Dịp Tết cổ truyền nơi tôi sinh ra và lớn lên khá đặc biệt. Sau mâm cỗ cúng 30 Tết thì tục Hết hương được xem là lễ nghi rất quan trọng, cầu mong tổ tiên phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hòa. Nhưng, thú thật, tôi lại không hề mong đến thời khắc đó…
Hồi xưa, tục Hết hương được ấn định cúng vào chiều mùng 1 Tết. Nhưng, mấy năm gần đây, thời gian tiến hành nghi thức này đã được thay đổi, tùy vào gia chủ. Không biết mọi người thế nào, nhưng riêng tôi, càng mong ngóng đón Giao thừa bao nhiêu thì lại không thích đến chiều mùng 1 bấy nhiêu. Bởi, cứ sau nghi lễ đấy, mọi người lại nói với nhau rằng “Hết hương là hết Tết!”. Nghe câu đó, lòng tôi nao nao, tự nhiên buồn đến lạ!
Sáng mùng 1 Tết này, anh trai tôi nói với cả nhà “Sẽ làm lễ Hết hương vào sáng mùng 3 Tết”. Lòng tôi bỗng dưng vui sướng lắm! Dẫu thêm một vài ngày, nhưng cảm giác Tết ở lại bên mình lâu thật lâu! Nhất là với những đứa con xa quê như tôi, cả năm ngược xuôi mưu sinh nơi “đất khách”, chỉ mong ngóng, háo hức chờ dịp Tết để được trở về quây quần bên gia đình. Đến độ, mấy anh em tôi vẫn đùa nhau rằng: “Về nhà ăn cơm mẹ nấu chan nước mắm vẫn ngon hết thảy”.
Thế nên, tôi càng trân trọng từng giây, từng phút trong những ngày Tết! Dù khoảng thời gian ấy rất ngắn ngủi, nhưng với tôi nó quý giá lắm!
Rồi cái thời khắc mà tôi không mong đợi ấy cũng tới! Sáng mùng 3 Tết, gia đình tôi làm lễ Hết hương. Cả nhà dậy từ sớm, mỗi người một việc tất bật chuẩn bị mâm cỗ cúng. Mọi thứ được bày biện ngay ngắn lên bàn thờ để vào phần làm lễ.
Trước bàn thờ tổ tiên khói nhang nghi ngút, tôi và mọi người trong gia đình đều cầu mong một năm mới thật nhiều sức khỏe, mưa thuận gió hòa, sung túc. Mọi người vui vẻ, hồ hở quây quần bên mâm cỗ, nói chuyện rôm rả, trao nhau những lời chúc ấm áp đầu năm mới. Tự nhiên, cái cảm giác buồn nao nao ấy lại trỗi dậy trong tâm trí tôi. Tôi chỉ ước cái khoảnh khắc ấy trôi qua thật lâu, thật lâu để được ở nhà.
Nhưng, bữa tiệc nào rồi cũng tới lúc tàn! Sau cái thời khắc đùa vui rôm rả ấy, tôi lại phải “đếm ngày” rời xa ngôi nhà thân thương, tràn ngập tiếng cười để trở lại với cuộc sống ồn ã thường nhật. Rồi sau thời gian tất bật, ngược xuôi mưu sinh nơi “đất khách”, tôi lại “đếm” thời gian để được trở về với nơi “Đi xa càng muốn về, khổ đau càng muốn về”!!!
Hà Linh