Một trong những dự án đang là tâm điểm dư luận thời gian gần đây là trạm BOT tuyến tránh TP.Biên Hoà (Đồng Nai) do công ty Cổ phần Đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư do vấn đề muôn thuở: Thu phí đường tránh nhưng lại đặt trạm trên Quốc lộ 1, nơi có lưu lượng xe qua lại rất đông.
Theo các tài xế, chủ đầu tư đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 và cách đường tránh 10 km. Điều này làm những tài xế lái xe theo tuyến Biên Hòa - Trảng Bom - Thống Nhất (Đồng Nai) hoặc đi ngược lại đều phải bỏ ra một khoản tiền để qua trạm dù không đi tuyến tránh.
Mức thu phí đối với ô tô dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn qua trạm là 35.000 đồng. Những loại có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe đầu kéo container là 180.000 đồng. Theo các bác tài, đây là mức giá cao nhất so với các trạm BOT khác trong tỉnh.
Trong nửa tháng trở lại đây, nhiều phương tiện giao thông đã sử dụng tiền lẻ để trả phí qua trạm nhằm phản đối việc trạm đặt sai vị trí, yêu cầu di dời.
Được biết, trạm thu phí kể trên nhằm hoàn vốn cho dự án BOT đầu tư xây dựng công trình tuyến QL1 đoạn tránh TP. Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai) có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, gồm tăng cường 10 km Quốc lộ 1 đoạn từ Km1841+000 đến Km1851+714 và xây mới đường tránh TP. Biên Hoà dài 12 km từ Km 1851+714 QL1 đến Km 5+000 QL51. Dự án được khởi công vào cuối năm 2009, bắt đầu thu phí từ 6/7/2014 và ban đầu dự kiến thu trong 13 năm 1 tháng 16 ngày.
Về chủ đầu tư dự án là CTCP Đầu tư Đồng Thuận, công ty này được thành lập vào năm 2009, hiện có vốn điều lệ 305 tỷ đồng, trong đó CTCP Đầu tư và Phát triển Cường Thuận IDICO sở hữu 83,1% vốn.
Theo tài liệu mà PV Người Đưa Tin có được, kể từ giữa năm 2014 tới thời điểm cuối tháng 6/2017, trạm BOT tuyến tránh TP.Biên Hoà đã mang về cho doanh nghiệp này 730 tỷ đồng doanh thu và gần 500 tỷ đồng lãi ròng. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu thu phí trạm BOT quốc lộ 1 tuyến tránh Biên Hoà là 143 tỷ đồng, lãi gộp sau khi trừ đi giá vốn là 78,7 tỷ đồng.
Như vậy, dù mới triển khai thu phí 3 năm, song trạm thu phí này đã bù đắp phân nửa tổng mức đầu tư bỏ ra (1.500 tỷ đồng).
Tính trung bình mỗi ngày, chủ đầu tư trạm BOT Biên Hoà thu về khoảng 800 triệu đồng nhờ các tài xế qua trạm, dù họ trả bằng tiền lẻ hay tiền chẵn.
Mới đây, vụ Đối tác công - tư (PPP) thuộc bộ GTV đã điều chỉnh giảm thời gian thu phí đối với BOT tuyến tránh Biên Hoà từ 13 năm 1 tháng xuống 12 năm 9 tháng, nghĩa là chỉ giảm 4 tháng so với phương án tài chính ban đầu.