5 bức tranh không cánh mà bay
Đêm 19/5/2010, kẻ trộm đã đột nhập vào Bảo tàng Nghệ Thuật đương đại tại thủ đô Paris (Pháp) và lấy đi 5 bức tranh của các danh họa Pablo Picasso, Henri Matisse, Georgers Braque, Amedeo Modigliani và Fernand Leger có tổng giá trị vào khoảng 620 triệu USD.
Đây được đánh giá là "một trong những vụ trộm tranh lớn nhất trong lịch sử nghệ thuật". Những bức tranh bị đánh cắp đều là những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và nếu đem ra đấu giá ngoài thị trường thì rất dễ bị phát hiện.
Người ta cho rằng vụ trộm này nhiều khả năng để đáp ứng nhu cầu đặt hàng riêng của một số cá nhân có sở thích sưu tầm tranh.
Lực lượng điều tra đang giám định các khung tranh bị bỏ lại tại hiện trường.
Thời điểm đó, cảnh sát và các công tố viên nhận định vụ trộm chỉ do một tên trộm thực hiện từ đầu tới cuối. Charley Hill - cựu thành viên đội đặc nhiệm về nghệ thuật và đồ cổ của cơ quan cảnh sát điều tra Anh quốc (Scotland Yard) - nhận định: "Thủ phạm đã rất cẩn thận khi di chuyển tranh, điều đó cho thấy đây hẳn là chuyện có tính toán chứ không phải chỉ là một vụ chụp giật".
Còn Wittman - người sáng lập ra đội điều tra tội phạm về nghệ thuật của FBI cũng cho rằng: "Để thực hiện vụ này, thủ phạm ắt hẳn đã có tính toán từ rất lâu".
Tuy nhiên, dù có tính toán đến đâu, để đột nhập vào bảo tàng và tiến hành trộm cùng lúc 5 bức tranh thì quả là điều quá sức với một tên trộm nếu không có sự hỗ trợ từ đồng bọn. Vậy mà ở đây, nhiều dấu hiệu cho thấy chỉ duy nhất một tên trộm thực hiện phi vụ táo tợn này và hắn đã thành công. Mấu chốt của nghi án li kỳ nằm ở đâu?
Hệ thống an ninh lỏng lẻo
Trong báo cáo mới nhất được tiết lộ, cảnh sát Pháp cho biết có hàng loạt lỗi an ninh ngớ ngẩn tạo điều kiện cho kẻ trộm có thể tháo tung cửa sổ kiên cố và lẻn vào bảo tàng khi xảy ra vụ kỳ án năm 2012. Hệ thống báo động bị hỏng đã 3 tháng mà không được sửa chữa, còn camera an ninh thì chỉ quay cảnh trên nóc tòa nhà.
Còn Christophe Girard - Phó thị trưởng Paris thì phát biểu với báo giới rằng: "Trong bảo tàng lúc nào cũng có 3 nhân viên an ninh, vậy mà không ai phát hiện ra điều gì".
Tên trộm chắc hẳn đã biết rất rõ từng ngóc ngách trong bảo tàng cũng như tình trạng hoạt động của những thiết bị kiểm soát an ninh tại đây. Wittman phán đoán: "Tôi nghĩ rằng kẻ trộm đã biết trước được là các thiết bị phát hiện cử động không còn hoạt động nữa. Hắn ta chỉ có mỗi việc là nhẹ nhàng cạy cửa sổ. Năm 2000, FBI có làm nghiên cứu về các vụ ăn trộm trong bảo tàng.
Nghiên cứu cho thấy đến 80% các vụ trộm có liên quan đến người của bảo tàng. Không hẳn là nhân viên, có thể chỉ là người có những thông tin nội gián - chẳng hạn như các chuyên gia hợp tác với bảo tàng hoặc người thân của nhân viên".
Được biết, có một số bằng chứng được ghi lại trên camera an ninh và phía bảo tàng đã cung cấp cho cảnh sát. Tuy nhiên, do chất lượng hình ảnh kém nên việc xác định kẻ trộm là hết sức khó khăn.
Vào tháng 10/2011, 3 kẻ bị tình nghi liên quan đến vụ trộm bị bắt. Một tên đã khai báo với cảnh sát rằng hắn đã ném tất cả các bức tranh vào một thùng rác bên đường; có nghĩa là các tác phẩm Chim câu với đậu hà lan của Picasso, Pastoral của Matisse, cây ô liu gần Estaque của Braque, Người đàn bà với cây quạt của Modigliani' và cả Tĩnh vật với giá đỡ nến của Léger giờ đây đã bị xé rách, nát vụn và chôn vùi đâu đó trong một bãi rác ở Paris.
Tuy lời khai của tên nghi phạm trên không có gì chứng thực, nhưng công chúng yêu nghệ thuật vẫn vô cùng lo sợ và tiếc nuối cho những tác phẩm nghệ thuật kinh điển.
Hà Phương