Như báo điện tử Người Đưa Tin đã đăng tải, chỉ trong đêm 9/12, cơn mưa như trút nước đã biến TP.Đà Nẵng thành "biển hồ", ngập lụt đã xảy ra trên diện rộng ở địa phương này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau vụ việc, có nhiều chuyên gia lên tiếng giải thích hiện tượng này. Như, do lượng mưa quá lớn liên tục, do hệ thống thoát nước quá tải,... cho đến những giải thích "vĩ mô" do quy hoạch đô thị thiếu đi những vùng đệm thoát nước...
Ông Mai Mã, Giám đốc công ty Thoát nước và Xử lý nước thải TP.Đà Nẵng cho biết, toàn thành phố hiện nay có trên 1.500km cống rãnh thoát nước, bao gồm hệ thống đầu thu và hệ thống cống cả mới và cũ (trước năm 1975) kết nối với nhau.
Theo vị này, trong thời gian qua, hệ thống thoát nước thành phố hoạt động tương đối tốt. Tuy nhiên, trận mưa ngày 9/12 vừa qua là quá lớn, kéo dài liên tục, lượng nước thoát không kịp, dẫn đến toàn thành phố bị ngập nặng.
Như vậy, chỉ với "bài test" là cơn mưa lớn đã cho thấy, còn nhiều vấn đề bất cập liên quan đến hệ thống thoát nước của địa phương này.
Phân tích về vấn đề này, lãnh đạo công ty Thoát nước và Xử lý nước thải TP.Đà Nẵng cho rằng, vấn đề nối cộm đầu tiên là rác thải. Rác được người dân thu gom tập trung ở các khu dân cư, các chung cư, nhưng những cơn mưa lớn cũng đã làm lượng rác trôi tràn ra đường, tràn xuống các ống cống, lấp kín nhiều điểm đầu thu của hệ thống cống thoát nước, gây tắc nghẽn nhiều khu vực.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các điểm đầu thu của hệ thống cống thoát nước TP.Đà Nẵng được thiết kế theo mẫu của viện Thiết kế quy hoạch (sở Xây dựng TP.Đà Nẵng). Trước khi có mưa, nhiều điểm cửa thu hệ thống cống thoát nước cũng có rác, nhưng lượng rác nhỏ, không đáng kể và nước vẫn thoát được. Khi mưa lớn, lượng rác đã thu gom tràn ra lấp đầy các miệng cửa thu này.
Ngoài rác thải, hiện nay trên địa bàn TP.Đà Nẵng vẫn còn nhiều vị trí hệ thống cống thoát nước chưa hoàn chỉnh, dở dang. Đơn cử như khu vực hồ Phần Lăng (quận Thanh Khê), tuyến kênh Bắc Sơn... Một số các dự án đang triển khai thì hệ thống thoát nước ngầm chưa khớp nối với các khu dân cư cũ.
Điều này đã được Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng nhắc nhở tại kỳ họp 9 HĐND ngày 17/12 vừa qua. Theo ông Trung, có một thực tế đang diễn ra nhiều năm qua là cứ mùa mưa là đào cống, hố lên sửa chữa, cải tạo rồi bỏ dang dở, gây bức xúc cho dư luận; còn mùa nắng thì lại đi làm thủ tục, hồ sơ giấy tờ để triển khai các dự án này.
Chưa hết, một bất cập nữa là hiện nay, tại TP.Đà Nẵng, tất cả hệ thống thoát nước trên địa bàn đều chung với hệ thống xử lý nước thải. Vì vậy, thường xảy ra tình trạng bốc mùi hôi thối tại các hệ thống cống gần khu dân cư. Để tránh mùi hôi, người dân lại có thói quen dùng miếng đậy bằng vật liệu mềm khác để che chắn cửa thu thoát nước, đây cũng là nguyên nhân gây ngập úng khi có mưa bất chợt.
Nói về những giải pháp xử lý các hạn chế, bất cập trong hệ thống thoát nước, ông Mai Mã cho biết, thông thường qua sự quan sát từ mùa mưa năm trước, sẽ phát hiện những điểm thường xuyên ngập úng. Từ đó đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân vì sao ngập úng, cùng các địa phương kiểm tra, lên phương án các điểm nào cần phải xử lý, đề xuất lên ngành chức năng và chính quyền thành phố có kế hoạch trùng tu, tu bổ, sửa chữa…
“Ngay từ đầu năm, vào mùa khô, công ty đã tập trung xử lý, nạo vét hệ thống cống rãnh thoát nước trên toàn địa bàn thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác thải, gây tác nghẽn hệ thống cống rãnh”, ông Mã nói.
Về lâu dài, công ty Thoát nước và Xử lý nước thải TP.Đà Nẵng đã có nghiên cứu, xây dựng cửa thu ngoài miệng cống thoát nước (si fong). Cửa thu này được thiết kế như một chiếc bể nhỏ, chứa nước, có tấm lưới che rác, nước sẽ có tác dụng ngăn mùi hôi từ miệng cống, khi thu gom nạo vét cống chỉ cần hút sạch bùn rác từ bể nước này là hệ thống cống đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng.
Trên địa bàn TP.Đà Nẵng hiện nay có khoảng trên 30.000 cửa đầu thu hệ thống cống thoát nước, theo dự tính, nếu giải pháp mới này được áp dụng thì kinh phí cần khoảng trên dưới 20 tỷ đồng để triển khai.
“Một phương pháp nữa, công ty đã đề xuất khảo sát trên toàn địa bàn thành phố, để giải phóng phân lưu dòng chảy của hệ thống cống thoát nước. Phương pháp này là dùng biện pháp để can thiệp dòng chảy từ những điểm trũng thấp san bớt lưu lượng nước về vùng không bị ngập úng. Tuy nhiên, đây là biện pháp cần nghiên cứu kỹ tùy theo địa hình của từng khu vực” ông Mã nói thêm.
Ở một diễn biến khác có liên quan, ngày 22/12, công ty Thoát nước và Xử lý nước thải TP.Đà Nẵng tiến hành lắp đặt lưới thu gom rác tại các cửa xả nước mưa ra biển nhằm khắc phục tình trạng rác thải tràn ra các bãi biển khi mưa lớn.
Theo đó, lưới thu gom rác được lắp đặt ở cửa xả Mỹ Khê, Mỹ An… với bề rộng mắt lưới 1cm, bảo đảm thu gom được các loại rác như: Ly nhựa, ống hút, chai nhựa, lá cây nhỏ…, không để các loại rác thải tràn ra các bãi biển, nhất là khi trời mưa lớn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời và trước mắt để ngăn chặn rác thải trôi ra các bãi biển khi trời mưa lớn. Tương lai, chính quyền thành phố biển này sẽ đầu tư máy lược rác tự động tại các cơ cấu tách dòng nước mưa và nước thải (CSO).