Đồng bào Cao Lan ở bản từng dùng nước dưới dòng suối đó, nhưng nay họ đành chịu khát!
“Đánh bạc”… dưới lòng đất
Đó là những “canh bạc” lớn, trị giá hàng trăm tỷ đồng. Những “canh bạc” không chỉ khiến người chơi tán gia bại sản, tổn hao sức lực, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội và để giải quyết hậu quả của nó có thể kéo dài hàng chục, hàng trăm năm hay nhiều thế hệ. Giới đầu tư khoáng sản ở Vị Xuyên giờ nhận ra, họ đang “đánh bạc”… dưới lòng đất!
“Mỏ rỗng”, đại gia K. – Giám đốc Công ty TNHH Khai khoáng QL bảo thế. Mắt nhắm nghiền, lưỡng quyền nhô cao khiến khuôn mặt ông hõm lại, lung lắm. Dân “buôn mỏ” gọi ông là đại gia, trước kia thì đúng nghĩa, nhưng giờ ông trắng tay rồi.
Ba năm trước, ông được một người bạn môi giới lên mở Công ty ở Vị Xuyên. Đem hết vốn, cộng thêm cắm ký hai cái nhà quận Tây Hồ (Hà Nội), chạy vạy mãi cũng xin được mỏ mangan ở Núi Bạc. Kèm theo giấy phép, đại gia K. được cơ quan chức năng trao cho hồ sơ trữ lượng ước tính ban đầu, khẳng định: Quặng sắt mangan ở Núi Bạc lên tới 56 nghìn tấn.
Thế là đại gia K. lao vào thương vụ mới – thương vụ mà ông chưa từng kinh qua. Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, mở xưởng tuyển, khai thông đường, tuyển công nhân, tất tật hết gần ba năm hoàn chỉnh khâu “hành chính trị sự”, nhưng chỉ ba tháng nhà máy hoạt động, mỏ… không còn quặng để khai thác nữa.
Không tin vào sự thật, giám đốc K. tiếp tục thuê khảo sát, mua thêm máy từ cộng hưởng “rà soát”, mong gặp vận may, song rốt cuộc, lòng đất nơi cực Bắc đã nhấn chìm toàn bộ khối tài sản khổng lồ của ông.
Bi đát, nợ nần, những cụm từ đó đang đè lên vai nhiều doanh nghiệp ở Hà Giang. Không chỉ các nhà đầu tư nghiệp dư “dính bẫy”, có cả những thương hiệu hết sức “pờ rồ” cũng rơi vào tình cảnh trớ trêu này. Trong các tên tuổi ở Hà Giang phải kể đến sự liên kết dở khóc, dở cười giữa Công ty TNHH DT. và Công ty cổ phần Luyện kim màu. Theo liên kết, hai doanh nghiệp hợp tác, vay ngân hàng, xin cấp phép mỏ mangan rộng 30ha ở Bản Đén (Tùng Bá, Vị Xuyên). Giấy phép cấp mỏ bắt đầu từ tháng 7/2009, nhưng đến nay, khu vực sản xuất, dây chuyền sàng tuyển vẫn chưa thể hoạt động vì… không có khoáng sản. Và theo thời gian, lãi suất ngân hàng ngày càng đội lên.
… Nếu ở các chợ xe, có đội quân “cò xe”, người ta thường “mông xe” để bán kiếm lời chênh lệch. Người mua vẫn nhận ra, chiếc xe đó được mông má lại, nhưng đi vẫn tốt. Còn ở Hà Giang, không có “chợ mỏ”, nhưng có nghề “mông mỏ”, nghề được các “cò mỏ” núp bóng dưới nhiều diện mạo, từ công chức đến người dân, và mỏ khi đã “mông” thì người mua không thể biết được tốt hay xấu. Định nghĩa "mông mỏ” nôm na là làm "hồ sơ rởm”, đánh giá trữ lượng khoáng sản không đúng, cao hơn so với thực tế, đưa ra "thẩm định dễ ăn”, như: quặng tập trung theo vỉa, theo vùng,…
Các nhà đầu tư khoáng sản vào Hà Giang đang chết vì nghề “mông mỏ”. Sơ sơ, tôi nhẩm tính cũng đến bảy, tám mỏ, chủ yếu mangan ở Vị Xuyên “tạm dừng” hoạt động. Họ đổ hàng trăm tỷ đồng xuống lòng đất, nhưng họ mơ hồ, không biết dưới lòng đất có gì! Câu chuyện này, Hà Giang cần kiểm điểm lại mình, “trải thảm đỏ” cho môi trường đầu tư cũng cần có giới hạn!
Ông chủ, nạn nhân hay kẻ môi giới!?
Đó là nghi vấn ở thôn Toòng, xã Ngọc Minh, ập xuống gia đình ông Nguyễn Tiến Văn. Vài ba tháng lại đây, đất rừng nhà ông bỗng dưng đào xới tung lên, trái đồi xanh rì cây đã bị cạo trọc. Ngày ngày, máy xúc và xe bò ma chuyên dụng, vận chuyển hàng trăm tấn đất đá đem đi “nơi khác”!
