Tổng thống đương nhiệm Nga Vladimir Putin vừa giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử diễn ra vào cuối tuần qua, theo đó ông sẽ tiếp tục lãnh đạo quốc gia liên lục địa Á-Âu đến năm 2030.
Ông Putin dự kiến sẽ nhậm chức và bắt đầu nhiệm kỳ thứ 5 của mình vào tháng 5. Khi đó, nhà lãnh đạo Nga sẽ có bài phát biểu đề ra tầm nhìn cho 6 năm tới. Nhưng các phát biểu đầu tiên của ông sau cuộc bầu cử Tổng thống Nga đã hé lộ một số điều.
Tiếp tục xung đột ở Ukraine
Trong cuộc họp báo cuối ngày 17/3, sau khi có kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử cho thấy rằng ông Putin sẽ tái đắc cử với hơn 87% số phiếu bầu, ông đã nhanh chóng nói rõ rằng ưu tiên hàng đầu của ông là tiếp tục “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine cho đến khi Kiev và phương Tây đồng ý đạt được một thỏa thuận hòa bình theo các điều kiện của ông.
Ông chủ Điện Kremlin cho biết Nga muốn đàm phán để xây dựng “mối quan hệ láng giềng hòa bình, lâu dài”, chứ không phải một thỏa thuận cho phép Ukraine “tạm dừng một năm rưỡi hoặc 2 năm để tái vũ trang”.
Lặp lại lời cảnh báo đưa ra vào mùa hè năm ngoái, ông Putin tuyên bố Moscow có thể sẽ phải tìm cách tạo ra một “vùng đệm” trên lãnh thổ Ukraine mà Nga hiện không kiểm soát, để bảo vệ đất nước ông khỏi các cuộc tấn công và pháo kích xuyên biên giới.
Nhà lãnh đạo Nga không cung cấp thông tin chi tiết, nhưng các nhà phân tích cho rằng một “vùng đệm” như vậy sẽ kéo theo nỗ lực kiểm soát các phần của vùng Kharkiv ở Đông Bắc Ukraine.
Hiện gần 1/5 lãnh thổ Ukraine do quân Nga kiểm soát, và chiến tuyến hầu như không thay đổi kể từ cuối năm 2022. Và thực thế là Nga trong những tháng gần đây đã tăng cường tấn công vào Kharkiv, khu vực dọc biên giới Ukraine-Nga mà phía Nga gọi là Kharkov.
Phản ứng với tuyên bố của Tổng thống Nga về “vùng đệm”, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn chính trị của Tổng thống Ukraine, hôm 17/3 cho rằng đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Moscow có kế hoạch leo thang xung đột.
“Đây là... một tuyên bố rõ ràng trực tiếp rằng cuộc chiến sẽ chỉ leo thang”, ông Podolyak nói với hãng tin Reuters trong một tuyên bố bằng văn bản. “Tất cả những điều này là bằng chứng trực tiếp cho thấy Liên bang Nga chưa sẵn sàng sống trong các mối quan hệ chính trị và xã hội hiện đại, có tính đến quyền chủ quyền tuyệt đối của các quốc gia khác”, vị quan chức Ukraine nói.
Tầm quan trọng của Crimea
Một ngày sau cuộc bầu cử, Tổng thống tái đắc cử Vladimir Putin hôm 18/3 đã tham dự cuộc mít tinh và hòa nhạc lớn tại Quảng trường Đỏ, với sự tham dự của hàng chục nghìn người, kỷ niệm 10 năm bán đảo Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga.
Ông Putin, người lên sân khấu cùng với 3 ứng cử viên cùng chạy đua với ông trong cuộc bầu cử Tổng thống, đã gửi lời chúc mừng tới người dân Nga và đặc biệt là người dân Crimea nhân dịp kỷ niệm.
“Crimea không chỉ là một lãnh thổ có tầm quan trọng chiến lược, nó không chỉ là lịch sử, truyền thống của chúng ta… người dân Crimea và cư dân ở Sevastopol là niềm tự hào của chúng ta!”, Tổng thống Nga nói.
Ông Putin cho biết Crimea được mệnh danh là “hàng không mẫu hạm không thể bị đánh chìm. Đây chính là điều khiến tôi phải nói rằng Crimea đã trở về bến cảng quê hương của mình”.
Tổng thống Putin cũng đề cập đến cư dân của 4 khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine mà Nga đã sáp nhập 2 năm trước – Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia, những khu vực mà ông thừa nhận là khó khăn và “bi thảm” hơn nhiều so với việc sáp nhập Crimea.
“Tuy nhiên, chúng ta vẫn làm được và đó cũng là một cột mốc quan trọng trong lịch sử đất nước chúng ta. Bây giờ chúng ta cùng nhau tiến về phía trước, kề vai sát cánh”, ông Putin tuyên bố.
Sau đó, nhà lãnh đạo hát quốc ca Nga cùng với các ứng cử viên thua cuộc và hàng chục nghìn người có mặt đang vẫy cờ Nga.
“Điều quan trọng là Crimea trên thực tế và trên pháp lý là một phần không thể tách rời của Liên bang Nga”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 18/3 trong cuộc họp báo qua điện thoại.
Ông Peskov nói thêm rằng “tuyên bố độc lập và quyết định gia nhập Nga sau đó đã được hoàn thành theo đúng luật pháp quốc tế”.
Chính quyền Crimea với người đứng đầu do Nga chỉ định đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3/2014 để độc lập khỏi Ukraine.
Để đảm bảo Kiev không phá hoại việc “tự do” thể hiện ý chí của người Crimea, ông Putin đã chấp thuận triển khai Quân đội Nga trên bán đảo để phong tỏa mọi đồn trú quân sự của Ukraine.
Người dân Crimea được trao một lá phiếu với 2 lựa chọn: Thống nhất với Nga, hoặc Duy trì tình trạng bán đảo này là một phần của Ukraine.
Khoảng 96,5% dân số bán đảo – hơn 80% trong số đó là người dân tộc Nga – đã ủng hộ việc trở thành một phần của Liên bang Nga.
Crimea trở lại thuộc về Nga 2 ngày sau đó, vào ngày 18/3/2014, khi ông Putin ký hiệp ước song phương tại Điện Kremlin để sáp nhập bán đảo và cảng Sevastopol vào Liên bang Nga.
Hướng Đông
Nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin đặt mục tiêu xoay trục thị trường thương mại và năng lượng về phía Đông.
Nga đã mất một phần thị trường năng lượng châu Âu vì các lệnh trừng phạt của phương Tây và các vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1&2 dưới Biển Baltic cho đến nay vẫn là bí ẩn chưa có lời giải.
Nỗ lực xoay trục về phía Đông của Nga phụ thuộc vào tiến độ của 3 dự án lớn: Đầu tiên là “trung tâm khí đốt” mới ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ hai là đường ống Power of Siberia 2 đưa khí đốt Nga đến Trung Quốc qua Mông Cổ. Và thứ ba là việc mở rộng Tuyến đường Biển Bắc được thực hiện nhờ sự tan chảy của băng biển Bắc Cực.
Về kinh tế, nền kinh tế Nga tăng trưởng 4,6% so với cùng kỳ trong tháng 1 nhờ sản lượng quân sự tăng, nhưng tình trạng thiếu lao động và năng suất thấp vẫn là một vấn đề. Ưu tiên ngắn hạn của Chính phủ Nga là cắt giảm lạm phát, ở mức 7,6%, và giảm căng thẳng ngân sách.
Minh Đức (Theo CGTN, EFE/La Prensa Latina, NY Times, Reuters)