Theo Buzzfeed, khi ông Donald Trump mới nhậm chức được 3 tháng, Tổng thống Nga Putin đã cử một nhà ngoại giao Nga tới bộ Ngoại giao Mỹ để trao một bộ tài liệu mang thông điệp: Bình thường hoá toàn diện mối quan hệ giữa Mỹ và Nga.
Trong bộ tài liệu, Nga kêu gọi khôi phục lại các kênh ngoại giao, quân sự và tình báo vốn bị cắt đứt giữa hai nước kể từ sau khi Nga can thiệp quân sự vào Ukraine và Syria.
BuzzFeed khẳng định, hiện tạp chí này đang có được tài liệu về các đề nghị hợp tác của phía Nga với chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Theo đó, trong văn bản trên, phía Nga đề nghị hai bên “nhanh chóng” thực hiện đề xuất này để thúc đẩy các cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống hai bên.
Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump với Tổng thống Putin tại Hamburg của Đức hồi tháng 7/2017 chính là kết quả đầu tiên của việc hợp tác.
Theo tài liệu, Nga từng dự định vào tháng 4/2017 đặc phái viên của Tổng thống Nga về an ninh mạng Andrey Krutskikh sẽ gặp đồng nghiệp Mỹ để tiến hành các cuộc tư vấn trong lĩnh vực này. Cũng theo tài liều, vào tháng 5, hai nước tổ chức “các cuộc thảo luận đặc biệt” về cuộc chiến ở Afghanistan, thoả thuận hạt nhân của Iran, tình hình Ukraine và các nỗ lực phi hạt nhân hoá “bán đảo Triều Tiên”.
Sau đó sẽ là cuộc gặp của những người đứng đầu các cơ quan như cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Hội đồng An ninh Quốc gia và Lầu Năm Góc với phía Nga để thảo luận về các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Một loạt các kênh quân sự và ngoại giao được thiết lập trong nhiệm kỳ đầu tiên dưới thời ông Obama cũng sẽ được khôi phục lại...
Bên cạnh việc đưa ra những điều mà Điện Kremlin mong muốn nhằm thúc đẩy mối quan hệ song phương, tài liệu dường như cũng ngầm truyền tải thông điệp của Nga rằng Mỹ không nên kéo dài tình trạng bực bội về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016.
Bình luận về bộ tài liệu, cựu nhân viên tình báo quốc gia chuyên trách về Nga dưới thời Tổng thống Bush cho rằng: “Bỏ qua mọi điều gây ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai nước và làm như thể bê bối can thiệp bầu cử cũng như khủng hoảng Ukraine chưa bao giờ xảy ra”.
Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có một vài trong số hàng chục cuộc gặp theo đề xuất của phía Nga được thực hiện, còn hy vọng về các cuộc tiếp xúc chính thức gần như không còn nhiều, sau vụ việc Washington và Moscow cắt giảm nhân viên các cơ quan đại diện ngoại giao của hai nước trên lãnh thổ của nhau.
Đại sứ quán Nga ở Mỹ từ chối bàn luận về bộ tài liệu. “Chúng tôi không bình luận về các cuộc đàm phán song phương, một hoạt động ngoại giao thông thường”, tuyên bố của Đại sứ quán Nga cho hay.
Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng cũng từ chối cung cấp thông tin về người đã chuyển tài liệu này cho phía Mỹ.
Dù ông Trump nhiều lần tuyên bố sẽ giúp quan hệ Mỹ-Nga nồng ấm, mối quan hệ giữa Washington và Moscow từ khi ông Trump nhậm chức vẫn bị giới hạn trên cả 3 kênh chính: Nhà Trắng, bộ Ngoại giao và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tom Shannon và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã tiến hành các cuộc đàm phán, nhưng chưa đem lại hiệu quả nào.
Về vấn đề Syria, những nhà ngoại giao Mỹ Michael Ratney và Brett McGurk từng có nhiều cuộc thảo luận với các đối tác Nga để bàn về khu vực phía Tây Nam Syria.
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề Ukraine Kurt Volker mới chỉ bắt đầu công việc của mình chưa được lâu.
Tướng Joseph Dansford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã hai lần gặp gỡ với Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga, tướng Valery Gerasimov.
Sau cuộc gặp đầu tiên, Tướng Dansford khẳng định, cuộc gặp này không đồng nghĩa với việc tăng cường hợp tác với Nga trong vấn đề Syria hay các vấn đề khác.
Có điều, dường như trong kế hoạch thiết lập lại mối quan hệ giữa hai nước, Nga có vẻ đánh giá thấp những tác động mà chính quyền ông Trump phải đương đầu nếu thực hiện việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh FBI và Quốc hội Mỹ đang tiến hành các cuộc điều tra cấp cao về cáo buộc có sự thông đồng của Nga trong cuộc bầu cử 2016.
“Ông Putin dường như không hiểu rằng, quyền lực của ông Trump không giống như của ông ấy”, Steven Pifer, một chuyên gia Nga tại viện Brookings nhận định.
Khi được hỏi liệu sự có thất vọng với ông Trump trong vấn đề cải thiện mối quan hệ Nga-Mỹ hay không, ông Putin thẳng thắn nói: “Ông ấy không phải cô dâu và tôi không phải chú rể”.
“Mỗi nước đều có lợi ích riêng”, ông Putin cho biết thêm.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga vẫn tiếp tục đà suy sụp đáng kể sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt mới với Nga hồi tháng Tám khiến Moscow có những đòn đáp trả.
Xem thêm >> TT Putin và nghệ thuật quan hệ với hai đối thủ "không đội trời chung"
V.T.H