Những cái tên nằm trong sách đen gồm: Công ty Cổ phần Bao bì nhựa Sài Gòn (quận Tân Phú) nợ trên 6 tỷ đồng, thời gian nợ là từ tháng 12/2017; công ty Cổ phần Thương mại Tiến Hưng (quận Tân Phú) cũng đang nợ gần 4,3 tỷ đồng, có thời gian từ tháng 4/2016.
Công ty TNHH Xây dựng kinh doanh Địa ốc Tân Vũ Minh (tại quận Bình Thạnh) cũng nợ gần 2,4 tỷ đồng, thời gian từ tháng 2/2012…
Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Thanh Tiên (tại quận 12) cũng đang nợ trên 4,1 tỷ đồng, thời gian nợ từ tháng 7/2015; công ty Cổ phần Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp Việt Nam (quận 1) nợ trên 3,2 tỷ đồng, thời gian là từ tháng 7/2011.
Công ty Cổ phần Vĩnh Cửu (tại quận 2) nợ trên 6,6 tỷ đồng, thời gian nợ từ năm 2012; công ty Cổ phần Tân Hoàng Thắng (tại quận Tân Bình) cũng đang nợ gần 3 tỷ đồng, thời gian nợ từ tháng 1/2012…
21 công ty vừa bị BHXH TP.HCM chuyển sang cơ quan công an đề nghị xử lý hình sự có tổng số nợ gần 50 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị có số nợ cao nhất là gần 7 tỷ đồng và nợ thấp nhất là trên 300 triệu đồng.
Trong danh sách đen này có một số doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực bất động sản, điển hình như: Công ty TNHH Địa Ốc Hoàng Anh Sài Gòn (quận 10) đang nợ gần 1,2 tỷ đồng, thời điểm nợ từ tháng 2/2016.
Công ty Cổ phần Xây dựng Phú Khang Gia (quận Bình Thạnh) nợ gần 2 tỷ đồng, thời gian từ tháng 10/2015; công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Địa ốc Tân Vũ Minh (quận Bình Thạnh) số tiền gần 2,4 tỷ đồng, thời gian nợ từ tháng 2/2012.
Điều đáng nói là các doanh nghiệp này đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng các đơn vị vẫn cố tình chây ì.
Điển hình, như công ty Thanh Tiên bị xử phạt số tiền trên 220 triệu vào cuối năm 2018, công ty Vĩnh Cửu cũng bị xử phạt 210 triệu vào thời điểm tháng 11/2018, công ty Bao bì Nhựa Sài Gòn cũng bị xử phạt 185 triệu đồng vào thời điểm tháng 12/2018.
Tính đến thời điểm này, tại BHXH TP.HCM đang có tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là trên 3.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ nợ gần 2,8% so với kế hoạch thu của BHXH Việt Nam giao.
Trong đó, đáng chú ý là chỉ riêng các đơn vị có thời gian nợ từ 6 tháng và số tiền 300 triệu đồng lên tới 770 đơn vị, với tổng số tiền nợ là gần 1.000 tỷ đồng.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết: “Trong năm 2018, BHXH TP.HCM đã thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH đối với trên 400 đơn vị và phối hơp thanh, kiểm tra liên ngành đối với gần 1.700 đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT....”.
Ngoài các đơn vị bị xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, thì đến nay vẫn còn nhiều đơn vị (chủ yếu là các doanh nghiệp) vẫn không khắc phục đóng BHXH, BHYT cho người lao động.
Thậm chí, nhiều trong số này cũng không chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan BHXH và của cả UBND TP.HCM.