Hé mở cuộc sống 'sung túc' thời Pharaoh Akhenaten

Hé mở cuộc sống 'sung túc' thời Pharaoh Akhenaten

Thứ 7, 02/03/2013 20:22

Theo như kế hoạch, cư dân Ai Cập dưới thời Pharaoh Akhenaten (được cho là cha của vua Tut) sẽ rất sung túc, an nhàn. Hình ảnh về một đất nước Ai Cập tràn ngập tiếng hát, tiếng cười được vua Akhenaten vạch ra chi tiết.

Mãi đến tận sau này, người ta vẫn cho rằng, đất nước do vua Akhenaten gây dựng là một đất nước cực kỳ thái bình và là một đất nước chỉ có trong mơ. Vào thời Ai Cập cổ đại, Akhenaten được tôn sùng như một vị thần bởi những gì ông làm được cho dân chúng. Thế nhưng, đằng sau vẻ hưng thịnh được vua Akhenaten gây dựng lên có một bí mật, bí mật khiến các nhà nghiên cứu ngày nay vô cùng bất ngờ và ngạc nhiên .

Những bộ xương "tiết lộ" bí mật

Ai Cập là đất nước chứa đựng nhiều bí ẩn trên thế giới. Chính vẻ huyền bí đó của vùng đất Pharaoh làm các nhà khoa học cũng như các nhà nghiên cứu muốn giải mã tất cả những bí ẩn nằm trong những công trình, kiến trúc cổ đại còn sót lại. Mỗi một di vật khai thác được đều là một đầu mối, giúp khoa học hé mở cánh cửa để bước vào thế giới cổ đại xưa. Các nhà khoa học thuộc trường đại học Arkansas (Mỹ) vừa tiến hành nghiên cứu các di tích khảo cổ tại Tell El-Amarna (hay gọi là Amarna), thủ đô nước Ai Cập cổ đại thuộc triều đại Pharaoh Akhenaten cách đây 3.500 năm và đã phát hiện ra rất nhiều điều thú vị.

Tiêu điểm - Hé mở cuộc sống 'sung túc'  thời Pharaoh Akhenaten

Thành phố Amarna hưng thịnh được dựng lại bằng vi tính

Các nhà khảo cổ đã khai quật được các di vật xương ở thành phố Amarna. Sau khi xét nghiệm, các nhà khoa học kết luận, đây là những mảnh xương đầu tiên được xác định là của công nhân sống trong thành phố này và chúng còn tiết lộ cái giá kinh hoàng mà họ phải trả để hoàn thành giấc mơ của Đế vương Akhenaten. Theo các chữ viết tượng hình trên các bức tường của di tích khảo cổ, Pharaoh Akhenaten buộc phải xây dựng một thành phố mới để tôn vinh vị thần Aten mà ngài tôn kính với những đền thờ, dinh thự và lăng mộ.

Hàng ngàn công nhân người Ai Cập được huy động, góp sức dựng nên thành phố huy hoàng đó để chiều lòng vị vua "đáng kính" của họ. Thành phố này có sức chứa hơn 50.000 người, được xây dựng trong vòng 15 năm. Theo sách sử ghi chép, người dân đều hồ hởi với thành phố hoa lệ của vua Akhenaten, không một lời oán thán hay hối hận được nói ra. Tuy nhiên, những mảnh xương thu được từ di tích Amarna lại lộ ra một sự thật trái ngược với sách sử từng ghi. Giáo sư Jerry Rose đến từ trường đại học Arkansas và nhóm của mình đã phân tích rất kỹ những mảnh xương khai quật được từ Amarna.

Ông cho biết: "Những mảnh xương chúng tôi tìm thấy không hề tương thích với lối sống xa hoa hay an nhàn. Theo tôi phán đoán, đây là một thành phố không có bàn tay người chăm sóc, người dân có thể phải sống trong lầm than và thiếu thốn thức ăn". Để bổ sung thêm cho những nhận định của giáo sư Rose, giáo sư Barry Kemp dẫn đầu đoàn khảo cổ đến từ Anh nói: "Những mẩu xương này tiết lộ mặt tối tăm của cuộc sống, một sự trái ngược đến sửng sốt với hình ảnh mà Akhenaten muốn tạo dựng về một cuộc sống thư thái như trên thiên đường".

Di vật xương cho thấy, nhiều công nhân bị tổn thương cột sống cùng các chấn thương khác được tìm thấy qua các vết dập trên xương. Người dân thời này phải sống một cuộc đời đầy nhục hình, dinh dưỡng nghèo nàn và đặc biệt là chậm phát triển. Đền đài dinh thự của thành phố này đòi hỏi hàng nghìn các khối đá lớn. Vì vậy, dưới cái nóng 400C mùa hè, người dân có lẽ đã rất vất vả khi phải lấy đá và vận chuyển quãng đường 2,5 km về thành phố.

Sự lao động cực khổ, những tra tấn dã man và thiếu dinh dưỡng khiến các thanh niên Ai Cập cổ nhanh chóng bị kiệt sức, dẫn đến tử vong. Giáo sư Rose cho rằng: "Những người này phải lao động vô cùng cực nhọc khi tuổi đời còn rất trẻ và phải mang vác nặng. Tỉ lệ chết trẻ giữa những người Amarna cao đến mức gây sửng sốt. Qua việc xét nghiệm các bộ xương, chúng tôi nhận ra không nhiều người sống qua được tuổi 35. Hai phần ba dân số là chết trước tuổi 20".

Tiêu điểm - Hé mở cuộc sống 'sung túc'  thời Pharaoh Akhenaten (Hình 2).

