Hé lộ "sổ sách ma" trong hệ thống Nhật Cường Mobile

Hé lộ "sổ sách ma" trong hệ thống Nhật Cường Mobile

Nguyễn Thị Hường

Nguyễn Thị Hường

Thứ 5, 25/03/2021 20:49

“Mánh khóe” lập “sổ sách ma” đã giúp cho ông chủ công ty Nhật Cường hưởng lợi bất chính với số tiền rất khủng.

Vụ án “Buôn lậu”; “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (công ty Nhật Cường) và một số đơn vị liên quan đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Tài liệu từ cơ quan tố tụng cho thấy, công ty Nhật Cường kinh doanh mua bán điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác dưới 4 hình thức: Nhập mua hàng hóa trong nước có hóa đơn GTGT; Nhập mua hàng hóa trong nước không có chứng từ nguồn gốc; Nhập khẩu có chứng từ nguồn gốc hợp pháp; Nhập khẩu không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, không có hóa đơn GTGT của các nhà cung cấp nước ngoài.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt hơn nữa đó chính là những “hồ sơ ma” trong hệ thống kinh doanh của Nhật Cường Mobile.

Hồ sơ điều tra - Hé lộ 'sổ sách ma' trong hệ thống Nhật Cường Mobile

Bùi Quang Huy (ảnh nhỏ), Tổng Giám đốc công ty Nhật Cường đang bị truy nã. 

Thông tin mà PV Người Đưa Tin Pháp Luật thu thập được cho biết, từ năm 2014 đến ngày 9/5/2019, đối tượng Bùi Quang Huy – Tổng Giám đốc công ty Nhật Cường đã chỉ đạo Nguyễn Bảo Ngọc – Giám đốc tài chính và Nguyễn Thị Bích Hằng – Kế toán trưởng lập, sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán để ghi chép số liệu hoạt động kinh doanh của công ty Nhật Cường.

Trong đó, hệ thống sổ sách kế toán trên phần mềm ERP: Ghi nhận toàn bộ số liệu thực tế hoạt động kinh doanh của công ty Nhật Cường, để theo dõi nội bộ.

Còn hệ thống sổ sách kế toán trên phần mềm MISA: Ghi nhận số liệu để lập các sổ sách kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo thuế khai báo với các cơ quan quản lý nhà nước.

Điều đáng nói, trên phần mềm sổ sách kế toán MISA không hạch toán đầy đủ số liệu thực tế kinh doanh, số liệu về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, tiền đầu tư cho các công ty con do Bùi Quang Huy thành lập. Mục đích là để trốn thuế, kiếm lời bất chính.

Kết quả điều tra xác định: Theo tài liệu trích xuất từ hệ thống phần mềm ERP của công ty Nhật Cường thì tổng tài sản cũng như tổng nguồn vốn của công ty là hơn 883 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế là hơn 8 tỷ đồng.

Trong khi đó, tài liệu do cục Thuế thành phố Hà Nội cung cấp lại thể hiện: Báo cáo tài chính các năm từ 2014 đến hết năm 2018 của công ty Nhật Cường có tổng tài sản cũng như tổng nguồn vốn là hơn 503 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế là hơn 4,8 tỷ đồng…

Căn cứ tài liệu thu thập được, cơ quan chức năng nhận thấy, số liệu về tổng tài sản, tổng nguồn vốn, tổng lợi nhuận trước thuế, tổng giá trị hàng hóa mua vào, bán ra có VAT và không có VAT trong các năm từ 2014 đến hết năm 2018 được ghi nhận ở 2 hệ thống sổ sách kế toán của công ty Nhật Cường sử dụng có sự chênh lệch rất lớn.

Cụ thể, chênh lệch về tài sản là hơn 379 tỷ đồng, chênh lệch về nguồn vốn là hơn 379 tỷ đồng, chênh lệch về lợi nhuận trước khoảng 3,3 tỷ đồng.

Tại kết luận giám định tư pháp của cục Thuế thành phố Hà Nội kết luận, trong thời gian từ năm 2014 đến hết năm 2018, công ty Nhật Cường đã trốn nộp thuế GTGT số tiền hơn 26 tỷ đồng và trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 3,1 tỷ đồng.

Hồ sơ điều tra - Hé lộ 'sổ sách ma' trong hệ thống Nhật Cường Mobile (Hình 2).

Lực lượng chức năng khám xét tại các cửa hàng, trung tâm bảo hành của hệ thống Nhật Cường Mobile.

Về nội dung này, quá trình điều tra, bị can Nguyễn Thị Bích Hằng – Kế toán trưởng công ty Nhật Cường đã khai nhận: Do công ty kinh doanh buôn bán các loại điện thoại, phụ kiện điện thoại có nguồn gốc nhập khẩu, mua trong nước có hóa đơn (có nộp thuế) và không có hóa đơn, chứng từ (không nộp thuế) nên Bùi Quang Huy chỉ đạo lập, sử dụng 2 phần mềm là ERP và MISA để ghi chép số liệu hoạt động kinh doanh.

Trong đó, phần mềm ERP ghi chép đầy đủ số liệu hàng hóa công ty mua vào, bán ra, nhằm mục đích phản ánh chính xác doanh thu, lợi nhuận để quản lý toàn bộ hoạt động kinh doanh. Còn phần mềm MISA chỉ ghi chép số liệu hàng hóa mua vào, bán ra có hóa đơn chứng từ (có nộp thuế) để phục vụ việc kê khai nộp thuế, lập sổ sách kế toán, báo cáo thuế, báo cáo tài chính gửi các cơ quan nhà nước.

Nguyễn Thị Bích Hằng thừa nhận, số liệu ghi chép trên phần mềm ERP và MISA có sự chênh lệch lớn, có nhiều số liệu về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, tiền đầu tư vào các công ty do Bùi Quang Huy thành lập… chỉ được ghi trên phần mềm ERP để theo dõi nội bộ mà không ghi nhận trên phần mềm MISA để lập báo cáo thuế, báo cáo tài chính kê khai với cơ quan nhà nước.

Như vậy, có thể thấy rằng, “mánh khóe” lập “sổ sách ma” đã giúp cho ông chủ công ty Nhật Cường hưởng lợi bất chính với số tiền rất khủng.

Hường - Thúy

 

 

 

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.