Hệ sinh thái đa ngành của vợ chồng bà Nguyễn Thanh Phượng và ông Nguyễn Hoàng Bảo

Trần Thị Tú Anh

Trần Thị Tú Anh

Thứ 3, 05/11/2024 10:00

Vợ chồng bà Nguyễn Thanh Phượng và ông Nguyễn Hoàng Bảo hiện đang làm lãnh đạo loạt doanh nghiệp tên tuổi như Chứng khoán Vietcap, Timo, BVBank, VBA,…

Trong giới doanh nhân, vợ chồng bà Nguyễn Thanh Phượng và ông Nguyễn Hoàng Bảo là cặp đôi có tiếng trong lĩnh vực tài chính và đầu tư. Dù có một số hướng đi riêng biệt, nhưng cả hai đã cùng nhau xây dựng nhiều doanh nghiệp phát triển và có tên tuổi, tạo thành "hệ sinh thái" có mối quan hệ gắn kết.

Nữ doanh nhân đứng sau "đế chế" Bản Việt

Bà Nguyễn Thanh Phượng là Cử nhân ngành Tài chính – Ngân hàng tại Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị tài chính tại Đại học Quốc tế Geneva (Thụy Sĩ).

Sau khi tốt nghiệp, bà Nguyễn Thanh Phượng bắt đầu sự nghiệp tại một số công ty tài chính lớn. Từ tháng 4/2004 – 5/2006 bà giữ chức Phó Giám đốc tài chính Công ty Holcim Vietnam, từ tháng 6/2006 - 8/2007 bà đảm nhiệm vị trí Giám đốc đầu tư Vietnam Holding Asset Management.

Dấu ấn riêng của bà Phượng bắt đầu vào năm 2007 khi là thành viên sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Bản Việt (nay là CTCP Chứng khoán Vietcap) và Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Asset Management).

Hệ sinh thái đa ngành của vợ chồng bà Nguyễn Thanh Phượng và ông Nguyễn Hoàng Bảo- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thanh Phượng.

Tại Chứng khoán Vietcap, ông Nguyễn Hoàng Bảo cũng từng đảm nhận vị trí Thành viên HĐQT từ năm 2011 đến đầu năm nay. Dưới sự lãnh đạo của vợ chồng bà, Chứng khoán Vietcap liên tục ghi nhận những bước tiến mới.

Thời điểm 2018, thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE của công ty thường xuyên ở trong top 3, thậm chí vươn lên vị trí quán quân vào quý IV/2018. Tuy nhiên đến quý III/2020, công ty đã bị đẩy xuống vị trí thứ 5 và có thời điểm xuống thứ 8. Cho đến quý II/2024 vừa qua, Vietcap đã quay lại vị trí thứ 4, vượt qua VNDirect, HSC, MBS, FPTS.

7 năm sau khi thành lập, vào năm 2014 Vietcap đã đạt mốc lợi nhuận trăm tỷ (145 tỷ đồng), doanh thu cũng cao gần gấp 5 lần (617 tỷ đồng). Thời kỳ đỉnh cao của Vietcap diễn ra trong giai đoạn 2018 – 2021 khi liên tục tăng trưởng về lợi doanh thu và lợi nhuận, ngoại trừ năm 2019. Năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận kỷ lục, lần lượt ở mức 3.707 tỷ đồng và 1.499 tỷ đồng.

Sau thời kỳ hoàng kim, công ty liên tục chứng kiến sự sụt giảm. Cho đến ngày 30/3/2024, CTCP Chứng khoán Bản Việt chính thức đổi tên thành CTCP Chứng khoán Vietcap, tên viết tắt cũng được đổi từ VCSC thành Vietcap. Sau khi từ bỏ thương hiệu Bản Việt, có thể nói công ty này đã “đổi vận” khi kết quả kinh doanh có bước tiến mới.

Quý đầu tiên sau khi đổi tên, công ty đã có lãi trăm tỷ trở lại và đạt mốc trên 200 tỷ đồng vào quý II và quý III năm nay.

Cũng chỉ sau hơn 1 năm đổi tên, dư nợ cho vay margin của Vietcap đã tăng gấp đôi từ 5.100 tỷ đồng lên khoảng 10.100 tỷ đồng. Gần nhất, trong quý III/2024, dư nợ cho vay margin của Vietcap đã tăng gần 29%, cách xa so với tăng trưởng toàn ngành là 4%.

Sau 16 năm hoạt động, tổng tài sản của công ty chứng khoán này cũng tăng mạnh từ 824 tỷ đồng lên 7.243 tỷ đồng.

Tên tuổi của bà Phượng cũng rõ nét hơn khi gia nhập Ngân hàng Bản Việt (BVBank). Ngân hàng TMCP Bản Việt được thành lập từ năm 1992, tiền thân là Ngân hàng Gia Định. Ngày 26/5/2023, Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam chính thức chấp thuận cho Ngân hàng bản Việt đổi tên viết tắt tiếng Anh từ Viet Capital Bank sang BVBank.

Sự nghiệp của bà tại BVBank bắt đầu từ năm 2011 với vai trò Thành viên HĐQT. Từ đầu năm 2012 đến tháng 4/2013, bà giữ chức Chủ tịch HĐQT, sau đó chuyển giao vị trí này cho ông Lê Anh Tài.