Tượng Pharaoh Akhenaten trong một bảo tàng

Triều đại dưới thời vua Akhenaten

Sau khi thành phố Amarna hoàn thành, Akhenaten cùng hoàng hậu Nefertiti lập tức bỏ thủ đô Thebes (Ai Cập) để chuyển vào sống trong thành phố mới này. Akhenaten dứt khoát bỏ lại sau lưng những vị thần của Ai Cập hàng ngàn đời cùng các thầy Tư tế, không chút đắn đo, suy nghĩ. Do thành phố Amarna nằm trong một sa mạc khô cằn bên cạnh dòng sông Nile nên chắc chắn cuộc sống tự cung tự cấp sẽ gặp ít nhiều khó khăn.

Thế nhưng triều đại của Akhenaten vẫn hoàn toàn nằm trong một "vỏ bọc", không ai biết thành phố Amarna đã phát triển ra sao ngoài hai từ "hưng thịnh". Kết cục của triều đại Akhenaten cũng rất bí hiểm với nhiều mơ hồ, một hành động dường như diễn ra trong những bức rèm kín. Đã có một hoặc thậm chí hai vị vua đã trị vì trong các thời kỳ ngắn, thậm chí cùng trị vì với Akhenaten, sau khi ông chết. Chỉ có được một chi tiết "vàng" được các lịch sử gia ghi nhận, đó là vua Tutankhamun nổi tiếng hay còn gọi là vua Tut được sinh ra và lớn lên ngay tại thành phố "trong mơ" Amarna. Có lẽ vua Tut đã bị quản giáo nghiêm ngặt và bị giam lỏng.

Một trong những lý do được phỏng đoán đến việc vua Akhenaten dời đô đến Amarna vào khoảng 5 - 6 năm trước khi vua Tut sinh ra là nhằm cách ly khỏi nạn dịch hạch đang hoành hành tại các thành phố đông đúc của Ai Cập và cũng để thay đổi hệ tín ngưỡng tôn giáo từ thờ thần Amun chuyển sang đạo Thebes thờ Chúa Trời, trong đó, vị Chúa Trời được tôn sùng nhất là Aten. Akhenaten cũng đồng thời đóng cửa đền thờ các vị thần khác và quân lính của ông còn thêu dệt những câu chuyện bôi nhọ thần Amun và các vị thần khác, đập phá các bức tượng, làm dân chúng sợ hãi. Tuy nhiên, tôn giáo mới chỉ được thực thi ở Amarna, Memphis và một số nơi khác, người dân vẫn tiếp tục tôn thờ các vị thần thánh như cũ đã phù hộ cho họ hàng ngàn năm.

Thậm chí, Akhenaten cho dựng tượng của mình như một vị thần sống ở ngay chính thành phố Amarna. Nghệ thuật của thời kỳ này cũng được truyền thêm sinh khí với cuộc cách mạng của chủ nghĩa tự nhiên. Hình ảnh tượng trưng cho vị pharaoh Akhenaten cũng không còn là khuôn mặt lý tưởng, trẻ trung, có thân hình cơ bắp như các vị pharaoh trước đó, thay vào đó là một hình ảnh ẻo lả đến kỳ lạ, với cái bụng phệ, môi dày và khuôn mặt thuôn dài.

Theo nhận định, chính việc thay đổi tôn giáo đã khiến cho suy nghĩ của Pharaoh Akhenaten trở nên lệch lạc và cũng làm cho triều đại Akhenaten không tồn tại được lâu. Sau khi Akhenaten qua đời, thành phố "hưng thịnh" này cũng bị bỏ hoang và bị sa mạc che lấp, trở thành một thành phố bị lãng quên. Hơn một thập kỷ nay các nhà khoa học đã tìm kiếm bất cứ một dấu vết nào về sự sụp đổ của Armana nhưng vô ích. Nhờ một trận lũ quét sạch sa mạc nơi đây mà người ta mới tìm ra thành phố chôn vùi bao sinh mạng, những con người hi sinh cả thân mình để có được cuộc sống xa hoa của một bậc Đế vương mà họ yêu mến. 

Bệnh dịch hủy diệt người Amarna

Nhưng có lẽ lịch làm việc khủng khiếp này chưa đủ để giải thích sự chết chóc ở Amarna. Con trai của Akhanaten - Tutankhamen, chết ở tuổi 20 và các nhà khảo cổ bắt đầu tin tưởng rằng có thể nơi đây đã phải hứng chịu một bệnh dịch, y học thời bấy giờ cũng phải chịu thua. Giả thiết này trùng với những ghi chép lịch sử của người Hittie, kẻ thù của người Ai Cập, kể về sự tàn phá của một trận dịch lây lan từ những người Ai Cập bị bắt làm tù binh trong thời đại trị vì của Tutankhamen. Có thể trận dịch này là nguyên do cuối cùng hủy diệt người dân của Amarna.

Hậu quả của việc thay đổi thần linh

Trong cuốn sách của Howard Carter xuất bản năm 1923 khi ông phát hiện ra lăng mộ của vua Tut, ông viết: "Triều đại Akhenaten lúc bắt đầu suy thoái sau khi đạt đến cực thịnh thì các thương gia bất mãn với chế độ đóng cửa không giao thương với bên ngoài, quân đội bất mãn với triều đình. Nông dân, công nhân và tầng lớp trí thức cảm thấy bất mãn khi không được thờ tụng vị thần của họ, họ cho rằng đất nước ngày càng suy thoái do việc thay đổi hệ thống tín ngưỡng, việc họ thay đổi tín ngưỡng sang một thế giới mới, một thiên đàng mới cuối cùng đã nhận sự trừng phạt của thần linh".    

An Mai (Theo Livescience/Discovery)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.