Theo báo cáo của cục Thuế TP.Hải Phòng, tổng số nợ thuế của 10 doanh nghiệp nói trên đến thời điểm hiện nay là hơn 318 tỷ đồng, trong đó, số tiền chậm nộp là trên 182 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp có số nợ lớn là: Công ty TNHH MTV đóng tàu Phà Rừng với tổng nợ trên 121 tỷ đồng; công ty CP công nghiệp tàu thủy Đông Á có tổng nợ trên 31 tỷ đồng; công ty CP đầu tư và xây dựng Đường thủy với tổng nợ trên 15 tỷ đồng…
Để thực hiện đôn đốc các khoản nợ thuế của các doanh nghiệp, cục Thuế Hải Phòng thực hiện nhiều biện pháp nhằm thu hồi các khoản nợ vào ngân sách như: Ban hành quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản và thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng; làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, thu thập thông tin danh sách các khách hàng của doanh nghiệp có công nợ phải thu để cục thuế làm việc với bên thứ 3; lập kế hoạch, giao chỉ tiêu thu nợ thuế cho các đơn vị trực thuộc cục thuế…
Đến nay, cục Thuế Hải Phòng đã thu được hơn 19 tỷ đồng tiền nợ thuế của các doanh nghiệp.
Mới đây, tại cuộc họp do ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hải Phòng chủ trì. UBND thành phố cùng các sở ngành liên quan đã có buổi làm việc với 10 doanh nghiệp nằm trong “danh sách đen” này.
Các doanh nghiệp báo cáo lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng về thực trạng của doanh nghiệp, xác nhận số nợ thuế, một số doanh nghiệp cam kết từ nay đến ngày 31/12/2018 trả một phần tiền nợ thuế, số còn lại tiếp tục trả trong năm 2019.
Ông Nguyễn Xuân Bình chỉ rõ, số tiền nợ thuế được doanh nghiệp cam kết trả nợ còn chưa tương xứng với số tổng nợ cũng như nợ gốc, không phù hợp với quy định pháp luật. Theo ông Bình, đến ngày 22/12/2018, cục Thuế thành phố, sở Tài chính, văn phòng UBND thành phố làm việc từng doanh nghiệp về việc nợ đọng thuế, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện.
Ông Bình cũng yêu cầu Thanh tra thành phố báo cáo kết quả kiểm tra công tác đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ đọng tại các chi cục thuế, nêu rõ trách nhiệm của cán bộ ngành thuế đối với công tác thu ngân sách trong lĩnh vực thuế nói chung và thu hồi tiền nợ thuế nói riêng. Đồng chí cũng chỉ đạo: sở LĐTB&XH, Bảo hiểm xã hội thành phố quan tâm tới tình hình nợ bảo hiểm của các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp có số nợ thuế lớn.
Các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương cần thường xuyên kiểm tra tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, lưu ý các doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán, nợ bảo hiểm xã hội, nợ thuế; đề xuất cơ quan có thẩm quyền hướng giải quyết, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ hoạt động đúng Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật; tạo điều kiện phù hợp để các doanh nghiệp ổn định, phát triển, có điều kiện thực hiện tốt các nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định.