Vào năm 2012, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) ký với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) gói thầu thiết kế, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin với giá trị 600 tỷ đồng.
Theo dự tính ban đầu của HoSE, giai đoạn triển khai hệ thống KRX kéo dài trong khoảng 18 tháng và dự kiến chính thức đưa hệ thống hoạt động vào quý I/2015.
Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, đến hiện tại hệ thống KRX vẫn chưa thể giao dịch được khiến giới đầu tư đặt ra dấu hỏi lớn đối với khả năng áp dụng, triển khai trên thực tế đối với hệ thống KRX.
Mới đây nhất, ngày 21/4/2024, HoSE có công văn khẩn gửi các công ty chứng khoán về việc triển khai chính thức hệ thống công nghệ giao dịch mới KRX từ ngày 2/5/2024. Thông báo này được truyền đi sau khi HoSE tiến hành thử nghiệm diễn tập hệ thống KRX với các công ty chứng khoán qua đợt 1 trong nửa đầu tháng 3 và đợt 2 từ nửa cuối tháng 3/2024.
Thông tin trên đã mang tới hy vọng lớn cho cộng đồng nhà đầu tư với việc giới thiệu hệ thống KRX sẽ đáp ứng hạ tầng để áp dụng các sản phẩm, giải pháp giao dịch và thanh toán mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam như: Giao dịch trong ngày (T+0), bán khống (short selling), rút ngắn thời gian thanh toán, hợp đồng quyền chọn (option contract), áp dụng hệ thống thanh toán bù trừ trung tâm (CCP).
Sự kỳ vọng ngày càng lớn hơn khi hệ thống đã được triển khai cách đây tới 12 năm.
Thế nhưng quá khứ lặp lại, đến ngày 25/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn hỏa tốc gửi các Sở giao dịch và Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSDC) về việc không chấp thuận việc áp dụng KRX vào ngày 2/5/2024 theo tờ trình của HoSE, với lý do việc áp dụng này chưa tuân thủ quy định pháp luật.
Theo công văn trên, HoSE chưa có báo cáo Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) và chưa có ý kiến của các đơn vị thụ hưởng (HNX, VSDC) về việc áp dụng KRX.
Đồng thời, hiện chưa có biên bản nghiệm thu tổng thể giữa chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị thụ hưởng. Song, tờ trình của HoSE chưa thể hiện hệ thống công nghệ thông tin KRX đã được đơn vị chủ quan phê duyệt cấp độ an toàn thông tin (cấp độ 4) theo quy định.
Như vậy, kể từ khi có thông báo triển khai hệ thống KRX với thị trường chứng khoán Việt Nam, HoSE đã có 8 lần dời lịch vận hành vào những năm 2015, 2017, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023 và mới đây nhất là ngày 2/5/2024.
Không chỉ nhà đầu tư, đại diện nhiều công ty chứng khoán cũng bày tỏ nghi ngại đối với việc áp dụng chính thức hệ thống KRX. "Quá trình kiểm thử vẫn còn nhiều lỗi và không có gì đảm bảo sẽ không xảy ra lỗi nghiệm trọng, thậm chí mất dữ liệu nếu vận hành chính thức" một công ty chứng khoán cho hay. Họ cũng nhấn mạnh rằng đã dành ra nhiều nguồn lực, thời gian trong các đợt kiểm thử hệ thống KRX vừa qua.
Sau hơn 1 thập kỷ triển khai, hệ thống KRX vẫn "nằm trên giấy", với giá trị sử dụng vẫn còn bỏ ngỏ, dẫn tới nhiều băn khoăn của giới đầu tư như hệ thống KRX có áp dụng được không? Sau hơn một thập kỷ, hệ thống này có còn hiện đại, phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai hay không?
Thứ hai, trong trường hợp không áp dụng được hay việc áp dụng có thể dẫn tới nhiều hệ luỵ, có cần sớm tìm kiếm các phương án khác, đặt hàng các nhà cung cấp khác, có thể trong hay ngoài nước?
Thực tế, việc liên tục trì hoãn triển khai KRX đang khiến thị trường chứng khoán Việt Nam rất "mất điểm" trong mắt giới đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ ngoại. Họ cũng không nhận được những thông tin chính thức về "deadline" cụ thể áp dụng KRX, hay các phương án nếu không áp dụng hệ thống này.
Trên thị trường, xuất hiện nhiều thông tin gắn việc áp dụng hệ thống KRX với nâng hạng thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hệ thống giao dịch KRX cũng như các hệ thống công nghệ thông tin khác chỉ mang tính kỹ thuật, còn việc thị trường có được nâng hạng hay không liên quan tới chính sách pháp luật của Nhà nước.
Dù có nhiều khác biệt, song nhìn chung cả hai tổ chức xếp hạng quốc tế lớn là FTSE Russell và MSCI đều chỉ ra những thiếu sót lớn của Việt Nam là ký quỹ trước giao dịch (Prefunding) và giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài (trần "room" ngoại). Cùng với đó là việc công bố thông tin bằng tiếng Anh và minh bạch công bố thông tin.