Một số vụ án mạng thương tâm xảy ra trong thời gian gần đây, đều bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân rất nhỏ nhặt. Điều này cho thấy một bộ phận chúng ta đang hình thành lối hành xử côn đồ, manh động với những mối quan hệ va chạm trong xã hội. Sự bất ổn này đang để lại những hệ lụy đau lòng cho xã hội.
Chuyện nhỏ, giải quyết bằng... vũ lực
Cơ quan CSĐT công an quận 10 (TP.HCM) cho biết đang tích cực điều tra truy bắt hung thủ đã đâm chết ông Lê Minh Đạt (38 tuổi) sau khi va quệt xe với ông. Theo thông tin ban đầu, khoảng 0h20 ngày 8/8, ông Đạt điều khiển xe máy lưu thông đến ngã 3 đường 3/2-Ngô Quyền thì va quệt với xe của một người đàn ông khác đi xe gắn máy hiệu Citi. Hai người lớn tiếng cãi vã. Người đàn ông đi xe Citi bỏ đi thì bị ông Đạt đuổi theo. Đến ngã ba đường 3/2-Nguyễn Tiểu La, người đàn ông đi xe Citi rút ra một vật nhọc đâm ông Đạt. Sau khi gây án, người đàn ông chạy xe Citi bỏ trốn khỏi hiện trường. Người dân phát hiện và đưa ông Đạt đi cấp cứu, nhưng nạn nhận đã tử vong.
Những cuộc ẩu đả không đáng có từ những va chạm nhỏ trong cuộc sống.
Sáng 7/8, cơ quan CSĐT công an quận 10 (TP.HCM) quyết định khởi tố vụ án, khởi tố hình sự đối tượng Nguyễn Văn Thông (SN 1981, ngụ quận Tân Phú) về hành vi "giết người". Trước đó, ngày 2/8, Nguyễn Văn Thông bị công an phường 14 (quận 10) bắt giữ khẩn cấp vì hành vi dùng kéo đâm anh Nguyễn Thành T. (SN 1992, ngụ tỉnh Bình Thuận) một nhát vào cổ gây tử vong, đồng thời đâm hai người khác bị thương vì va quệt giao thông. Theo đó, khoảng 13h ngày 2/8, trên đường đi giao hàng bánh kẹo, Thông lưu thông trên đường Thành Thái (phường 14, quận 10).
Đến trước số nhà 7A/53, bất ngờ có xe gắn máy của Pháp chạy ngược chiều, chở theo T. và Nam. Do bất ngờ, Thông chỉ kịp giảm tốc độ, xảy ra va quệt nhẹ với xe của Pháp. Sau cú va chạm, hai bên đều không có thiệt hại gì. Tuy nhiên, sau vài lời qua tiếng lại, hai bên xảy ra mâu thuẫn. Thấy nhóm côn đồ có mùi rượu, Thông nén bực tức bỏ đi. Tuy nhiên, nhóm thanh niên lại không chịu bỏ qua mà đuổi theo Thông, lao vào đánh. Do bị đánh hội đồng nên Thông hoảng loạn, lấy chiếc kéo ở tiệm dán keo xe bên vệ đường phòng thân. Thấy nhóm thanh niên vẫn lao tới, Thông dùng kéo đâm mạnh vào lưng Pháp. Khi T. chạy đến ứng cứu bị Thông đâm vào vùng cổ dẫn đến tử vong. Nam lao vào cũng bị đâm một nhát trên đỉnh đầu.
Vào đêm 27/7, người dân tại khu dân cư Hồng Tâm (tỉnh Đồng Nai) bàng hoàng phát hiện anh H. tử vong tại bãi đất trống với nhiều vết đâm trên cơ thể. Sau khi khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai từ các nhân chứng, cơ quan CSĐT công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ hai hung thủ gây ra cái chết của anh T.N.H.. Do mâu thuẫn với anh H. khi lưu thông trên đường nên Hồ Nhật Thảo (20 tuổi), Nguyễn Văn Hiền (30 tuổi), cùng ngụ TP. Biên Hòa phục sẵn anh H. trên đường về giữa đêm khuya và ra tay sát hại.
Đầu tháng 1/2013, người dân huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) bàng hoàng trước thông tin nữ sinh đâm nhau chết trước cổng trường THPT Dân lập Đồi Ngô. Trước đó, khoảng 11h30 ngày 18/1, trên đường đi học về, nữ sinh Nguyễn Thị Hiền (SN 1997) hẹn nữ sinh Nguyễn Thị Hoa, SN 1997 (đều là học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề huyện Lục Nam) giải quyết mâu thuẫn cá nhân.
Tại địa điểm trường THPT Dân lập Đồi Ngô, hai bên đã nặng lời, xô xát nhau. Lúc này, Trần Thị Hồng H. (SN 1996, học sinh trường THPT Đồi Ngô, em họ Hiền) đi ngang vào can thiệp. Cãi nhau một hồi, Hoa bất ngờ rút dao nhọn đâm Hiền và H. khiến cả hai gục xuống. Ngay lập tức hai em được đưa đi cấp cứu. H. vì mất nhiều máu nên tử vong, Hiền trong tình trạng nguy kịch. Theo một số học sinh, nguyên nhân dẫn đến án mạng được cho là do xuất phát từ việc nói xấu và nghi ngờ lẫn nhau trong chuyện yêu đương.
