Hé lộ câu chuyện về cuộc thẩm vấn nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein

Hé lộ câu chuyện về cuộc thẩm vấn nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein

Thứ 4, 11/01/2017 23:22

Đầu năm 2017, cuốn sách do cựu chuyên gia phân tích CIA viết về cuộc thẩm vấn với nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein được công bố với thế giới.

Cuộc thẩm vấn lịch sử

Theo Independent (Anh), cựu chuyên gia phân tích CIA, John Nixon là tác giả cuốn sách viết về cuộc thẩm vấn ông Hussein, trong đó đã hé lộ những câu chuyện mà thế giới chưa từng biết về nhà lãnh đạo Iraq này.

Hồ sơ - Hé lộ câu chuyện về cuộc thẩm vấn nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein

 Cuốn sách của John Nixon về cuộc thẩm vấn nhà lãnh đạo Iraq.

Chuyên viên CIA John Nixon tới Iraq với nhiệm vụ tìm manh mối để bắt được ông Hussein và điều tra về việc sở hữu vũ khí hủy diệt của Iraq. “Đó là ngày 13/12/2003, khi tôi đang ở văn phòng thì được Giám đốc điều hành CIA Buzzy Krongard gọi tới giao cho một nhiệm vụ tuyệt mật”, cựu mật vụ CIA kể lại.

Đội đặc nhiệm Mỹ đã bắt được một người đàn ông cao to, râu tóc rậm rạp và khẳng định đó chính là nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein, người mà quân đội Mỹ săn lùng bấy lâu nay. Họ bắt được ông khi lục soát một nông trại gần ngôi làng quê ông ở Tikrit.

“Những quan chức Mỹ đã yêu cầu tôi đưa ra những “nghiên cứu” của mình để có thể nhận diện ông Hussein. Đặc biệt Giám đốc điều hành CIA còn nhắc nhở tôi, cần xác định chính xác người đàn ông bị bắt có phải là Hussein hay không? Bởi có nhiều tin đồn rằng ông Hussein luôn có người “đóng thế” để tránh sự truy lùng của Mỹ”, tác giả cuốn sách kể lại.

BBC (Anh) cho hay, cựu chuyên viên CIA Nixon đã tập hợp nhiều đặc điểm để có thể nhận diện được nhà lãnh đạo Iraq như bàn tay và cổ tay trái của ông Hussein có hình xăm bộ tộc, chân trái có một vết sẹo do đạn, môi bị lệch một bên khi nói… Và những đặc điểm này hoàn toàn trùng khớp với người đàn ông “râu rậm” đã tìm được.

Cuốn sách của Nixon đã thuật lại chi tiết về cuộc thẩm vấn lịch sử. Thông qua người phiên dịch, cựu nhân viên CIA lần lượt đặt câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên mà Nixon đưa ra là: “Lần cuối ông nhìn thấy các con trai mình còn sống là khi nào?”, Nixon nghĩ rằng ông Hussein sẽ phản kháng nhưng vẫn rất sửng sốt trước câu trả lời giận dữ: “Các anh là ai? Là tình báo quân sự à? Tình báo dân sự? Trả lời tôi. Hãy xưng danh”.

Lúc đó, Nixon đã kịp để ý thấy các hình xăm bộ tộc của Hussein và thấy rằng miệng ông hơi lệch. Khi ông Hussein vạch áo để chỉ cho cựu chuyên viên CIA xem vết thương trên chân, Nixon đã nhìn thấy một vết sẹo cũ trên chân trái. Anh hỏi xem đó có phải là do đạn không, ông Hussein xác nhận.

Một loạt các câu hỏi mà giới chức Mỹ muốn biết về vị lãnh đạo Iraq này nhưng ông đều im lặng, ông chỉ trả lời những câu mà ông muốn. Ông Hussein còn hỏi vặn lại: “Tại sao các anh không hỏi tôi về chính trị? Các anh có thể học nhiều điều từ tôi”. Cuộc thẩm vấn này hay những cuộc điều tra mà Mỹ đã đổ vào Iraq chỉ để xác định một điều, Iraq dưới chính quyền Saddam Hussein có đầu tư cho phát triển một loại vũ khí hủy diệt nào không?.

Song rất bất ngờ, câu trả lời của nhà lãnh đạo Iraq đưa ra đã chế giễu những người có mặt ở đó: “Người Mỹ có thể tìm thấy một kẻ phản bội đưa các anh tới chỗ của Saddam Hussein. Nhưng tôi dám chắc, không có kẻ phản bội nào có thể chỉ cho các anh vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq cất giấu chỗ nào?”.

Đặc biệt, ông Hussein còn khẳng định, Iraq không phải là quốc gia khủng bố. Quốc gia Trung Đông này không có quan hệ với tên trùm Osama bin Laden và không có vũ khí hủy diệt hàng loạt, không phải là mối đe dọa với bất cứ ai”.

