Mở rộng đã trở thành một trong những chủ đề cấp bách nhất đối với Liên minh châu Âu (EU), với thông báo chính thức về việc mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine dự kiến sẽ được công bố trong tháng 12.
Chi phí khổng lồ của việc mở rộng đã được tiết lộ trước thềm cuộc họp của 51 nhà lãnh đạo châu Âu trong khuôn khổ Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) sẽ diễn ra vào ngày 6/10 tại thành phố Granada, Tây Ban Nha. Đây sẽ là lần nhóm họp thứ 3 của EPC, sau hội nghị ở Moldova hồi tháng 6 năm nay và hội nghị ở Cộng hòa Séc hồi tháng 10 năm ngoái.
Theo một bản ghi chú nội bộ của Hội đồng châu Âu mà giới truyền thông được tiếp cận, việc mở rộng quy mô của EU để bao gồm 9 quốc gia mới, trong đó có Ukraine, sẽ khiến các quốc gia thành viên hiện tại phải gánh khoản chi phí hơn 256 tỷ Euro.
Tài liệu trên, được tờ Financial Times (Anh) đưa tin lần đầu tiên hôm 4/10, là hình dung chính thức đầu tiên về ý nghĩa của việc mở rộng trong tương lai đối với ngân sách EU.
Bản ghi chú nêu ra các cơ hội, chẳng hạn như thị trường nội khối lớn hơn và nhiều ảnh hưởng chính trị hơn trên trường toàn cầu. Nhưng nó cũng cảnh báo về “những thách thức đáng kể” về các vấn đề từ ngân sách, đến số ghế trong nghị viện châu Âu, tương lai của chính sách nông nghiệp chung, và khả năng ra quyết định của khối.
Việc mở rộng trong tương lai có nghĩa là tất cả các thành viên EU hiện tại “sẽ phải đóng góp nhiều hơn và nhận được ít hơn” từ ngân sách EU. Điều đó nghĩa là nhiều quốc gia hiện đang được hưởng lợi ích tài chính ròng sẽ trở thành những nước đóng góp ròng.
Bản ghi chú ước tính ngân sách EU sẽ tăng 21% lên 1.470 tỷ Euro nếu cả Ukraine, Moldova, Georgia (Gruzia) và các nước Tây Balkan đều gia nhập. Nó sẽ liên quan đến sự gia tăng đáng kể đóng góp của Đức, Pháp và Hà Lan, với các giai đoạn chuyển tiếp cần thiết để tăng quy mô tài trợ.
Theo Financial Times, Ukraine – quốc gia lớn nhất trong số 9 quốc gia được chấp nhận là ứng cử viên tiềm năng, sẽ được hưởng 186 tỷ Euro trong chu kỳ ngân sách 7 năm của EU nếu Kiev trở thành thành viên. Khoản tiền này nằm ngoài những ước tính về chi phí tái thiết Ukraine, vốn được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là vào khoảng 400 tỷ Euro.
Bản ghi chú không đi xa đến mức tính toán chi phí cho từng quốc gia châu Âu, nhưng tập trung vào tác động dự kiến đối với chính sách nông nghiệp và quỹ gắn kết của EU. Khi nói đến trợ cấp nông nghiệp của EU, Ukraine sẽ là nước hưởng lợi chính, nhận được 96,5 tỷ Euro trong vòng 7 năm.
Đối với nguồn tài trợ gắn kết – cung cấp tài chính cho cơ sở hạ tầng ở các quốc gia thành viên kém phát triển hơn, sau khi EU mở rộng, các nước như Cộng hòa Séc, Estonia, Litva, Slovenia, Síp và Malta sẽ không còn đủ điều kiện nhận khoản quỹ này nữa.
Tuy nhiên, tất cả những tính toán này chỉ ngoại suy dựa trên cơ sở các quy tắc ngân sách hiện hành, nhưng không thể phủ nhận rằng những thay đổi đối với ngân sách EU “chắc chắn là cần thiết và có ảnh hưởng sâu rộng”.
Minh Đức (Theo Politico EU, The Guardian)