Có mộ di cốt còn nguyên vẹn. Qua các nhà khoa học, người chết 4.000 năm có thể kể được chuyện của mình. Đó là những câu chuyện ly kỳ mà đời sau luôn tò mò muốn biết.
Một lần được gặp người chết 4.000 năm
Nhận được tin nhắn của PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết, phát hiện được mộ táng đất thuộc văn hóa Phùng Nguyên, di cốt còn nguyên "đẹp" nhất Việt Nam, chúng tôi tìm đến Đình Tràng, cách Cổ Loa chừng 3km. Khu di tích các nhà khảo cổ khai quật rộng 300m2 nằm ngay sát đường. Nơi đây đã diễn ra 7 lần khai quật và đặc biệt lần này, các nhà khảo cổ bất ngờ phát hiện 2 ngôi mộ táng đất, có niên đại 4.000 năm.
Trước mắt tôi những di hài phát lộ, được đánh dấu cẩn thận. Xương cốt vẫn còn nguyên dưới dạng hóa thạch. Điểm đáng chú ý, sau nhiều năm như vậy nhưng có mộ, răng vẫn còn nguyên, được chải sạch đất vẫn sáng trắng. TS. Lại Văn Tới, người phụ trách khai quật lần này cho biết: Các nhà khoa học phát hiện được 11 ngôi mộ, nhưng chỉ có 8 ngôi có dấu vết xương, răng, hầu hết là của trẻ em. Mộ số 9 là ngôi mộ đẹp nhất còn giữ lại được di cốt người của văn hóa Phùng Nguyên tìm thấy ở Hà Nội.
Dẫn chúng tôi đến ngôi mộ số 9, PGS.TS Nguyễn Lân Cường hồ hởi: "Đây là ngôi mộ đẹp. Người chết được chôn theo tư thế nằm ngửa, 2 tay đặt xuôi dọc theo thân, đầu nghẹo sang phía vai trái. Trên đùi và hông trái có một đồ gốm tùy táng thuộc văn hóa Phùng Nguyên, đã bị vỡ, và rõ ràng có dấu vết người xưa rắc thổ hoàng trên xương chày trái". Rồi ông lý giải với tất cả niềm đam mê, những gì gom góp suốt bao năm đi làm khảo cổ… "Cụ này là phụ nữ, khoảng 35 - 40 tuổi, cao 1m55. Sọ có hình trứng và thuộc loại dài. Hốc mắt có hình chữ nhật và thuộc loại thấp, mũi rộng. Đặc biệt, có hiện tượng nhổ răng cửa. Đây là một phong tục của những cư dân cổ thuộc văn hóa Phùng Nguyên mà chúng tôi đã phát hiện được ở xóm Rền (Phú Thọ), Đồng Đậu (Vĩnh Phúc), Hang Tọ (Sơn La) và Mán Bạc (Ninh Bình)…".
PGS.TS Nguyễn Lân Cường tại hiện trường khai quật
Di hài của ngôi mộ số 9 này vẫn còn nguyên từ hộp sọ, xương tay chân, xương sườn… Thực chất, sau 4.000 năm, di hài của các cụ đã hóa thạch. Tôi có cảm giác mình đang tìm hiểu về một thời kỳ văn hóa xa xưa, những điều chưa biết về tổ tiên mình đang hiện ra thật gần mà con cháu ngày nay đều muốn khám phá.
Ngắm mãi ngôi mộ này, tôi bất ngờ hỏi ông Cường, "liệu cụ này ngày xưa có đẹp không?", ông Cường cười hóm hỉnh, đôi mắt nheo nheo tươi rói đặc trưng của cánh nam giới trong đại gia đình dòng họ Nguyễn Lân đáp: "Cô hỏi tôi cụ này đẹp không thì làm sao tôi biết được"?. Chúng tôi tự tán thưởng với nhau, thời xa xưa mà cao tới 1m55 chắc cũng phải tầm "hoa hậu".
Che chắn lại cho các cụ cẩn thận xong, ông Cường trao đổi với chúng tôi về nghi thức cải táng của người xưa. Sở dĩ, xương cốt của các cụ còn đến bây giờ là do phương thức mộ táng đất. Nếu như người chết mà chôn có quan, quách có không khí lọt vào sẽ phân hủy hết nhưng với mộ đất thì xương cốt trường tồn với thời gian. Nói về mộ táng đất, ông Cường cho biết: Người chết được đưa thẳng xuống dưới huyệt đất với các tư thế nằm ngửa, nằm nghiêng, nằm co. Có mộ có đồ tùy táng, có mộ không. Đặc điểm của đồ tùy táng là những gì gắn liền với đời sống sinh hoạt của chủ nhân ngôi mộ. Có thể là những đồ gốm được đặt ngay cạnh người chết, hay mũi giáo, ngọn lao… Qua đó, người đời sau có thể biết người đã chết khi còn sống sinh hoạt ra sao.
Ẩn sau mỗi di hài là một bí mật
Là chuyên gia về mộ táng, xác ướp PGS.TS Nguyễn Lân Cường say mê giảng giải cho những người ngoại đạo như chúng tôi: "Với mỗi di hài tìm được chúng ta có thể biết được cuộc sống của họ, thậm chí là sự phát triển của xã hội". Khi phát hiện ra mộ táng, đặc biệt là mộ trẻ con, các nhà nghiên cứu đưa ra một lý giải: Có thể nơi đây đã từng xuất hiện dịch bệnh nên trẻ con mới chết nhiều như vậy.
