Ngày 12/4 tới đây, TAND TP.Hà Nội sẽ mở phiên xét xử đối với 19 bị cáo trong vụ án thất thoát 830 tỷ đồng xảy ra tại ban quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được xác định là nguyên đơn dân sự và tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
14 bị can về các tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm:
Trần Trọng Mừng (cựu TGĐ TISCO), Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch VNS), Trần Văn Khâm (cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc TISCO), Đậu Văn Hùng (cựu TGĐ VNS), Ngô Sĩ Hán (cựu Trưởng ban Dự án mở rộng giai đoạn 2 TISCO), Đặng Văn Tập (cựu Phó Giám đốc thường trực BQLDA), Đồng Quang Dương (cựu Phó Giám đốc BQLDA), Đỗ Xuân Hòa (cựu Kế toán trưởng TISCO), Lê Thị Tuyết Lan (cựu Phó phòng kế toán TISCO), Trịnh Khôi Nguyên (cựu Trưởng phòng Đầu tư phát triển VNS), Uông Sĩ Bính (cựu Phó phòng Kế toán VNS), Nguyễn Văn Tráng (cựu Ủy viên kiểm soát VNS), Nguyễn Trọng Khi (cựu Phó TGĐ VNS), Đặng Thúc Kháng (cựu Trưởng ban Kiểm tra VNS), riêng bị can Kháng áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giam.
5 bị can bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Lê Phú Hưng (nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị VNS), Nguyễn Minh Xuân (nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị VNS), Nguyễn Chí Dũng (nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị TISCO), Hoàng Ngọc Diệp (nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị TISCO), Đoàn Thu Trang (nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị TISCO).
Theo cáo buộc, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, công ty Gang thép Thái Nguyên do TISCO làm chủ đầu tư, HĐQT VNS là cấp quyết định đầu tư.
HĐQT VNS tổ chức thẩm định, chịu trách nhiệm xem xét phê duyệt dự án và chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định hiện hành; chủ đầu tư (TISCO) chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả dự án.
TISCO đã ký với Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) Hợp đồng EPC số 01#, là hợp đồng trọn gói, không được phép điều chỉnh giá trong suốt quá trình thực hiện; MCC chịu trách nhiệm lựa chọn, ký hợp đồng và trực tiếp thanh toán cho nhà thầu phụ theo quy định của pháp luật và của Hợp đồng EPC số 01#.
Quá trình thực hiện hợp đồng EPC số 01#, MCC đã vi phạm trong việc sau hơn 11 tháng kể từ khi hợp đồng có hiệu lực thực hiện, MCC chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ; chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, không đặt hàng chế tạo máy móc thiết bị, không triển khai thi công các hạng mục của gói thầu, mà rút hết người về nước và nhiều lần đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và tăng giá hợp đồng không có căn cứ, không phù hợp với quy định của pháp luật, không đúng với nội dung các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Với chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bị can Trần Trọng Mừng là Tổng giám đốc TISCO (chủ đầu tư) và bị can Mai Văn Tinh là chủ tịch HĐQT VNS (cấp quyết định đầu tư) đã không xem xét, chỉ đạo dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu và tổ chức đấu thầu lại theo quy định để đảm bảo hiệu quả và tiến độ của Dự án.
Thay vào đó, các bị can tiếp tục chỉ đạo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư, vi phạm Hợp đồng EPC số 01# để tiếp tục thực hiện hợp đồng…
Hành vi của các bị can đã gây hậu quả thất thoát, lãng phí cho Nhà nước hơn 830 tỷ đồng.
Nhà chức trách cáo buộc, hành vi của bị can Trần Trọng Mừng chính là nguyên nhân dẫn đến TISCO không kiểm soát được chi phí đầu tư; không ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu về tiến độ, giá trị hợp đồng, làm dự án phải dừng thi công, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, với vai trò chính, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hành vi phạm tội.
Trần Trọng Mừng bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo khoản 3 Điều 219 BLHS 2015; có thể bị phạt tù từ 10 – 20 năm tù.
Thúy – Hường