Hé lộ nội dung thư tuyệt mệnh
VKSND TP Hà Nội vừa hoàn tất bản cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Văn Duy (SN 1985, ở xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) ra trước tòa để xét xử về tội Giết người theo điểm a, b, n Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Dự kiến vụ án sẽ được đưa ra xét xử công khai vào ngày 01/11/2019 tại trụ sở TAND TP Hà Nội.
Thông tin từ luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho bị can Nguyễn Văn Duy cung cấp: Trong thời gian chữa bệnh vô sinh, do nghi ngờ vợ ngoại tình với người đàn ông khác nên vợ chồng Duy đã xảy ra mâu thuẫn. Duy đuổi vợ về nhà mẹ đẻ.
Bị can đã bí mật lấy mẫu tóc của 2 con (cháu trai SN 2013 và cháu gái SN 2015) đi giám định ADN tại trung tâm nghiên cứu ứng dụng Sinh Y Dược học.
Kết quả cho thấy 2 cháu không cùng huyết thống với mình. Bất ngờ hơn là 2 cháu lại không cùng 1 huyết thống, điều này đồng nghĩa với việc hai cháu được sinh ra từ 2 người cha khác nhau.
Sau đó, bị can đã nói chuyện với vợ và chị vợ cũng thừa nhận 2 cháu không phải là con đẻ của bị can. Bị can vẫn muốn vợ quay về nhà nhưng vợ chưa đồng ý và trong thời gian đó bị can phát hiện vợ tiếp tục qua lại với người đàn ông khác nên đã nảy sinh ý định giết 2 con rồi tự sát....
Trước khi tự sát, bị can đã viết thư tuyệt mệnh để lại với nội dung:
"Con bất hiếu, con xin lỗi bố mẹ, sau khi bố mẹ biết con đã đi quá xa rồi. Con có nguyên do của con. Sau khi con chết con xin bố mẹ cho 03 bố con nhà con đi thiêu, tro cho vào 01 lọ. Con một lần nữa xin bố mẹ tha thứ việc làm và hành động của con. Các em của anh, Anh không có nhà hãy chăm sóc bố mẹ giúp anh nhé. Em út của anh, em đã vất vả rồi đó, về sau có một mình, em hãy cố gắng lên. Sống cho tốt nhé, có mình em trong gia đình đó, làm gì, chơi gì hãy nghĩ về gia đình nhé. Em của anh. Cho anh một lần nữa xin lỗi bố mẹ chuyển lời cho con đến các chú, thím tha lỗi cho cháu. Cháu của chú bất hiếu rồi...".
Có đủ căn cứ để xử lý hình sự người vợ?
Đây là câu hỏi mà nhiều người hỏi Luật sư và ngay cả Cơ quan điều tra cũng đã đề cập xem xét.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Đoàn luật sư TP Hà Nội, để xử lý hình sự về về tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 182 BLHS 2015 cũng rất khó. Bởi lẽ, phải có căn cứ chứng minh được người vợ sống chung với người đàn ông khác như vợ như chồng. Nếu họ chỉ khai là đi xin con và thi thoảng mới gặp nhau, chứ không chung sống cùng nhau thì chưa thỏa mãn dấu hiệu tội phạm.
Tại khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. Giải thích cụ thể hơn về việc chung sống như vợ chồng Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng Chương XV "Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình" của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định như sau:
"Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...".
Như vậy, việc chung sống với nhau như vợ chồng được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm, xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung.