Trước đó, báo ĐS&PL được tiếp một vị khách đặc biệt. Đó chính là cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Tâm (62 tuổi, là con trai thứ 4 của "Vua Lốp"). Ông Tâm tìm gặp chúng tôi bày tỏ sự cảm kích và cung cấp cho báo ĐS&PL những tư liệu, văn bản, giấy tờ có liên quan đến vụ án thế kỷ đó. Qua nghiên cứu những tài liệu chính thống của ông Tâm cung cấp, chúng tôi cảm thấy vô cùng sửng sốt.
Quyết định trả lại tài sản cho "Vua Lốp".
"Vua Lốp" được minh như thế nào?
Theo như lời tâm sự của ông Tâm, trong hành trình giải oan cho "Vua Lốp" Nguyễn Văn Chẩn, gia đình ông đã gặp không ít bi kịch. Trên hành trình của những lá đơn vượt cấp, gia đình ông ngày càng khánh kiệt. Người dám đối đầu với tất cả là bà Oang (mẹ ông) và ông Tâm được gia đình giao phó mọi trọng trách kêu oan cho cha. Về bà Oang, như báo ĐS&PL đã nhắc đến với hình ảnh "người đàn bà quỳ", đội đơn lên đầu trước cửa Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Còn ông Tâm, vốn là người làm trong nghề điện ảnh, được ăn học, có trí thức. Ông quen biết rộng nên được giao phó lo đơn từ và gặp các cán bộ để kêu oan cho cha. Và chính ông Tâm đã thay cha gặp gỡ giới báo chí... để kêu oan.
Theo lời ông Tâm kể lại, trong những ngày cha ông chạy trốn, trước nguy cơ bị bắt giam, bị kết án tù, ông vẫn kiên trì giúp cha kêu oan. Mãi đến khi có trong tay công văn số 2174 của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, có bài báo "Lời khai của bị can" trên báo Văn nghệ và đặc biệt có bài "Những việc cần làm ngay" của tác giả N.V.L thì hành trình kêu oan mới có chuyển biến tích cực.
Nhờ sự nỗ lực không ngừng, sau ba lần đi tù, một lần bỏ trốn và tất cả tài sản, nhà cửa, nhà xưởng bị tịch thu..., cuối cùng "Vua Lốp" đã được minh oan. Cái ngày trọng đại ấy đã đến khi đoàn thanh tra gồm Ban Nội chính Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Thanh tra Nhà nước được thành lập. Họ nhận nhiệm vụ thanh tra về Z30 (tranh tra những giám đốc, thương gia, công chức giàu lên bất thường) đã đến làng Ngọc Hà và tuyên bố công khai trước nhân dân kết luận: "Ông Chẩn không thuộc diện Z30". Lúc đó, bà con xóm giềng mừng lắm. Nhiều người tìm đến nơi cư ngụ tạm bợ ở 34 Sơn Tây, chỗ lều tạm bợ gần nhà ông Tâm. Lúc nhận được tin trên, chính ông Tâm đã reo lên với cả nhà: "Chúng tôi sẽ mua pháo Bình Đà dài 3m về đốt mừng ông bà được giải oan", ông Tâm mừng rỡ.
Cũng may, nhờ thế mà "Vua Lốp" được trả lại giấy phép, tiếp tục tổ chức sản xuất lốp Quyết Thắng. Sau đó, mặt hàng này tiếp tục có mặt trên thị trường. Các khách hàng lại tìm đến với "Vua Lốp" Nguyễn Văn Chẩn. Ngoài báo chí trong nước đưa tin, nhiều tờ báo nước ngoài bằng tiếng Anh, tiếp Pháp cũng đã dịch, cũng cho phóng viên viết bài về "Vua Lốp". Nhưng đến thời điểm này, gia đình ông Chẩn vẫn chưa được trả lại ngôi nhà đã từng bị kê biên và tịch thu. Chính vì thế, hành trình kêu oan vẫn chưa dứt...
Ông Tâm cảm ơn báo ĐS&PL và cung cấp nhiều thông tin liên quan.
Vỡ òa trong niềm vui
Đến mãi cuối năm 1989, họ nhận được tin vui là sẽ được trả nhà vào trước Tết. Có lẽ, cuối cùng công lý được sáng tỏ. Những thành viên trong gia đình ông Chẩn bấm từng đốt ngón tay chờ đợi. Vì đã 7 năm sau ngày được minh oan họ vẫn chưa được trả lại nhà. Mấy ngày sau, vào mùng 4 tháng Giêng năm 1990, gia đình ông Chẩn được thông báo là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Ất Hợi đã ký quyết định trả lại ngôi nhà ở số 161 (tổ 21, làng Ngọc Hà). Chiều 4/1/1990, ông Chẩn được mời đến UBND quận Ba Đình bàn giao nhà. Khi nhận được quyết định này, cả gia đình họ đã òa khóc. Đến sáng ngày 5/1/1990, ông Chẩn khấp khởi đến trụ sở UBND quận Ba Đình. Ông Lê Đình Dung, lúc đó là Phó chủ tịch quận giới thiệu sáu vị trưởng phó phòng và nói: "Sẽ bàn giao nhà vào 9h sáng ngày 7/1/1990".
Mừng quá, ông Chẩn chạy thẳng một mạnh về nhà thông báo. Cậu Quyết, con trai ông reo lên: “Ta đốt pháo ăn mừng bố ạ! Con sẽ cài vào quả pháo đùng cho nổ thật to, thật giòn!". Ngồi bên cạnh, cậu con tên Tuấn hưởng ứng: "Năm nay nhà ta có hai cái Tết. Tết Nguyên Đán và cái "tết trả nhà".
Tuy nhiên, ông Chẩn nghiêm mặt nói: "Tuy lâu lắm rồi chúng ta mới có cái Tết vui vẻ như thế, nhưng tuyệt đối không được bốc đồng. Nỗi oan của gia đình ta được tháo gỡ là nhờ bố ư? Không đúng. Bố thất học, bố viết lá đơn còn sai chính tả, chưa diễn đạt hết ý của mình nên tác dụng của bố rất hạn chế... Chính vì thế, chúng ta cần phải điềm tĩnh, không nên làm việc gì quá ầm ĩ cả".
Và đúng 9h sáng ngày 7/1/1990, ông Lê Đình Trung, Phó chủ tịch UBND quận Bà Đình và tám cán bộ chức trách có mặt tại nhà cũ của ông Chẩn ở 161 Ngọc Hà. Khi họ đến nơi đã thấy cả nhà ông Chẩn hồi hộp chờ đợi. Thậm chí, còn có sự góp mặt của nhiều bà con, bạn bè, các nhà báo trong và ngoài nước luôn theo sát diễn biến của vụ oán án thế kỷ này. Có người còn mua hoa, quà để tặng gia đình ông được giải oan trọn vẹn trong ngày nhận lại nhà. Giây phú ấy còn ghi sâu sắc trong tâm can những đứa con ông Chẩn và người dân làng Ngọc Hà. Bởi buổi sáng nhận lại nhà là kết thúc hành trình 17 tháng 10 ngày sống cầu bất cầu bơ và những lần tù tội, trốn chạy. Ông Chẩn lại được về nhà, được sản xuất những sản phẩm mang tính phát minh của ông.
Theo ông Tâm thì đến thời điểm sau đó và bây giờ, gia đình ông vẫn chưa hết những hệ lụy vì oan án. Ngay việc con cái ông Chẩn không được học hành, bị soi mói và tài sản mai một. Hơn nữa, danh dự của họ bị tổn thương khó có thể lấy lại được. Đến thời điểm này, căn nhà ở Ngọc Hà của ông Chẩn, bà Oanh vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Vì theo lời ông Tâm cung cấp, do trong quyết định trả nhà số 4071 do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký ngày 1/9/1990 thì tuy là trả nhà nhưng lại có thêm phần quy định: "Ông Nguyễn Văn Chẩn được thuê đất ở địa điểm hiện nay để sản xuất...". Chính vì quyết định trên mà nhiều năm sau đó, thậm chí cả bây giờ gia đình ông Chẩn vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Đó là điều bất hợp lý sau oan án kéo dài.
Ông Tâm nói trong nước mắt về cha mình: "Cha tôi không đòi hỏi gì sau oan trái, nhưng chỉ mong được công bằng. Ở các nước phương Tây, sau mỗi vụ oán trái, chính quyền địa phương công khai xin lỗi, ngoài trả lại tài sản còn phải đền bù, trả lại danh dự cho người bị oan. Nhưng cha tôi, sau những oan án kéo dài vẫn không được chính quyền địa phương làm cái nhiệm vụ tính nhân văn đó. Thật là đáng tiếc. Tôi mong các cấp chính quyền hiện tại hãy soi xét đến những hệ lụy mà gia đình tôi đang phải chịu, có biện pháp hợp tình, hợp lý hơn, để những ngày cuối đời của cha tôi được thanh thản?". (Còn tiếp...)
Những cơ hội của "Vua Lốp" tan tành vì án oan Nhưng, bây giờ theo như câu chuyện của ông Tâm với PV báo ĐS&PL, sau những ngày dài oan án, cha ông đã yếu đi nhiều lắm. Dù báo chí, thậm chí có cả nhà văn viết "vòng trầm luân oan trái" thành tiểu thuyết nhưng gia đình, bạn bè, giới kinh doanh lại tiếc cho ông Chẩn. Bởi vì sự việc trên mà cơ hội kinh doanh, phát triển lốp xe "Quyết Thắng" mai một dần. Giá như không có những sự việc trên, không có oan án thì "Vua Lốp" đã không mất đi cơ hội mở rộng sản xuất. Có lẽ, những sản phẩm ông làm ra còn ở tầm cao hơn. Và đặc biệt, ông Chẩn đã có cơ hội hợp tác với một tập đoàn sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới đã từng cho người tìm đền gặp ông để đàm phán. Nhưng vì lúc đó, ông đang vướng vào lao lý nên mọi việc bị hủy bỏ. |
Thành Văn