trạch Đông hơn. Do đó, khi cùng nhau tham gia các hoạt động của hội, Đào Tư Vịnh đã tìm cách tiếp cận Mao Trạch Đông.

Hai người qua lại thân mật với nhau một thời gian đã nảy sinh một tình cảm vừa là tình yêu trai gái lại vừa là sự sùng bái, tôn thờ. Theo những tư liệu còn lưu lại được tới ngày nay thì trong thời gian 1918 - 1919, Mao Trạch Đông có rời khỏi Hồ Nam hai lần và trong hai lần này, Mao Trạch Đông đã gửi cho Đào Nghị khá nhiều thư. Hiện tại, các sử gia Trung Quốc đã tìm được ít nhất là có năm bức thư mà Mao Trạch Đông gửi cho Đào Nghị.

Xã hội - Hé lộ bí mật người tình đầu tiên của Mao Trạch Đông (Hình 2).

Mao Trạch Đông và Tư Vịnh chụp ảnh chung cùng với bạn

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là mối tình giữa hai người kéo dài chưa được bao lâu thì đành phải chia tay. Cho tới nay, không có nhiều sử liệu ghi chép về nguyên nhân dẫn tới việc hai người quyết định chấm dứt mối quan hệ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, nguyên nhân khiến Mao Trạch Đông phải chia tay mối tình đầu của mình là vì sự phản đối từ phía gia đình họ Đào.

Xuất thân trong một gia đình giàu có và quyền lực, việc Đào Tư Vịnh bắt đầu mối quan hệ với Mao Trạch Đông gặp phải sự phản đối rất gay gắt từ phía gia đình họ Đào. Mặc dù tình cảm mà hai người dành cho nhau rất sâu nặng, song lại không vượt qua được sự ngăn cản từ phía gia đình, do vậy mối tình bắt đầu chớm nở của Đào Tư Vịnh và Mao Trạch Đông nhanh chóng kết thúc, không thể tiến xa hơn.

Mặc dù chia tay, song cả hai người vẫn giữ mối quan hệ bạn bè tốt đẹp. Tháng 7 năm 1920, khi Mao Trạch Đông sáng lập nên Văn hóa thư xã, Đào Nghị là một trong những người chủ yếu tham gia đầu tư. Tới tháng 10 năm đó, khi Mao Trạch Đông kiến nghị chính phủ cách mạng Hồ Nam tổ chức Hội nghị hiến pháp nhân dân Hồ Nam để lập ra hiến pháp Hồ Nam, Đào Nghị cũng là người giúp Mao Trạch Đông rất nhiều. Mao Trạch Đông trong thời gian này cũng thường xuyên gửi thư bàn bạc thảo luận với Đào Nghị, Dịch Lễ Dung,…

Khi Hướng Cảnh Dư sang Pháp du học, Mao Trạch Đông cũng gửi thư Đào Tư Vịnh, khuyên cô tới Bắc Kinh học thêm. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, Đào Tư Vịnh đã ở đảm nhận vị trí giảng dạy ở Chu Nam nên không đi được. Chỉ tới năm 1921, Đào Tư Vịnh chỉ tới học thêm một khóa tiến tu ngắn ở Đại học Kim Lăng của Nam Kinh. Lần đó, sau khi tham gia Đại hội lần thứ nhất thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Thượng Hải, mỗi đại biểu nhận được 50 đồng làm tiền lộ phí về quê.

Mao Trạch Đông trên đường về đã du ngoạn Hàng Châu, sau đó tới Nam Kinh để thăm Đào Tư Vịnh đang học tại đây. Có thể thấy thâm tình mà hai người dành cho nhau sâu đậm tới mức nào. Tuy nhiên, từ đó về sau, hai người rất ít gặp lại nhau. Mao Trạch Đông theo đuổi sự nghiệp cách mạng còn Đào Tư Vịnh thì trở về Chu Nam tiếp tục làm giáo viên tại đây.

Một trong những lần gặp gỡ hiếm hoi giữa hai người là vào Tết Nguyên Đán năm 1921. Sau khi thành lập Văn hóa thư xã, Mao Trạch Đông và Đào Nghị đã có một cuộc gặp mặt khó quên. Ngày hôm đó, Mao Trạch Đông, Đào Nghị cùng những người bạn cùng chí hướng với họ bất chấp gió tuyết đầy trời, cùng nhau chụp một bức ảnh lưu niệm ngay trong sân của trường Chu Nam. Bức ảnh này vẫn còn được lưu lại tới ngày nay.

Cũng có nhiều người nói rằng, mối tình giữa Mao Trạch Đông và Đào Tư Vịnh kết thúc là vì vào thời điểm đó, Mao Trạch Đông đã gặp Dương Khai Huệ và hai người chuẩn bị kết hôn. Mao Trạch Đông kết hôn với Dương Khai Huệ - con gái của Dương Xương Tề, thầy giáo của mình vào năm 1921. Tuy nhiên, có người nói rằng, bài từ “Tiễn bạn” Mao Trạch Đông viết vào năm 1922 là bài từ viết dành cho Đào Tư Vịnh (phần lớn người ta cho rằng, đây là bài từ mà Mao Trạch Đông viết cho Dương Khai Huệ).

Do Mao Trạch Đông và Dương Khai Huệ mới lấy nhau được một năm nên vì bài từ này mà giữa hai người nảy sinh mâu thuẫn. Tuy nhiên, có lẽ mối tình cũ giữa Mao Trạch Đông và Đào Tư Vịnh chỉ thoáng trở về trong cảm xúc chứ không biến thành hành động. Bởi lẽ trong một tài liệu mà Dương Khai Huệ để lại có nói rằng bà đã “giải quyết được hiểu lầm” với Mao Trạch Đông. Thiết nghĩ, chuyện hiểu lầm này chỉ có thể là bài từ gửi cho người bạn gái cũ kia mà thôi.

Về phần Đào Tư Vịnh, sau khi bị gia đình phản đối, phải chia tay với Mao Trạch Đông, bà được rất nhiều người theo đuổi. Một trong số những người theo đuổi cô dài nhất chính là Bành Hoàng, chủ tịch Hội học sinh Hồ Nam. Tuy nhiên, trước sau, Đào Tư Vịnh đều từ chối. Sau này, Đào Tư Vịnh chuyển tới Thượng Hải và tiếp tục tham gia công việc giáo dục. Năm 1931, Đào Tư Vịnh qua đời khi tuổi chỉ mới 35. Cả cuộc đời, bà không hề kết hôn một lần nào.

> Đọc thêm: Những câu chuyện huyền bí trong hậu cung xưa

Cổ Tỉnh

* Bài đăng trên ấn phẩm chuyên đề báo ĐSPL.


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.