Ngày 22/11, Sở GTVT Tp.Hà Nội phối hợp với Ngân hàng thế giới và trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức tọa đàm “Hướng đến hệ thống giao thông Hà Nội thông minh và bền vững” nhằm tập hợp các ý kiến, kinh nghiệm của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về đề án "Xây dựng hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn Hà Nội” đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Yêu cầu xây dựng hệ thống giao thông thông minh
Phát biểu dẫn đề tại tọa đàm, Giám đốc Sở GTVT Tp.Hà Nội Nguyễn Phi Thường đánh giá, hệ thống giao thông được coi là huyết mạch của nền kinh tế, là bộ mặt của đô thị. Trong thời gian qua, lãnh đạo TP Hà Nội luôn rất quan tâm đến phát triển hệ thống giao thông hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Phát triển hệ thống giao thông thông minh và bền vững là xu hướng của tất cả đô thị trên thế giới và Hà Nội.
UBND Tp.Hà Nội cũng đã giao cho Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tổ chức, quản lý điều hành giao thông; ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, xây dựng hệ thống giao thông thông minh trong thành phố thông minh.
Trên cơ sở đó, Sở GTVT Hà Nội đã lựa chọn trường Đại học Giao thông vận tải, cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu trong cả nước về lĩnh vực GTVT là đơn vị tư vấn: “Xây dựng Đề án giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Đề án sẽ đưa ra khung kiến trúc hệ thống, chiến lược và các giải pháp về cơ chế chính sách, về công nghệ và đầu tư nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông Thủ đô Hà Nội an toàn, thông minh, hiện đại, bền vững; là cơ sở để quản lý đầu tư các dự án ứng dụng giao thông thông minh trong tương lai.
Đến nay, Đề án đã cơ bản hoàn thành các nội dung được giao. Sở GTVT xác định xây dựng hệ thống giao thông thông minh, bền vững cho thành phố Hà Nội là công việc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần khẩn trương thực hiện. Do đây là nội dung hết sức mới, nên cũng cần thận trọng, tham khảo rộng rãi các kinh nghiệm và ý kiến đóng góp của chuyên gia trong, ngoài nước.
Khái quát về thực trạng giao thông của Hà Nội, ông Nguyễn Phi Thường cho biết trong định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Hồng là trục xanh, cảnh quan, trục Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh. Bên cạnh 3 trục phát triển gồm sông Hồng, Hồ Tây - Ba Vì và Nhật Tân - Nội Bài, thành phố cũng định hướng hai thành phố trực thuộc Thủ đô: thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và thành phố phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai).
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có trên 23.000 km đường bộ;kết cấu hạ tầng giao thông khung đã và đang được hình thành theo quy hoạch, bao gồm: 7 tuyến vành đai; 19 tuyến hướng tâm (7 tuyến cao tốc hướng tâm, 8 tuyến quốc lộ, 4 tuyến hướng tâm kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh); mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch có 10 tuyến (tương ứng 417 km), hiện nay mới hình thành và đưa vào khai thác được 12,5/417 km theo quy hoạch (tuyến số 2A Cát linh – Hà đông).
Tuy nhiên, với số lượng khoảng 7,96 triệu phương tiện giao thông hiện có cùng với tốc độ gia tăng phương tiện giao thông trung bình khoảng 4-5 %/năm, ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm là phổ biến trong thành phố.
18 nhiệm vụ cụ thể trên cơ sở 3 nền tảng chung
Thay mặt nhóm nghiên cứu, GS.TS. Lê Hùng Lân - Chủ nhiệm Đề án nghiên cứu "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" đã trình bày một số nội dung chủ yếu trong đề án.
Theo đó, đề án nhận định với mức độ diện tích và dân số hiện nay cũng như tương lai, thành phố Hà Nội thuộc nhóm “siêu đô thị”, đối mặt với các vấn đề lớn về ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường,.. Do đó, Hà Nội cần nhanh chóng trở thành thành phố thông minh, trong đó phát triển hệ thống giao thông thông minh là một trong các trụ cột chính, nhằm giải quyết đồng bộ, bền vững các thách thức trên.
Cụ thể, kiến trúc hệ thống giao thông thông minh (ITS) Hà Nội sẽ gồm 4 thành phần chính: Người dùng ITS; Phương tiện giao thông tích hợp thiết bị thông minh, Cơ sở hạ tầng giao thông thông minh và Trung tâm điều hành, giám sát giao thông thành phố. Ngoài ra, kiến trúc sẽ có thêm các khối Các bên liên quan, Hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh và Hạ tầng thông tin đô thị thông minh.
Trong kiến trúc ITS Hà Nội, vai trò trung tâm của người dân hay người dùng ITS đóng vai trò đặc biệt quan trọng, đây không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà ngược lại, còn là chủ thể tham gia phát triển hệ thống.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông thông minh là một cấu phần của thành phố Hà Nội thông minh, với việc phát triển trên một nền tảng hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh chung và trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu thông qua nền tảng hạ tầng thông tin đô thị thông minh chung.
Đặc biệt, hệ thống giao thông thông minh thành phố phát triển trong hệ sinh thái bao gồm nhiều yếu tố tác động: cơ chế, chính sách từ các cơ quan quản lý, dữ liệu chia sẻ từ các đơn vị tham gia quản lý, điều hành giao thông bên ngoài, khai thác, xây dựng từ các doanh nghiệp, định hướng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực từ các viện, trường, …
Về tầm nhìn, hệ thống giao thông thông minh trong thành phố Hà nội thông minh, có tính hiện đại, hướng tới con người và thân thiện môi trường.
Về sứ mệnh, hệ thống sẽ ứng dụng các công nghệ tiên tiến tăng cường thu thập thông tin, xử lý, chia sẻ dữ liệu giao thông lớn, đa nguồn, nhằm xây dựng hệ thống giao thông thành phố an toàn, kết nối, bền vững.
Trên cơ sở tầm nhìn, sứ mệnh, hệ thống giao thông thông minh Hà Nội đặt ra 3 mục tiêu tổng quát, bao gồm: An toàn, hiệu quả; Tăng cường kết nối; Phát triển bền vững. Cùng với đó là ba chiến lược trụ cột: tăng cường thông tin, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành và phát triển cơ sở hạ tầng, với 18 nhiệm vụ cụ thể. Các nhiệm vụ được triển khai trên 3 nền tảng chung, đó là: Bản đồ số, Xử lý dữ liệu lớn đa nguồn và tiêu chuẩn ITS.
Lộ trình phát triển hệ thống giao thông thông minh thành phố Hà nội được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2024-2026 sẽ xây dựng trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS; kết nối nguồn dữ liệu; thẻ vé liên thông.
Giai đoạn 2 từ năm 2027-2030 sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 1. Bên cạnh đó, xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp thành phố Hà Nội; đổi mới phương thức quản lý; phát triển các ứng dụng ITS cơ bản; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS.
Giai đoạn 3 đến năm 2045 sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 2, đồng thời vận hành, khai thác hiệu quả ITS thành phố; hoàn thiện cơ sở hạ tầng ITS và tăng cường các ứng dụng khai thác dữ liệu giao thông số.