Hé lộ chuyến đi của Đặc phái viên Trung Quốc đến Triều Tiên

Hé lộ chuyến đi của Đặc phái viên Trung Quốc đến Triều Tiên

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 2, 20/11/2017 08:00

Không như Tổng thống Trump mong đợi, Bắc Kinh đã tập trung nhấn mạnh quan hệ truyền thống với Triều Tiên, thay vì đề cập công khai đến cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo.

Tiêu điểm - Hé lộ chuyến đi của Đặc phái viên Trung Quốc đến Triều Tiên

Ông Tống Đào (phải) gặp ông Choe Ryong Hae, Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên

Trong một tuyên bố ngắn gọn sau khi Đặc phái viên Trung Quốc có chuyến thăm Bình Nhưỡng vào cuối tuần trước, Bắc Kinh đã tập trung nhấn mạnh quan hệ truyền thống với Triều Tiên, thay vì đề cập công khai đến cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo.

Cuối tuần qua, Bắc Kinh đã cử nhà ngoại giao kỳ cựu Tống Đào, Vụ trưởng vụ Quốc tế thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tới Bình Nhưỡng. Nhân vật này gặp gỡ quan chức cấp cao của Đảng Lao động Triều Tiên và thông báo ngắn gọn về kết quả Đại hội Đảng Cộng sản Đảng 19 vừa diễn ra cuối tháng Mười, nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được bầu thêm một nhiệm kỳ mới.

Trong bài phát biểu sau cuộc họp, đại diện hai bên cho biết, quan hệ hai nước bắt nguồn từ những nền tảng “quý báu và giá trị”, do đó Bắc Kinh và Bình Nhưỡng cần tiếp tục thúc đẩy hữu nghị song phương. “Hữu nghị Trung Quốc-Triều Tiên đã được gây dựng và vun đắp bởi các nhà lãnh đạo thế hệ trước và họ là tài sản quý báu của hai nước.

Cả hai bên cần cùng nhau thúc đẩy phát triển hơn nữa quan hệ và mang đến lợi ích cho nhân dân hai quốc gia”, thông báo cho hay. Hãng tin Nhà nước Triều Tiên KCNA cũng đưa tin và nhấn mạnh trọng tâm về quan hệ hữu nghị truyền thống với Trung Quốc.

Cuộc họp diễn ra sau khi Bắc Kinh vừa tăng cường thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Chuyến đi của ông Tống Đào cũng khởi hành chỉ một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm Bắc Kinh, nơi ông thúc giục giới lãnh đạo Trung Quốc cần phải hành động nhiều hơn nữa để kiềm chế Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng ca ngợi động thái của Trung Quốc là "bước đi lớn, sau khi nước này quyết định gửi Đặc phái viên đến Triều Tiên. Trong một bài đăng trên Twitter, ông Trump cho rằng điều này có thể dẫn đến bước phát triển mới trong bế tắc hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. "Trung Quốc đang gửi phái viên và phái đoàn đến Triều Tiên - Một bước đi lớn, chúng ta sẽ chờ xem điều gì xảy ra!", Tổng thống Donald Trump viết.

Theo giới phân tích, nhà lãnh đạo Mỹ cảm thấy hài lòng khi phía Bắc Kinh đã lắng nghe lời đề nghị của ông và đưa ra động thái này. Đây cũng được coi là thành công bước đầu đến từ chuyến công du châu Á của ông chủ Nhà Trắng. Trong khi đó, chuyến đi của ông Tống Đào cũng là lần đầu tiên trong năm nay một quan chức cấp cao Trung Quốc đến thăm Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, với thông báo chỉ tập trung vào quan hệ truyền thống hai nước và không hề nhắc một từ nào về cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa mà phía Triều Tiên đang gây lo ngại trong khu vực, dường như điều mà Tổng thống Trump mong muốn đã không trở thành sự thực.

Giáo sư Shen Zhihua từ đại học East China Normal (Trung Quốc) đánh giá, quan hệ hai nước đang trên đà căng thẳng. Do đó, chuyến thăm lần này của Vụ trưởng vụ Quốc tế Trung Quốc chỉ đơn giản là cầu nối hàn gắn quan hệ. Cùng với đó, ông Tống Đào mới chỉ gặp mặt trợ lý của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là ông Choe Ryong-hae, bởi vậy, sẽ còn nhiều hạn chế trong việc bàn về các vấn đề to lớn khác.

“Chỉ có nhà lãnh đạo Kim Jong-un mới có tiếng nói cuối cùng về việc liệu Triều Tiên sẽ đưa ra lời đề nghị về một giải pháp hòa bình hay không. Do đó, ý định của Mỹ và Trung Quốc muốn đạt được với vấn đề hạt nhân trong cuộc gặp này là không có cơ sở”, giáo sư Shen nói.

Chuyên gia Bonnie Glaser từ trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết, mối quan hệ giữa hai nước đang đặt dưới áp lực lớn. “Quan hệ đang vô cùng căng thẳng - có lẽ tại điểm thấp nhất kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên. Nhiệm vụ quan trọng của Đặc phái viên là không để quan hệ Trung Quốc- Triều Tiên xuống thấp hơn nữa”, ông nói.

Học giả John Delury từ đại học Yonsei Graduate có trụ sở tại Seoul lại nhận định, động thái gửi phái viên cho thấy Trung Quốc sẽ hạ nhiệt căng thẳng với Bình Nhưỡng và mở lại các kênh thông tin liên lạc bị đóng băng khi quan hệ hai nước xấu đi thời gian qua. "Nhiều người đang tìm kiếm một bước đột phá trong bế tắc về chương trình tên lửa hạt nhân và rõ ràng có một chút hy vọng ở trong đó. Dẫu vậy, trọng tâm chính vẫn là cải thiện quan hệ Tập Cận Bình-Kim Jong-un và tìm kiếm những gì họ có thể làm với nhau", ông nói.

Ông Kim và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao đổi thông điệp chúc mừng và cảm ơn sau đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, nhưng chưa có kế hoạch về chuyến thăm nào của cả hai người.

Lần cuối cùng một Đặc phái viên của Trung Quốc đến thăm Triều Tiên là vào hồi tháng Hai năm ngoái.                  

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.