Không chỉ những thanh niên tuổi còn trẻ, ngông cuồng mới có cách hành xử thiếu kiềm chế như vậy. Đêm 4/8, ông Vi Khắc Vọng (54 tuổi, luật sư tỉnh Lạng Sơn) đi xe ô tô từ phố Tông Đản về hướng đường Trần Đăng Ninh (TP. Lạng Sơn) va chạm với ô tô do ông Nguyễn Công Hiệu (34 tuổi, cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh) điều khiển. Hai bên xảy ra xô xát, nên ông Trần Thế Th. (46 tuổi, hàng xóm của ông Hiệu) đến can ngăn. Ông Th. bị ông Vọng rút dao đâm hai nhát vào ngực, gây tử vong. Sau đó, ông Vọng tiếp tục đâm ông Hiệu vào bụng, khiến nạn nhân phải đi cấp cứu. Gây án xong ông Vọng ra công an đầu thú.
Đối tượng Nguyễn Văn Thông.
Lòng vị tha là giải pháp tiêu diệt tính côn đồ?
Từ những mâu thuẫn nhỏ, con người tự đẩy nhau đến nhiều mối bất hòa không cần thiết. Chắc chắn sau mỗi vụ ẩu đả theo kiểu côn đồ có người chết đi, kẻ vào tù và nỗi đau còn lại sẽ thuộc về gia đình của cả hai bên. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Phước Thành (ngụ Củ Chi, TP.HCM), người hơn 20 năm vào tù ra trại với biệt danh Thành "đầu Trọc" chia sẻ: "Khi đã hoàn lương tôi sống vị tha hơn, tôi hiểu hơn ai hết người phạm lỗi cần sự tha thứ và bao dung để quay trở về với cuộc sống bình dị. Tôi cũng từng bị một thanh niên đánh chấn thương sọ não khi va quệt xe với người này. Lúc tôi nằm viện, vợ anh ấy đã đến xin tha thứ để anh quay về với gia đình nghèo khó, chỉ có anh ta làm trụ cột".
Tuy nhiên, không nhiều người nhận ra cái sai rành rành trước mắt, thực tế chứng minh các hành vi hành xử côn đồ ngày một gia tăng. Luật sư Nông Minh Đức, Công ty luật Tùng Dương, Đoàn Luật sư TP.HCM bức xúc: "Thời gian gần đây, cách hành xử côn đồ thực sự đang gây bức xúc trong dư luận.
Hiện nay, tình trạng này diễn ra phổ biến và để lại nhiều hậu quả hết sức đau lòng, người bị thương, kẻ bị chết, người còn lại vướng vào vòng lao lý. Suy cho cùng cũng xuất phát từ sự thiếu đạo đức xã hội mà dẫn đến những hành xử vi phạm pháp luật, coi thường sức khỏe và tính mạng người khác. Hành vi xử sự của những người này cho tôi cảm giác họ không có lý trí để đưa ra cách xử sự nhân văn hơn. Họ chỉ sử dụng tay chân và sức mạnh cơ bắp để thỏa mãn thói hung hăng của mình".
Ở một góc nhìn khác, bà Nông Ngọc Bích, giảng viên trường đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) tỏ ra e ngại: "Mỗi lần ra đường, tôi luôn có cảm giác sợ sệt và đề phòng. Nếu có va quệt, tôi không dám trách móc gì, đặc biệt khi đối diện với mấy người đàn ông bặm trợn. Cuộc sống hiện nay có quá nhiều thứ khiến đầu óc con người trở nên căng thẳng như: Văn hóa tham gia giao thông kém (kẹt xe, chen lấn, đường sá chật hẹp...), căng thẳng trong học tập và lao động, lo lắng về vấn đề tài chính... Những mối lo trên khiến nhiều người mất dần bản tính kiềm chế, dễ xốc nổi, gây sự...".
Cần những chiến dịch loại bỏ hành vi ứng xử không nhân văn Để hạn chế tình trạng này, luật sư Nông Minh Đức chia sẻ: "Đối với những loại tội phạm có nguyên nhân từ những việc kể trên nếu đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì phải xử thật nghiêm khắc. Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng phạt hành chính và bắt buộc phải cho đi lao động công ích từ 3 tháng trở lên tùy mức độ, tính chất của hậu quả. Để hạn chế và chấm dứt tình trạng này thiết nghĩ cần phải có một chiến dịch mang tính chất sâu và rộng của các cơ quan, đoàn thể, các ngành các cấp, thực hiện tuyên truyền từ cơ sở tới mọi cấp mọi ngành, có như vậy mới tạo ra hiệu ứng lan tỏa có sức hút sâu rộng để dần dần tạo thành hành vi ứng xử nhân bản và văn minh trong đời sống xã hội”. Cần những chiến dịch loại bỏ hành vi ứng xử không nhân văn Để hạn chế tình trạng này, luật sư Nông Minh Đức chia sẻ: "Đối với những loại tội phạm có nguyên nhân từ những việc kể trên nếu đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì phải xử thật nghiêm khắc. Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng phạt hành chính và bắt buộc phải cho đi lao động công ích từ 3 tháng trở lên tùy mức độ, tính chất của hậu quả. Để hạn chế và chấm dứt tình trạng này thiết nghĩ cần phải có một chiến dịch mang tính chất sâu và rộng của các cơ quan, đoàn thể, các ngành các cấp, thực hiện tuyên truyền từ cơ sở tới mọi cấp mọi ngành, có như vậy mới tạo ra hiệu ứng lan tỏa có sức hút sâu rộng để dần dần tạo thành hành vi ứng xử nhân bản và văn minh trong đời sống xã hội”. |
Lam Giang - Ngọc Lài