Hé lộ nguồn gốc loại tên lửa bắn hạ Su-25 của Nga ở Syria

Hé lộ nguồn gốc loại tên lửa bắn hạ Su-25 của Nga ở Syria

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 6, 09/02/2018 10:25

Trong cuộc điều tra nguồn gốc loại tên lửa mà nhóm khủng bố thực hiện vụ tấn công Su-25 có nhiều vấn đề được phân tích và thu hút sự quan tâm đặc biệt. Có 4 nghi vấn được nêu ra về nguồn gốc tên lửa.

Tiêu điểm - Hé lộ nguồn gốc loại tên lửa bắn hạ Su-25 của Nga ở Syria

Một hệ thống tên lửa phòng không vác vai được phiến quân ở Syria sử dụng.

Lực lượng đặc biệt của Syria vừa được cử đến khu vực cường kích Su-25 của Nga bị bắn rơi hồi cuối tuần qua để điều tra nguồn gốc loại tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) mà nhóm khủng bố thực hiện vụ tấn công.

Trong một cuộc điều tra đặc biệt, quan sát viên quân sự Nga Vadim Saranov đưa ra 4 đối tượng có thể cung cấp vũ khí cho các phần tử thánh chiến.

Trên thực tế, hệ thống MANPADS bắt đầu được sử dụng bởi các lực lượng chống Chính phủ ở Syria kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra vào năm 2011. Báo cáo đầu tiên về một vụ tấn công bằng MANPADS là vào tháng 7/2012, khi phiến quân bắn hạ 1 trực thăng Mi-8.

Đã có những tin đồn về nguồn gốc của loại vũ khí này được tài trợ bởi các nước vùng Vịnh và tuồn vào biên giới Syria thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, nhà báo quân sự Vadim Saranov chỉ ra rằng, hình ảnh và bằng chứng video từ khu vực xung đột cho thấy, các chiến binh được trang bị hệ thống MANPADS có nguồn gốc của Liên Xô và Nga, bao gồm cả những phiên bản của tổ hợp phòng không vác vai Igla và Strela.

Các nhóm chiến binh thánh chiến đã dùng MANPADS bắn hạ ít nhất 3 máy bay trực thăng Mi-8, 2 máy bay MiG-21 và MiG-23 của không quân Syria, 1 máy bay ném bom Su-22 và 1 máy bay L-39.

Theo Saranov, có hàng ngàn hệ thống MANPADS được Liên Xô và Nga bán cho Syria trong quá khứ, do đó không loại trừ khả năng một vài trong số này bị thất thoát và rơi vào tay các phần tử thánh chiến.

Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng MANPADS do các nhóm chiến binh này sử dụng đến từ nơi xa xôi khác, bao gồm Trung Đông, Đông Âu hoặc thậm chí là Đông Á.

Libya: Thiên đường buôn lậu vũ khí

Sau khi có sự can thiệp của NATO vào Libya để lật đổ chính phủ Gaddafi vào năm 2011, các nhà phân tích an ninh trên thế giới đã cảnh báo tình trạng có rất nhiều kho vũ khí tối tân, bao gồm cả hệ thống phòng không di động của Libya bị xuất lậu ra khỏi đất nước và mang đến các vùng xung đột khác, trong đó có Syria.

Một số báo cáo thời điểm đó cho biết, có khoảng 20.000 hệ thống tên lửa chống máy bay đã biến mất khỏi kho vũ khí quân sự của Libya và hàng trăm MANPADS đã được gửi ra nước ngoài.

Đông Âu

Theo các chuyên gia phân tích an ninh, Đông Âu là nguồn chính cung cấp MANPADS cho các chiến binh Syria. Bình luận về vụ Su-25 bị bắn hạ, Thượng nghị sĩ Igor Morozov, cựu nhân viên tình báo nước ngoài của Nga cảnh báo rằng, MANPADS hoàn toàn có thể nhập lậu từ Ukraine.

