Con tàu khổng lồ lớp Wasp có khả năng chở hơn 1.800 binh sĩ và hàng chục xe bọc thép ở boong rộng 1.200m2, đã được điều tới Syria cùng các tàu khác của hải quân Mỹ nhằm hỗ trợ cho quá trình rút về nước.
Lực lượng hải quân nêu trên sẽ còn có sự trợ lực của hàng trăm lính thủy đánh bộ Mỹ, cùng với máy bay trực thăng có vũ trang, nhằm bảo vệ quân đội khi họ rời khỏi Syria, theo các nguồn tin của Wall Street Journal.
“Chẳng có gì thay đổi. Chúng tôi không nhận lệnh từ Bolton”, một trong những quan chức cho biết, đề cập đến những thông tin trước đó cho rằng Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã thảo luận về kế hoạch giữ nguyên hiện diện của Mỹ ở Syria “để đối đầu với Iran” bất chấp lệnh của Tổng thống.
Trước đó, một quan chức Mỹ nói với hãng tin AFP rằng Lầu Năm Góc đã bắt đầu rút “các thiết bị quân sự không cần thiết” khỏi Syria, nhưng binh sĩ vẫn được triển khai ở đây.
Hôm 19/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút 2.000 lính Mỹ khỏi Syria, khẳng định nhiệm vụ đánh bại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã hoàn thành.
Quyết định của ông Trump đã bị chỉ trích bởi các nghị sĩ nước này, thậm chí khiến Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis phải từ chức. Brett McGurk, đặc phái viên của Tổng thống cho liên quân do Mỹ đứng đầu tại Syria, và Dana White, phát ngôn viên bộ Quốc phòng, cũng đã từ chức. Các quan chức Mỹ trong khi đó vẫn tiếp tục xung đột về thời gian rút quân.
Liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã phát động chiến dịch không kích ở Syria vào tháng 9/2014, tuyên bố mục tiêu nhằm đánh bại IS. Khi chiến dịch phát triển, Mỹ đã thiết lập một căn cứ ở miền Nam Syria, gần biên giới Jordan và Iraq, để đào tạo các lực lượng đối lập chống Chính phủ Syria.
Washington cũng triển khai lực lượng ở miền Bắc Syria, trong các khu vực do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) kiểm soát – một lực lượng chủ yếu là người Kurd đang chiếm vùng Đông Bắc Syria.
Xem thêm: Mỹ rút quân khỏi Syria: Những ẩn số và "mầm họa" ở Trung Đông