Trung Quốc trực tiếp vận hành thử nghiệm, toàn tuyến đã cơ bản hoàn thành
Theo nguồn tin từ báo Dân trí, tại tọa đàm trực tuyến “Tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Hà Nội vận hành thế nào” được tổ chức hôm nay (ngày 10/8), ông Vũ Hồng Phương - Phó tổng giám đốc ban Quản lý dự án đường sắt, bộ GTVT cho biết, toàn tuyến đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng đạt trên 96%, một số hạng mục xây dựng đang được hoàn thiện trong giai đoạn sau khi lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống chuyên ngành thiết bị.
Các chuyên ngành thiết bị hiện nay đã nhập về công trường trên 95% trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh gần 80%, trong đó có một số thiết bị chuyên ngành chính liên quan đến hệ thống thiết bị điều khiển đoàn tàu.
Ông Phương cho biết, về nhân lực phục vụ vận hành thử nghiệm tuyến tàu, lực lượng chính là Tổng thầu Trung Quốc. Toàn bộ lực lượng của Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam để tham gia vận hành thử nghiệm.
Lực lượng để tiếp nhận trực tiếp vận hành dự án sau thử nghiệm có 681 nhân sự đã được đào tạo, trong đó có 30 nhân sự quản lý. Trong quá trình vận hành thử nghiệm đội ngũ này sẽ được tham gia.
Giá vé tàu đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông
Về giá vé, cũng trong buổi tọa đàm trực tuyến này, ông Vũ Hồng Trường – Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, dự kiến vé lượt của tuyến đường sắt trên cao sẽ cao hơn vé lượt xe buýt thông thường từ 35 - 37%, vé tháng cao hơn từ 10 - 15% xe buýt.
“Mức giá vé là do UBND TP.Hà Nội quyết định theo hướng làm sao để cạnh tranh với phương tiện cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, giá vé sẽ được Nhà nước trợ giá nên cũng sẽ không quá cao”, ông Trường nói.
Hiện vé lượt xe buýt thông thường tại nội đô Hà Nội là 7.000 đồng/lượt, nếu vé đường sắt cao hơn 35%, giá vé sẽ rơi vào khoảng 10.000 đồng/lượt.
Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông được kết nối với hệ thống xe buýt
Báo VTC News cũng đưa tin về buổi tọa đàm này và dẫn lời ông Chu Quang Trung - Phó viện trưởng viện Chiến lược và phát triển GTVT.
Ông Trung cho rằng, việc kết nối của tuyến đường sắt trên cao với các phương tiện khác, trong đó có xe buýt là rất quan trọng. Nếu kết nối thuận tiện, tàu điện trên cao sẽ thu hút sự quan tâm và nhu cầu đi lại của người dân.
Theo ông Trung, dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 34 tuyến xe buýt đang hoạt động, chiếm 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội.
Về vấn đề, nhiều tuyến xe buýt chạy trùng với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Phó viện trưởng viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết, sau khi đường sắt đô thị đi vào hoạt động, các tuyến xe buýt sẽ có vai trò gom khách cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Việc kết nối này sẽ được điều chỉnh lại.
Nguyên tắc tổ chức lại mạng lưới xe buýt là cung cấp và giải toả tối đa hành khách của tuyến đường sắt đô thị tại các nhà ga, gom và cung cấp khách cho các tuyến buýt.
“Phương án đang được xây dựng là toàn bộ các nhà ga của tuyến đường sắt sẽ có kết nối với hệ thống xe buýt thành phố”, ông Trung nói.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,1km và 12 ga (bình quân 1,1km một ga). Dự án sử dụng vốn ODA của Trung Quốc. Dự kiến thời gian di chuyển sẽ rút ngắn hơn rất nhiều so với các phương thức vận tải công cộng khác với tốc độ lưu thông ổn định vào khoảng 35km/h. |
Mộc Trà (tổng hợp)