Đất nền đầu cầu sụt lún dẫn đến sập cầu?
Ngày 24/4, thông tin từ Sở GTVT Nghệ An, đơn vị đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về vụ việc sập cầu treo Kẻ Nính tại xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu vào chiều 6/3.
Khoảng 13h30 ngày 6/3, cầu treo Kẻ Nính nối liền giữa 2 bản Kẻ Nính và Định Tiến, xã Châu Hạnh bất ngờ bị sập. Rất may, vụ sập cầu không gây thiệt hại về người, tuy nhiên có một con trâu phía dưới bị đè chết. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã lập tức thành lập đoàn vào cuộc điều tra vụ việc.
Theo báo cáo, kiểm tra hiện trường cho thấy, toàn bộ các kết cấu, gồm các trụ thép cổng cầu, cáp treo, kết cấu nhịp treo bị đổ sập toàn bộ xuống lòng sông. Hai nhịp dẫn hai bên và phần thân trụ bằng bê tông cốt thép của trụ cổng đang giữ nguyên vị trí.
Nền và mặt đường đầu phía mố nhịp dẫn M2 (phía bản Kẻ Nính) bị sụt lún. Phạm vi nền, mặt đường dài khoảng 40m từ sau đuôi mố M2 về phía mố neo bị sụt lở gần như hoàn toàn, trượt ngang xuống chân ta luy phía hạ lưu.
Tổ hợp thanh neo phía hạ lưu mố neo M2 bị gãy sập xuống theo đất nền phía dưới, tổ hợp thanh neo phía thượng lưu đang nằm nguyên vị trí. Các hộp bảo vệ chốt neo cáp với thanh neo bằng gạch xây bị sập vỡ hoàn toàn.
Các hạng mục nền, mặt đường và các mố neo phía mố nhịp dẫn M1 (phía đi Quốc lộ 48) cơ bản giữ nguyên trạng, không bị hư hỏng. Các hộp bảo vệ chốt neo cáp với thanh neo bằng gạch xây bị vỡ phần trên do dây cáp chủ quăng quật.
Về nguyên nhân sập cầu, báo cáo của Sở GTVT Nghệ An nêu: “Do đất nền đường đầu cầu phạm vi dưới thanh neo bị sụt lún làm thanh neo phía hạ lưu mố neo M2 bị chuyển vị, gãy sập, làm dây cáp chủ kéo đỉnh trụ tháp phía hạ lưu mố M2 chuyển vị theo phương ngang, gây mất ổn định trụ tháp, làm sập toàn bộ nhịp treo của cầu”.
Đối với việc tháo dỡ, thu dọn hiện trường, ngày 12/4, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản giao Sở GTVT Nghệ An chủ trì, phối hợp các bên liên quan để hướng dẫn UBND huyện Quỳ Châu thực hiện đúng các quy trình, thủ tục hiện hành trước khi thực hiện.
Chuẩn bị sửa thì cầu sập
Cầu treo Kẻ Nính được khởi công vào tháng 10/2011 với tổng vốn đầu tư gần 25 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và nhiều nguồn vốn khác. Theo dự kiến, thời gian thi công 9 tháng cầu sẽ đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, phải đến năm 2014, cầu mới hoàn thành.
Cầu được thiết kế cầu treo dây võng bán vĩnh cửu bằng thép hình và bê tông cốt thép. Khổ cầu 2,4m, chiều dài toàn cầu 168m, gồm 1 nhịp treo dây võng dài 132m và 2 nhịp dẫn dài 36m.
Công trình do UBND huyện Quỳ Châu làm chủ đầu tư. Đơn vị đảm nhiệm thi công là liên danh Công ty CP tư vấn đầu tư thương mại xây dựng 499 (có trụ sở tại Tp. Vinh) và doanh nghiệp tư nhân Trường Linh (đóng tại huyện Quỳ Châu).
Trong quá trình sử dụng, các trận lũ lớn xảy ra hồi tháng 9/2022 và tháng 9/2023 đã khiến công trình bị hư hỏng nặng (sạt lở mặt nền và mặt đường sau mố M2 nghiêm trọng, làm chuyển vị thanh neo cáp chủ phía hạ lưu mố M2).
Tháng 10/2022, Sở GTVT Nghệ An đã kiểm tra tình trạng hư hỏng cầu treo Kẻ Nính và kiến nghị đóng hai đầu không cho người và phương tiện qua cầu để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Đến tháng 9/2023, UBND tỉnh Nghệ An đồng ý chủ trương hỗ trợ kinh phí để huyện Quỳ Châu sửa chữa cầu treo Kẻ Nính.
Tuy nhiên, UBND huyện vừa phê duyệt chủ trương đầu tư sửa chữa cầu treo Kẻ Nính và đang bắt đầu thi công thì xảy ra sự cố sập cầu. Theo kế hoạch, UBND huyện Quỳ Châu sẽ triển khai sửa chữa với các hạng mục công việc chính như đào hốt đất sạt lở; đắp đất, gia cố nền đường; bổ sung tường chắn và gia cố taluy âm bằng tấm bê tông xi măng đúc sẵn; xây lại hộp bảo vệ cáp chủ tại vị trí đấu nối với thanh neo phía mố M2…
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Quỳ Châu cho biết: “Trước thời điểm xảy ra sự việc UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có phương án hỗ trợ huyện Quỳ Châu tu sửa, gia cố mố cầu với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn vị cũng đang chuẩn bị nguyên vật liệu và phương tiện máy móc bắt đầu bước vào thi công thì cầu bất ngờ đổ sập. Do đó, việc nâng cấp cầu cũng bị tạm ngừng”.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Duy Trà, Giám đốc công ty TNHH Trường Linh, là đơn vị thi công cho biết, ngày 5/3, đơn vị bắt đầu triển khai làm đường công vụ, hốt một phần đất đá sạt lở phía mố M2. “Sáng 6/3, đơn vị dừng thi công để chuẩn bị tập kết máy móc, vật liệu, dựng lán trại phục vụ sửa chữa cầu, thì đến trưa cùng ngày, cầu bất ngờ bị sập”, ông Trà thông tin.
Đại diện huyện Quỳ Châu cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn có 5 cầu treo, bên cạnh cầu treo Kẻ Nính tại xã Châu Hạnh bị đổ sập còn các cầu treo khác nhỏ hơn tại các xã Diên Lãm, Châu Hoàn. Vì vậy, huyện cũng đã thẩm định, đánh giá sự an toàn của các cây cầu còn lại để có phương án xử lý, tránh các sự cố tương tự.