Cháy tàu xuất phát từ sự cố chập điện
Ngày 30/7, ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết, bước đầu, ngay sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn, cơ quan công an đã vào cuộc khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ việc.
Cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân ban đầu của vụ hỏa hoạn là sự cố chập điện trên tàu cá mang số hiệu NA-99696-TS của ngư dân Bùi Xuân Xin (trú xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu) vào tối 28/7, tại bến cảng Lạch Quèn (đóng tại xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu).
Sau khi tàu cá của ông Xin xảy ra vụ cháy, do các tàu đang neo đậu gần nhau nên ngọn lửa đã nhanh chóng lan ra những con tàu bên cạnh. Từ 1 tàu cá bị cháy, ngọn lửa đã cháy lan sang 4 con tàu, khiến cả 5 tàu cá bị lửa thiêu rụi. Trong vụ cháy đêm 28/7, 5 tàu bị thiệt hại thì có 2 tàu của ngư dân xã Quỳnh Long và 3 tàu cá của ngư dân xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu.
Ông Trần Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu cho biết, sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra, cơ quan công an tỉnh Nghệ An đã có mặt tại hiện trường phối hợp lực lượng chức năng dập lửa cháy tàu đồng thời khám nghiệm, điều tra nguyên nhân vụ cháy.
“Tuy nhiên, hôm qua thủy triều, nước dâng cao nên cơ quan chức năng không tiếp cận được tàu để khám nghiệm. Phải 3h sáng nay công an mới tiếp cận được các con tàu, khám nghiệm và thu giữ một số mẫu vật để giám định, xác định chính xác nguyên nhân vụ cháy”, ông Trung nói.
Về việc này, bà Vũ Thị Bích Hằng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết, hàng năm, huyện Quỳnh Lưu cùng với lực lượng Cảnh sát PCCC, các cảng cá đã có nhiều lần tập huấn, khuyến cáo bà con kiểm tra các thiết bị điện thường xuyên, mua bình cứu hỏa cho bà con... mặc dù vậy, một bộ phận ngư dân còn chủ quan với vấn đề này. Trước đây trên địa bàn cũng xảy ra một số vụ cháy tàu, gây thiệt hại lớn cho bà con ngư dân.
Vụ cháy kinh hoàng đã khiến 5 con tàu (trị giá đầu tư ban đầu hơn 40 tỷ đồng) bị thiêu rụi, gây thiệt hại hơn 20 tỷ đồng. Sau vụ việc, UBND huyện Quỳnh Lưu đã chỉ đạo xã Sơn Hải và xã Quỳnh Long nơi có các tàu bị cháy vận động, ủng hộ giúp đỡ các chủ tàu cá bị cháy. Bước đầu, huyện Quỳnh Lưu trích kinh phí hỗ trợ mỗi gia đình chủ tàu 20 triệu đồng để khắc phục thiệt hại.
5 tàu bị cháy chỉ có 1 tàu có bảo hiểm
Danh sách 5 tàu cá bị cháy gồm: Tàu NA-99699-TS của ông Bùi Xuân Xin, xã Quỳnh Long; tàu NA-97777-TS của ông Hồ Đình Việt, xã Sơn Hải; tàu NA-99919-TS của ông Đào Xuân Thắng, xã Sơn Hải; tàu NA-95656-TS của ông Trần Văn Đoàn, xã Sơn Hải và tàu NA-90636-TS của ông Trần Văn Tấn, xã Quỳnh Long.
Theo ông Nguyễn Hữu Kỳ, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Sơn Hải, thì trong số 5 tàu bị cháy, chỉ có tàu tàu NA-95656-TS của ông Trần Văn Đoàn là có mua bảo hiểm, 4 chủ tàu khác không mua.
“Trong khi đó, giá trị con tàu và thiết bị mỗi tàu cũng xấp xỉ hàng chục tỷ đồng. Đây là các tàu cá được hỗ trợ vay vốn theo Nghị định 67 để vươn khơi bám biển”, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Sơn Hải cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Kỳ cho biết thêm, việc chủ tàu không mua bảo hiểm sẽ phải đối diện với nguy cơ trắng tay, vỡ nợ nếu tàu gặp tai nạn, sự cố. Ngoài ra, mỗi tàu cá thường có nhiều người góp vốn, chung nhau để tạo phương tiện, công ăn việc làm cho một số người khác. Vì thế, vụ hỏa hoạn không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho các chủ tàu mà còn khiến nhiều người khác trắng tay, mất công ăn việc làm.
Điều đáng nói, trong thời gian qua, nghiệp đoàn nghề cá và nhiều tổ chức thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân mua bảo hiểm, nhưng kết quả chẳng được là bao. Một phần nguyên nhân là sau dịch Covid-19, giá dầu tăng cao và mùa mưa bão nên việc đánh bắt bị ngưng trệ, thậm chí nhiều ngư dân đã phải bỏ nghề hoặc bán thuyền do không thể chi trả được các khoản vay nợ.
Theo thống kê, trong khoảng 100 tàu cá thuộc nghiệp đoàn nghề cá Sơn Hải, chỉ có khoảng 15 tàu có mua bảo hiểm. “Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với ngư dân. Qua sự việc này, chúng tôi càng nhận thấy tầm quan trọng của bảo hiểm tàu cá và sẽ tiếp tục tuyên truyền ngư dân mua bảo hiểm”, ông Nguyễn Hữu Kỳ nói.