Cuối mùa thu 2017, 1 kho quân sự ở Kalinovka, trung tâm Ukraine bất ngờ bùng cháy dữ dội. Các quan chức Ukraine không loại trừ khả năng trong lúc vụ hỏa hoạn diễn ra đã có hàng trăm loại vũ khí bị đánh cắp.

Bên cạnh đó, các nhà quan sát từ lâu đã phàn nàn về tình hình buôn bán vũ khí số lượng lớn sang các nước Trung Đông của Bulgaria, mà phần lớn trong số đó luôn rơi vào tay khủng bố.

Là một cựu thành viên của khối Đông Âu, ngành công nghiệp vũ khí của Bulgari có thể sản xuất các tổ hợp phòng không di động như Strela-2M, Strela-3 và Igla-1.

Viktor Khramchikhin, Phó Giám đốc viện Phân tích Chính trị và Quân sự Moscow nói rằng, Sofia cũng không ngại ngần trở thành "nhà cung cấp chính cho các nhóm phiến quân Syria chiến đấu chống lại chính phủ”.

Dấu vết châu Á

Năm 2013, lực lượng quân đội Syria Tự do (FSA) đăng tải video bắn hạ 2 trực thăng Mi-8 ở Deir ez-Zor và Aleppo bởi FN-6 - MANPADS thế hệ thứ ba của Trung Quốc với những đặc điểm tương tự như Igla-1. 1 năm sau, FN-6 cũng được phát hiện sử dụng bởi khủng bố IS ở Iraq.

Theo các chuyên gia Nga, tổ hợp phòng không vác vai có nguồn gốc Trung Quốc đã đi 1 con đường dài sang Syria. "Trung Quốc đã bán các hệ thống này cho Sudan, sau đó Qatar mua lại và vận chuyển đến Syria", Ivan Konovalov, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Xu hướng Chiến lược Moscow nêu giả thiết.

Tiêu điểm - Hé lộ nguồn gốc loại tên lửa bắn hạ Su-25 của Nga ở Syria (Hình 2).

Hệ thống HT-16PGJ của Triều Tiên xuất hiện ở Syria.

Thậm chí có những vũ khí có nguồn gốc còn kỳ lạ hơn rơi vào tay các nhóm phiến quân. Ví dụ, ngay cả hệ thống tên lửa phòng không vác vai HT-16PGJ của Triều Tiên - một bản sao của Igla-1 Liên Xô cũng mới bị phát hiện đang được sử dụng bởi các phần tử thánh chiến ở Syria.

Những vũ khí này được cho là bị khai thác từ kho vũ khí của lực lượng Chính phủ. 

NATO

MANPADS sản xuất bởi các nước thành viên NATO vẫn chưa được phát hiện ở Syria. Tuy nhiên, Washington và các đồng minh thường xuyên bị cáo buộc cung cấp vũ khí cho các phe nhóm nổi dậy trong khu vực.

Hồi giữa tháng 11, phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập báo cáo rằng, Mỹ đã bí mật cung cấp cho các chiến binh người Kurd ở Afrin, Syria nhiều loại vũ khí phòng không. Lầu Năm Góc sau đó đã cương quyết phủ nhận những cáo buộc.

Tuy nhiên, 2 tuần sau, chiến binh FSA thu giữ được nhiều hệ thống phòng không vác vai Igla từ người Kurd. Có thể, đây là những hệ thống mà người Kurd nhận được từ Mỹ.

Nếu bị chứng minh là cung cấp vũ khí tối tân cho các nhóm chiến binh có liên hệ với khủng bố, Washington sẽ rơi vào 1 vụ bê bối lớn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ đã thu mua các loại vũ khí có nguồn gốc của Liên Xô từ nhiều quốc gia châu Âu đồng minh để che giấu tung tích của mình và tuồn cho các phe nhóm ở Syria.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.