Với việc cuộc gặp có thể tổ chức ở một nước thứ ba, ông Kim sẽ phải cần một chuyên cơ đủ hiện đại để có thể bay qua Thái Bình Dương hoặc châu Âu mà không phải dừng lại ở đâu đó, theo Washington Post.
Hầu hết các ý kiến thảo luận về địa điểm của Hội nghị Thượng đỉnh tập trung vào khu vực phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, nơi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ gặp ông Kim trong tháng này.
Một số ý kiến cho rằng, đó có thể là Trung Quốc hoặc Nga gần đó. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho biết, Tổng thống Trump sẽ ủng hộ một địa điểm nằm ngoài khu vực - như Singapore, Thụy Sĩ hay Thụy Điển.
Nếu được ấn định là một trong số các quốc gia trên, nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ không thể dùng tàu để di chuyển giống như chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng trước.
Nhưng nếu đi bằng chuyên cơ riêng, những hạn chế của máy bay đời cũ có thể khiến phái đoàn Triều Tiên phải dừng lại để tiếp nhiên liệu trên đường tới Hội nghị Thượng đỉnh.
Sẽ càng rắc rối hơn khi nơi dừng lại có thể vào một số quốc gia đang áp đặt lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng.
Chuyên gia Victor Cha trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Bush cho rằng việc ông Kim đi tới đâu sẽ không phải là điều cần lo lắng, vì Hàn Quốc hoặc Thụy Điển sẽ hỗ trợ bằng một chuyến bay.
Tuy nhiên, điều này cũng mang lại một số phức tạp mà phía Bình Nhưỡng có thể không đồng ý.
Máy bay Triều Tiên có khả năng bay xuyên Thái Bình Dương?
Vào tháng 12/2014, truyền thông Triều Tiên đã phát hành video nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang ngồi ở bàn điều khiển chiếc An-148, một máy bay do Ukraine thiết kế dành cho các chuyến bay tầm trung được hãng hàng không quốc gia Triều Tiên - Air Koryo mua lại.
Chưa đầy hai tháng sau đó, một hình ảnh khác được đăng tải cho thấy một chiếc máy bay khác chở ông Kim đi thị sát một công trình xây dựng. Chuyên cơ này sau đó được so sánh với chiếc Không lực chuyên chở Tổng thống của Mỹ.
Bức ảnh cho thấy nội thất trên chiếc máy bay toát lên vẻ hiện đại với ghế bọc da, bàn gỗ đánh bóng mà trước đó không nhiều người nhìn thấy trên các máy bay của Triều Tiên.
Theo Washington Post, đây là máy bay tầm xa Ilyushin-62 được chế tạo bởi Liên Xô. Tuy nhiên, một số nhà phân tích hoài nghi về năng lực vận hành của máy bay này do đã cũ kỹ và thiếu bảo trì thường xuyên.
"Họ không có máy bay có thể bay qua Thái Bình Dương - hầu hết đều khá cũ”, nhà bình luận Joseph Bermudez từ trang 38 North, một trang web về các vấn đề Triều Tiên do Viện Mỹ - Hàn Quốc tại đại học Johns Hopkins điều hành, cho biết.
Trước đó, truyền thông cũng ghi nhận một số sự cố liên quan đến an toàn hàng không của Triều Tiên.
Năm 2014, Choe Ryong-hae, một trong những quan chức cấp cao của Triều Tiên, đã phải quay trở lại khi trên đường tới Moscow khi chiếc Il-62 của ông gặp trục trặc kỹ thuật.
Vào năm 2016, một chiếc máy bay của Air Koryo đã bị buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở Thẩm Dương, Trung Quốc, sau khi ngọn lửa bùng lên trên khoang. Một năm sau, một chiếc Tupolev - đã phải quay trở lại mặt đất sau khi một bộ phận trên cánh bị rơi khi bay.
Trong chuyến thăm tới Bình Nhưỡng vào năm 2016, Enrique Perrella từ Tạp chí Hàng không cho biết, "chỉ có một phần rất nhỏ" trong số 20 chiếc máy bay của Air Koryo hoạt động.
Tuy nhiên, Perrella cho biết, ông tin rằng hãng Air Koryo có một chiếc máy bay đủ khả năng cho các chuyến bay xuyên lục địa.
Charles Kennedy, một nhà báo chuyên về các vấn đề hàng không tại London, đã từng tới Triều Tiên nhiều lần, tỏ ra lạc quan hơn, ghi nhận rằng chiếc Il-62 vẫn còn được sử dụng bởi các vị nguyên thủ quốc gia ở Nga, Sudan và Ukraine.
Ngoài ra, Air Koryo cũng duy trì hai chiếc máy bay Tupolev, được chuyển giao trong năm 2010, tương tự như một chiếc Boeing 757, với tầm bay 4.800 km và có “độ tin cậy an toàn tuyệt vời”.
Kennedy thừa nhận chuyến đi từ Bình Nhưỡng tới Los Angeles – với chặng đường dài 9.500 km - sẽ là quá sức so với chiếc Il-62. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng “Triều Tiên sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc bảo dưỡng các máy bay của mình có tình trạng tốt nhất".