Khai quật tới lớp đất sinh thổ, theo như các di chỉ khảo cổ khác thì cuộc tìm kiếm sẽ chấm dứt. Nhưng tại Đình Tràng lần này, đào sâu dưới lớp đất gốc, các nhà khảo cổ đã phát hiện thêm 5 ngôi mộ thuộc văn hóa Phùng Nguyên. Chính vì thế, PGS.TS. Nguyễn Lân Cường đã được mời sang tiếp để xử lý những ngôi mộ quý giá này. Theo ông Cường, ngôi mộ táng đất tại đây có những đồ tùy táng là đồ gốm thời văn hóa Phùng Nguyên. Ngôi mộ số 8, đồ gốm được để lên đùi của chủ nhân, sau khi lấp đất lên nó đã bị vỡ.
Trong khu di chỉ khảo cổ này, ông Cường đã phát hiện có bộ xương của một người không bình thường. Xương sọ phát triển bình thường nhưng xương chân, tay rất bé. Điều này, cho thấy khi còn sống, chủ nhân của ngôi mộ đã từng bị bại liệt. Thời xưa, với người bị bệnh tật mà vẫn được chăm sóc, nuôi dưỡng sống được 30 - 40 tuổi là cả một sự nhân đạo của xã hội.
Trong câu chuyện miên man về những di hài đoàn khảo cổ phát hiện được, ông Cường còn cho biết: "Tôi đã từng làm bộ xương mà xương tay gãy ngoặt xuống. Điều đó chứng tỏ, người này khi sống đã từng bị gãy tay. Bản chất của xương là tự liền. Do không nẹp cố định thẳng được nên nó đã bị dị tật". Mỗi bộ xương, còn lại với thời gian đều tự nói về chủ nhân của nó khi còn sống qua góc nhìn của các nhà nghiên cứu.
Thấy chúng tôi thắc mắc về tuổi của các ngôi mộ táng đất này, vì sao lại biết chính xác nó đã được chôn cách đây 4.000 năm, ông Cường cho biết: Bằng khoa học kỹ thuật tiên tiến, qua phân tích tuổi của hóa thạch, nhất là các răng còn lại các nhà khoa học tính được chính xác tuổi từ đó xác định được niên đại và thời kỳ văn hóa. Hơn nữa, thông qua các di vật với các thời kỳ văn hóa mà nhà khảo cổ có thể khẳng định chính xác tuổi. Các nhà khảo cổ dự định sẽ xắn cả lớp đất, sau đó đổ thạch cao đưa di hài của ngôi mộ số 9 về trung tâm Hà Nội và trưng bày tại bảo tàng. Còn những ngôi mộ khác sẽ được bóc tách, sau đó đưa di hài của tiền nhân về viện Khảo cổ học để phục dựng lại.
Ông Cường, ngồi xuống chỉ tận nơi cho chúng tôi thấy hài cốt của tiền nhân. Hai răng cửa dưới đã bị nhổ, nó vẹt đi. Phong tục này cũng tồn tại ở cư dân cổ ở miền Nam Trung Quốc, Nhật Bản và châu Đại Dương. Tư liệu quý giá này, sẽ được tiếp tục chỉnh lý cùng với 10 ngôi mộ cổ khác được phát hiện tại địa điểm này, để nghiên cứu tiếp về chủ nhân của văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn.
Khám phá thú vị về trạm tiền tiêu của thành Cổ Loa Từ những gì đã phát hiện được trong các đợt khảo cổ tại di chỉ Đình Tràng, các nhà khảo cổ học cho rằng đây là một trạm tiền tiêu của thành Cổ Loa. Chủ nhân của những di vật này thuộc thời văn hóa Phùng Nguyên. Qua những lớp trầm tích này đã khẳng định rõ hơn về lịch sử đất nước 4.000 năm. Và nơi đây, có những xưởng đúc đồng, chế tạo vũ khí, những cuộc giao tranh với quân giặc, dấu tích của dòng Hoàng Giang cổ... tất cả cuộc sống của tiền nhân trở về với hôm nay. TS. Lại Văn Tới, người phụ trách khai quật tại Đình Tràng, đây là di chỉ cư trú - mộ táng của người Việt cổ cho biết: "Đoàn khảo cổ đã tìm thấy 45 lò đúc đồng có quy mô, khoảng cách khá thống nhất sắp đặt theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Đây là lần đầu phát hiện ra lò đúc đồng có xỉ đồng, khuôn đúc. "Tại đây, chúng tôi còn phát hiện than, tro. Điều này chứng tỏ, những bậc tiền nhân đã sinh sống ở đây lâu dài, ổn định. Có nhiều khả năng xác định di tích này cũng là xưởng chế tạo đồ kim loại". Qua dấu tích của dòng Hoàng Giang cổ, các nhà khảo cổ đã phát hiện những tầng lớp văn hóa bị xáo trộn. Tại đây các nhà khảo cổ đã phát hiện rùa đang bơi bằng đất nung và cả xương rùa hóa thạch. TS. Lại Văn Tới lý giải: "Phát hiện này, khẳng định di chỉ khảo cổ này ngoài mối quan hệ mật thiết với Cổ Loa còn có liên quan đến Hồ Gươm, thời nhà hậu Lê trả gươm cho rùa thần". |
Minh Khánh