Giao tranh dữ dội
Các cuộc đụng độ giữa quân Chính phủ Syria và phiến quân ở Idlib đã gia tăng đáng kể sau chuyến thăm Syria của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào đầu tháng 9 vừa qua, đánh dấu bước ngoặt đối với thỏa thuận ngừng bắn Nga-Thổ Nhĩ Kỳ tại thành trì cuối cùng của phiến quân.
Lực lượng Chính phủ Syria và chiến đấu cơ Nga đã tăng cường tấn công Hayat Tahrir al-Sham (HTS) và các nhóm thánh chiến khác trong và xung quanh tỉnh Idlib. Trong hai tuần qua, khu vực núi Zawiyah nằm giữa Idlib và Hama, vùng đồng bằng Gap ở phía tây nam Idlib và vùng nông thôn Latakia đã chứng kiến những đợt oanh tạc nặng nề chưa từng có kể từ sau thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian hôm 5/3.
Đáp lại, HTS và các nhóm thánh chiến đang cố gắng ngăn chặn bước tiến của quân đội Syria bằng các cuộc tấn công nhằm vào Saraqib và Kafr Nabl, dọc theo đường cao tốc M5 nối liền phía Bắc và phía Nam đất nước.
Trong khi đó, các nhóm thánh chiến nước ngoài triển khai ở Jabal Akrad đang gia tăng các cuộc tấn công ở vùng nông thôn Latakia. Sự leo thang đã chuyển sang một bước ngoặt nguy hiểm sau khi Trung tâm Hòa giải Nga tại căn cứ không quân Khmeimim cáo buộc HTS thực hiện âm mưu sử dụng vũ khí hóa học.
Đến lượt mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường triển khai quân sự tới khu vực giảm leo thang Idlib, vốn được thiết lập như một phần của thỏa thuận ngày 5/3. Số lượng phương tiện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ được điều động tới khu vực này đã vượt quá con số 9.750 trong vòng 7 tháng qua.
Trong khi đó, Chính phủ Syria đã củng cố các vị trí ở Nam Idlib và Tây Aleppo bằng cách điều động quân đội đến Đông và Nam Idlib từ Deir ez-Zor. Sự kiên nhẫn của Damascus với Idlib ngày càng suy yếu khi giờ đây họ muốn tập trung lực lượng vào Đông Euphrates, nơi quân Mỹ được triển khai cùng với lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd.
Các cuộc đụng độ nói trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy hoạt động đàm phán giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang gặp khó khăn. Trong vòng đàm phán cuối cùng vào ngày 16/9 tại Ankara, Nga được cho là đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ giải tán các trạm kiểm soát trong các khu vực do Chính phủ Syria kiểm soát ở Idlib, đồng thời giảm quân số, rút vũ khí hạng nặng và loại bỏ các phiến quân vũ trang khỏi đường cao tốc M4.
Nhằm chống lại sức ép của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu quân Chính phủ Syria và các nhóm người Kurd giao lại quyền kiểm soát Manbij và Tel Rifaat cho lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và loại bỏ Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là đối thủ. Tuy nhiên, cả hai bên đều từ chối chấp nhận yêu cầu của nhau.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết giữ vững lập trường ở Syria cũng đã định hình lại các tính toán quân sự trên thực địa. Thông báo cho các nhóm đối lập Syria về nội dung cuộc họp với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo về khả năng xảy ra một trận chiến mới ở Idlib.
Nga gây sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ
Những khó khăn do lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra - làm cản trở các cuộc đàm phán chính trị và quá trình tái thiết - đã làm dấy lên lo ngại của Damascus và Moscow về việc sự chia cắt lãnh thổ ba bên của Syria có thể trở thành vĩnh viễn. Dù cả hai bên đều muốn phá vỡ thế bế tắc ở Idlib, nhưng Damascus đang gặp rắc rối với kế hoạch tiến quá chậm của Moscow.
Trong chuyến thăm Damascus ngày 7/9, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh sự cần thiết của việc loại bỏ tất cả các trở ngại đối với tiến trình chính trị, khi ông giới thiệu một gói viện trợ kinh tế mới có ý nghĩa quan trọng đối với việc tái thiết ở Syria.
Cho đến nay, các cuộc tuần tra chung Thổ Nhĩ Kỳ-Nga trên đường cao tốc M4 đã không đạt được bất cứ điều gì ngoài việc kéo dài thời gian.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ không thể mở lại đường cao tốc M5 như yêu cầu trong thỏa thuận Sochi giữa Ankara và Moscow, quân Chính phủ Syria đã vào cuộc và giành quyền kiểm soát con đường thông qua một chiến dịch quân sự vào tháng 6/2019.
Sự leo thang gần đây ở mặt trận Idlib đang phả hơi nóng vào Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách ám chỉ về một chiến dịch quân sự tương tự cho đường cao tốc M4.
Các cuộc bắn phá gần đây cho thấy, Damascus có thể đang lên kế hoạch giành quyền kiểm soát đường cao tốc thông qua việc chiếm núi Zawiyah và đồng bằng Gap. