Ông đồ Đỗ Nhật Thịnh, bút danh Nhật Thịnh thư pháp (22 tuổi, Đà Nẵng) là họa sĩ thiết kế, nhiếp ảnh gia, thiết kế nhận dạng thương hiệu, sáng tác tranh… Từ khi bước vào lớp 1, Nhật Thịnh đã hào hứng với những con chữ “rồng bay phượng múa” mà lại tạo nên bố cục chắc chắn. Với hơn 12 năm theo đuổi, Nhật Thịnh đã trở thành gương mặt nổi bật, có tiếng tăm trong lĩnh vực này.
12 năm theo đuổi nghệ thuật thư pháp
Mỗi dịp Tết đến xuân về, Nhật Thịnh đều tham gia viết thư pháp chữ Việt ở nhiều chương trình, sự kiện, lễ hội… Năm nay, ông đồ trẻ viết chữ ở Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM) từ ngày 17/2 - 26/2.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật về niềm đam mê với chữ thư pháp, Nhật Thịnh cho hay: “Hồi đó học lớp 1, mình đã rất thích và hào hứng với những nét chữ thư pháp trên tờ lịch hay bao lì xì tạo nên bố cục chắc chắn. Niềm đam mê trỗi dậy từ đó nhưng vấp phải muôn vàn khó khăn vì lúc đó không có các công cụ, thiết bị như hiện nay. Ngày ấy, mình dùng lông cọ, lông thú, tóc buộc lại gắn vào thân tre để tạo bút viết. Mực cũng không có, mình phải dùng mực bút máy, có lúc phải nên ra vườn lấy quả của cây mồng tơi giã nát rồi hòa với nước để tập viết. Còn giấy phải dùng giấy học sinh hoặc các loại giấy khác”.
Ông đồ Nhật Thịnh bồi hồi nhớ lại những ngày luyện tập đến mức sưng và phồng cả tay. “Lúc nhỏ, bàn tay mình không được to, cầm bút đau tay và cầm không quen tay nên cầm nhiều càng đau hơn nữa. Mặc dù, gặp phải muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về vật chất, không được đào tạo bài bản ngay từ đầu nhưng mình chưa bao giờ lung lay ý chí vì niềm đam mê dành cho chữ thư pháp rất lớn”.
Chàng trai luôn lựa chọn cách cố gắng, nỗ lực để từng ngày chinh phục nghệ thuật thư pháp. Nhật Thịnh tự học là chính, không có đến lớp hay tham dự học một lớp chính quy nào. Thịnh chia sẻ: “Tự học, tự nghiên cứu, học hỏi từ mỗi người giúp mình học được những cái hay của họ. Mình luôn lắng nghe những chia sẻ của người đi trước để học hỏi cách phối màu, bố cục ra sao cho chắc chắn”.
“Ông đồ thời đại 4.0”
Trăn trở về cách đem thư pháp đến gần hơn với thế hệ trẻ Việt, Thịnh cho hay cần phải tạo sự đặc biệt, gần gũi, đa dạng, có cái nhìn lạ mắt hơn. Ông đồ 9X nảy ra ý tưởng về một cách thức truyền tải gây ấn tượng mạnh bởi hình ảnh “mực tàu, giấy đỏ” đôi khi không còn sự thu hút với mọi người. Thịnh sử dụng chất liệu mới như giấy bồi lụa, giấy bo cứng, gỗ, vải, đá, kính để tạo sự phong phú và đa dạng. Đa dạng về màu sắc, chất liệu trong nghệ thuật thư pháp để mọi người cảm thấy hứng khởi hơn, mới mẻ hơn.
Chưa dừng lại ở đó, để thu hút và phù hợp hơn với thời đại, Thịnh sử dụng triệt để phương tiện công nghệ đặc biệt là màn hình led. Ngoài ra chàng trai kết hợp thư pháp với nghệ thuật biểu diễn cùng hiệu ứng sân khấu, âm thanh, ánh sáng.
Chia sẻ về nghệ thuật thư pháp đã tác động đến ông đồ trẻ như thế nào, Nhật Thịnh trải lòng: “Thư pháp ý nghĩa hơn bao giờ hết. Đó là môn nghệ thuật giúp mình cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái hơn. Bộ môn này cũng giúp cho tâm mình bình an, ôn hòa. Đến với nghệ thuật thư pháp, cảm thấy bản thân mình thay đổi nhiều qua từng năm. Thư pháp có nhiều diễn biến tuyệt vời trong tâm hồn của mình”.
Với niềm đam mê nghệ thuật thư pháp từ nhỏ khiến cho chàng trai luôn khao khát làm thế nào để lan tỏa nghệ thuật thư pháp đến với nhiều người, nhiều vùng đất.
Hiện tại, Nhật Thịnh ấp ủ những dự án lớn trên chặng đường sáng tạo và phát triển văn hóa thư pháp truyền thống Việt.
Phong Linh