Vấn đề đặt ra, khu đất thuộc sở hữu của gia đình ông Văn vốn nằm trong diện tích quy hoạch khoáng sản vàng, được UBND tỉnh phê duyệt và bộ Tài nguyên môi trường thẩm định. Trước đó, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Phương Mai lập hồ sơ xin cấp phép hoạt động, khai thác khoáng sản. Chủ trương này được UBND tỉnh Hà Giang và các sở, ban, ngành của tỉnh đồng thuận, dự kiến quý I sẽ hoàn thành thủ tục đi vào hoạt động.
Về phía Công ty Phương Mai, của đau con xót, phải chứng kiến ngày ngày tài sản của mình bị bốc đi, trong khi mình chưa chính chủ nên “tiến thoái lưỡng nan”!
Được biết, để vận chuyển đất tại khu mỏ ra bãi tuyển luyện, ông Văn đã phải mở con đường dài hơn hai cây số, thuê gần chục xe bò ma, máy xúc máy ủi. Không hiểu một người nông dân dân tộc lại lấy đâu ra tiền để thuê ngần đó phương tiện “bạt núi làm nhà”, hoặc giả thiết, không vì lý do làm nhà, ông Văn cũng không thể có phương tiện để tuyển luyện làm vàng!
Qua điều tra, toàn bộ phương tiện mà ông Văn sử dụng thuộc quản lý của công ty Việt Bắc, đồng thời số đất vận chuyển cũng được lưu giữ tại địa bàn công ty Việt Bắc – một doanh nghiệp khai thác man gan ở Vị Xuyên, nhưng thời gian gần đây không hoạt động. Thời điểm chúng tôi về Vị Xuyên, số đất mà Công ty Việt Bắc lưu giữ vẫn ủ kín vì thiếu nước, chưa thể đãi.
Làm việc với chúng tôi, ông Hoàng Thanh Tịnh – Phó Chủ tịch huyện Vị Xuyên khẳng định, việc ông Văn đào đất làm nhà chính quyền biết và đã xử lý, thông báo ông Văn không được khai thác nữa. Đồng thời, Phó Chủ tịch Tịnh nói, chính quyền có cái khó, ông Văn nói làm nhà, trong khi Công ty Phương Mai thì chưa chính chủ, chúng tôi không thể bảo vệ. Về phía Công ty Việt Bắc, ông Tịnh không hề đề cập. Liệu có việc ông Văn bán đất cho doanh nghiệp đứng đằng sau, lén lút khai thác, như vậy, vô tình ông đã trở thành nạn nhân, bởi việc chuyển nhượng đó là trái pháp luật!
Cuối cùng, chính quyền – phải gánh trách nhiệm trong câu chuyện pháp lý này. Dù mỏ đã cấp hay chưa cấp phép thì chính quyền cũng phải quản lý chặt chẽ, không thể để khai thác trái phép xảy ra. Bên cạnh đó, cần vận động người dân biết, mỏ đã thuộc quy hoạch thì không thể làm nhà!
… Khoáng sản Hà Giang, giờ, đang trở thành bức tranh nhiều màu sắc, nạn nhân, không chỉ là người dân, có thể là doanh nghiệp, có thể là chính quyền. Từ những thung lũng ở Pá Thay tôi đã sang núi Bạc! Dọc đường, những rừng cây ngày một thưa dần.
“Tương lai không thể đổi bằng tiền”
“Tiền, có thể ổn định một phần cuộc sống, nhưng không thể quyết định tương lại của nhiều thế hệ. Con em chúng ta cần một môi trường trong lành, đất đai trù phú, sông núi yên bình”, trong căn liếp chênh vênh sườn núi Bạc, trưởng bản Ngọc Hà Vi Thị Xuyên nói với tôi thế. Chị đang bàn về vấn nạn môi trường đe dọa 69 hộ người Mông, người Dao, người Cao Lan ở bản.
Gần bốn năm trước, các doanh nghiệp ồ ạt khoét đỉnh núi Bạc khai thác mangan, đập Khuổi Điểm - nguồn nước sinh hoạt của bà con ngả màu vàng úa, dầu mỡ thải đóng váng, khô lại, cỏ cây cũng không sống nổi. Đồng bào đành nhịn khát, cùng với đó, núi rừng long ra, nương rẫy cháy sẹm, đất canh tác – phương tiện sản xuất bị thu hẹp, liên miên trái đồi chìm sâu thành thung lũng.