Nixon và những tình báo người Mỹ cùng có mặt trong cuộc thẩm vấn lịch sử hỏi ông Hussein liệu chính phủ Iraq đã bao giờ cân nhắc dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt để tấn công phủ đầu binh sĩ Mỹ ở Saudi Arabia?

Ông Hussein đáp: “Chính phủ Iraq không bao giờ nghĩ về việc dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Điều đó không được bàn tới. Sử dụng vũ khí hóa học chống lại thế giới à? Ai sẽ sử dụng thứ vũ khí này khi không bị thứ vũ khí đó tấn công?”

Khi Nixon hỏi về việc, Mỹ có trong tay những bằng chứng cho thấy Iraq đã dùng vũ khí hóa học ở thành phố Halabja của người Kurd trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq, đôi mắt của nhà lãnh đạo Iraq quắc lên giận dữ: “Tôi không sợ anh hay tổng thống của anh. Tôi sẽ làm những điều mà tôi phải làm để bảo vệ đất nước tôi”. Sau đó, ông quay sang Nixon khẳng định: “Nhưng tôi không phải là người đưa ra quyết định đó”.

Trước cuộc thẩm vấn, điều mà chính phủ Mỹ mong nhận được kết quả chính là bằng chứng, chứng minh Washington đem quân vào Iraq là hành động đúng đắn. Song, những câu trả lời của ông Hussein lại trái ngược hoàn toàn thứ mà mọi người nghĩ đến.

“Vậy thì Mỹ đã sai lầm như thế nào? Chúng tôi đã thực sự sai lầm ngay từ khi bắt đầu hành động phải không? Cả cuộc đời tôi đã từng tham gia nhiều cuộc thẩm vấn, nhưng khuôn mặt của ông ấy, cho tới giờ tôi không thể quên được. Ánh mắt đầy giận dữ, đau thương”, cựu chuyên viên CIA nhớ lại.

Tổng thống mới của Mỹ sẽ kết thúc quá khứ…

Trả lời Daily Mail về quyết định ra mắt cuốn sách về cuộc thẩm vấn với nhà lãnh đạo Iraq, cựu chuyên gia phân tích CIA, John Nixon khẳng định: “Nhà Trắng đều muốn biết liệu có bằng chứng nào cho thấy Hussein đang phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt hay không. Nhưng khi nói chuyện với Hussein, tôi  cùng các nhà điều tra CIA đã đi đến kết luận rằng chương trình vũ khí hạt nhân của Iraq đã kết thúc từ nhiều năm trước”.

Phải mất vài năm nghiên cứu tư liệu, cuối năm 2007, Nixon được triệu tập tới phòng Bầu dục để trình bày chi tiết với Tổng thống George W. Bush về ông Hussein qua các cuộc thẩm vấn. Nhưng đã quá muộn khi ông Hussein đã bị xét xử và hành quyết, cuối năm 2006.

Hồ sơ - Hé lộ câu chuyện về cuộc thẩm vấn nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein (Hình 2).

 Cuối năm 2007, John Nixon đã được Tổng thống George Bush gọi tới phòng Bầu Dục để trình bày kết quả điều tra.

 “Tôi từng nghĩ rằng kết quả điều tra của chúng tôi ở Iraq sẽ có tầm ảnh hưởng nhất định và Tổng thống sẽ nghe theo. Nhưng, chúng tôi đã lầm, mọi điều chúng tôi nói không quan trọng, chính trị vẫn chi phối tình báo”.

Chuyên viên phân tích cao cấp CIA Nixon quyết định rời CIA năm 2011. “Tôi thực sự cảm thấy xấu hổ với những gì đã xảy ra ở Iraq sau khi Hussein bị lật đổ. Chính quyền Bush đã không nghĩ tới điều gì sẽ xảy ra sau khi Mỹ đưa quân đến Iraq”, Nixon nói.

Independent thông tin thêm, những tiết lộ của ông Nixon được đưa ra sau khi ông John Chilcot, một luật sư có tiếng của Anh, đề xuất bản cáo trạng về quyết định tham chiến tại Iraq cùng với Mỹ của cựu Thủ tướng Tony Blair.

“Không hề có một mối đe dọa nào sắp xảy ra từ phía Saddam Hussein vào tháng 3/2003. Chúng tôi đã kết luận rằng Anh đã chọn cách đưa quân vào Iraq trước khi xem xét các lựa chọn hòa bình khác để giải trừ vũ khí. Hành động quân sự ở thời điểm đó không phải là phương sách cuối cùng”, ông Chilcot cho hay.

Câu chuyện về nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein đã trôi qua 10 năm, nhưng cựu nhân viên CIA vẫn hy vọng, nước Mỹ sẽ mang lại sự ổn định, thịnh vượng với Iraq. “Tổng thống mới của chúng tôi (ông Trump) đang đứng trước một cơ hội mới để hình thành một trật tự khu vực mới ở Trung Đông. Có thể chính quyền của ông sẽ sử dụng kỹ năng đàm phán và kết thúc sự cuộc chiến quân sự ở Iraq này mãi mãi”, ông Nixon lạc quan nói.

 

Phương Anh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.