Hiện bà vẫn giữ vị trí Thành viên HĐQT BVBank và là người nắm giữ lượng cổ phần ngân hàng này nhiều nhất với gần 4,56% vốn (gần 23 triệu cổ phiếu BVB).

Đôi nét về BVBank, trải qua 32 năm phát triển, tại thời điểm 2/10/2024, vốn điều lệ của BVBank ở mức mức 5.518 tỷ đồng, chỉ cao hơn 5 ngân hàng VietBank, KienlongBank, BaoVietbank, SaigonBank và PGBank.

Ngày 9/7/2020, cổ phiếu BVBank chính thức giao dịch trên sàn UpCoM với mã chứng khoán BVB. Khi đó, tại thời điểm lên sàn năm 2020, tổng nợ xấu của BVBank là 1.111,4 tỷ đồng, tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay là 2,79%, đã gần chạm ngưỡng 3%.

"Hệ sinh thái" doanh nghiệp của vợ chồng bà Nguyễn Thanh Phượng

Hiện bà Phượng còn đang là Thành viên HĐQT của CTCP Bất động sản Bản Việt, CTCP Good Day Hospitality và Công ty TNHH Phoenix Holdings, cả 3 doanh nghiệp này đều là nơi chồng bà - ông Nguyễn Hoàng Bảo làm Chủ tịch HĐQT. Trong đó, CTCP Good Day Hospitality là doanh nghiệp được Tập đoàn McDonald's nhượng quyền thương hiệu này tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Bảo (Henry Nguyen) tốt nghiệp Cử nhân Quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard, Tiến sĩ Y khoa Trường Đại học Northwestern, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Trường Kellogg School of Management (Mỹ).

Theo báo cáo thường niên năm 2023 của Chứng khoán Vietcap, ông Nguyễn Hoàng Bảo là Chủ tịch của Công ty TNHH Phoenix Holdings - doanh nghiệp đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ, tiêu dùng, bán lẻ, công nghệ tài chính, giáo dục, thể thao, truyền thông và giải trí. Phoenix Holdings hiện có vốn điều lệ 600 tỷ đồng.

Hiện Phoenix Holdings sở hữu CTCP Bất động sản Bản Việt (VCRE), doanh nghiệp này được thành lập năm 2007, có vốn điều lệ 315 tỷ đồng. Tại đây, ông Nguyễn Hoàng Bảo đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và bà Nguyễn Thanh Phượng là Thành viên HĐQT.

Trước đó, ông Nguyễn Bảo Hoàng là Tổng Giám đốc của IDG Ventures Vietnam - quỹ đầu tư chuyên về các công ty thuộc lĩnh vực tiêu dùng, công nghệ, truyền thông và viễn thông tại Việt Nam. Những startup từng được quỹ này đầu tư thành công có thể kể đến như VCCorp, BHD Media, Vega Technology Group, Goldsun Focus Media.

Ông Bảo còn làm lãnh đạo tại CTCP Timo Việt Nam (đơn vị vận hành ngân hàng số Timo). Tháng 7/2020, ông Hoàng đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Ngân hàng số Timo Việt Nam. Đến năm 2022, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch điều hành.

Timo là ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam được thành lập vào năm 2015. Thời điểm mới thành lập, Timo đã hợp tác về công nghệ và dịch vụ với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Nhờ đó, Timo được Ngân hàng Nhà nước giấy phép hoạt động và có thể cung cấp tất cả các dịch vụ tương tự như một ngân hàng. Tuy nhiên, đơn vị này không hề có phòng giao dịch như các ngân hàng truyền thống và các chi nhánh chỉ là nơi để khách hàng nhận thẻ hoặc thắc mắc về các vấn đề của mình. Tất cả các giao dịch của khách hàng đều được thực hiện trên ứng dụng của Timo.

Hệ sinh thái đa ngành của vợ chồng bà Nguyễn Thanh Phượng và ông Nguyễn Hoàng Bảo- Ảnh 2.

Hệ sinh thái đa ngành của vợ chồng bà Nguyễn Thanh Phượng và ông Nguyễn Hoàng Bảo (Theo tổng hợp của Người Đưa Tin).

Trong lĩnh vực giáo dục, ông là Thành viên quản trị sáng lập của Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV), Thành viên Hội đồng tín thác của Đại học Fulbright Việt Nam.

Trong lĩnh vực thể thao, năm 2011, ông Bảo thành lập Saigon Heat, đội bóng rổ chuyên nghiệp đại diện quốc gia thi đấu giải vô địch bóng rổ Đông Nam Á (ABL). Ông cũng là nhà đồng sáng lập của CTCP Bóng rổ Việt Nam (VBA) – công ty chuyên tổ chức giải đấu bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam. Tại VBA, bà Phượng vợ ông cũng là thành viên sáng lập và đang là Chủ tịch HĐQT.

Bên cạnh đó, ông Bảo hiện là Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam và Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Đông Nam Á. Vị Doanh nhân này còn là Tổng giám đốc Điều hành của Câu lạc bộ bóng đá Los Angeles (LAFC), Mỹ. Đội bóng này từng đạt chức vô địch cúp MLS vào năm 2022.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.