Người dân và doanh nghiệp – cả hai đang phải gánh hệ lụy từ “mỏ rỗng”! Điều dễ hiểu, nhà đầu tư phá sản, họ khai thác không có khoáng sản đành dang dở, khiến công tác hoàn thổ môi trường bị thả nổi. Có lẽ, ở Ngọc Hà, màu xanh duy nhất sót lại là những vạt chè. Giống cây chịu hoàn cảnh khắc nghiệt đó đang cố vươn mình chống đỡ với sự xâm lăng của ô nhiễm môi trường.
“Lá chè còn xanh, nhưng kém búp lắm, vài chỗ xuất hiện lá vàng. Nước nhiễm phèn và độc tố hóa chất quá nặng, chắc lâu dài cây không trụ nổi”, anh Lý Minh Tiến – người dân tộc Dao ở Ngọc Minh tâm sự. Tôi hiểu, đối với anh Tiến và đồng bào ở đây, mỗi tháng họ thu hoạch 60 kg chè búp, bán được 168.000 đồng, đó là nguồn sống duy nhất. Và “kế mưu sinh” đó cũng ngày một lung lay!
Mới đây, Sở TN&MT Hà Giang triển khai dự án điều tra, đánh giá tác động của hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đến môi trường và xã hội trên địa bàn huyện Vị Xuyên. Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt tại 22 điểm cho thấy, hàm lượng TSS (các chất rắn lơ lửng), BOD5 (nhu cầu oxi sinh học), COD (nhu cầu oxi hoá học) tại hầu hết các điểm quan trắc đều vượt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 08:2009/BTNMT. Khi phân tích, hàm lượng COD trong các mẫu nước ngầm tương đối cao.
Kết quả 24 mẫu không khí có hàm lượng bụi tổng số TSP vượt quá giới hạn. Hàm lượng bụi cao nhất tại vị trí quan trắc KKBX02, không khí khu dân cư xung quanh mỏ mangan xã Ngọc Minh là 0,388 mg/m3 vượt quá QCVN 05:2009/BTNMT gần 1,3 lần. Ngoài ra, khi lấy mẫu đất tại 12 điểm chịu ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản, kết quả, ô nhiễm đất đang thu hẹp diện tích đất rừng, ảnh hưởng đến chất lượng đất nông nghiệp do xói mòn làm mất chất dinh dưỡng.
…Ngày cuối cùng ở Vị Xuyên, lang thang dọc sườn núi Bạc, dù căng mắt tôi cũng không tìm thấy một cây rừng trên 20 tuổi, dẫu rằng, có nơi đi qua, tôi vẫn bắt gặp những khẩu hiểu “rừng phòng hộ”. Quanh sườn núi, dòng suối vắt từ lưng đập Khuổi Điểm tựa dải hoa văn vừa nhúng chàm, ngầu đục, gỗ mục và đất đá bồi lấp, ứ lại tặc nghẹn, đôi chỗ nước sình lên cáu váng vì hóa chất.
Trưởng bản Vi Thị Xuyên bảo, từ khi dự án khai thác và tuyển quặng mangan trên núi Bạc hoạt động, đường máng dẫn nước từ đập Khuổi Điểm về từng hộ dân có mùi hôi nồng nặc. Họ làm đơn, đồng loạt khiếu nại doanh nghiệp mở đường lên mỏ đã san lấp mất lòng đập, mà trước đây Nhà nước đầu tư xây dựng hơn 400 triệu đồng. Giờ, lòng hồ bị san phẳng, hệ thống kênh mương nội đồng cạn trơ. Các nương ngô vụ hè thu của người H’mông không còn trồng nữa, những vạt chè sè sè héo úa chỉ còn mong mỏi mưa về.
… Tôi từng đến nhiều vùng mỏ ở Tây Bắc, hay những xứ sở titan hoang tàn tựa sa mạc miền duyên hải giữa cái nắng nóng đốt vào từng thớ thịt, nhưng chưa khi nào tôi cảm nhận sự oi bức, khô khát đến cùng quẫn, rõ rệt như đứng trên núi Bạc. Sự ngột ngạt ăn vào từng giác quan, không chỉ tồn tại trong hơi thở mà lặn sâu tận tiềm thức. Từ ánh mắt khép nép của những người phụ nữ, những đứa trẻ khuôn mặt ngơ ngác ngồi bệt ven thung lũng nhơm nham đá, mót lại những mảnh quặng nơi “mỏ rỗng”. Hay đôi bàn tay nâu sần của những cô gái Dao quẩy thùng lên núi vét từng vũng nước tù lâu ngày chưa ngấm, thứ nước ấy, đối với họ, sạch hơn nước dưới thung khe!
Hôm sau, ban mai tím lịm, đại ngàn ngái ngủ trong sương, dời núi Bạc, dọc sơn tản, trên các thửa ruộng bậc thang, tôi đã thấy những chiếc máy xúc bắt đầu hoạt động. Người dân nơi đây đang cố thoát “cái nghèo” bằng một nguồn thu mới, đó là bán ruộng. Ở Vị Xuyên, hầu hết ruộng vườn đều có quặng man gan!n
Phóng sự của Thiệu Anh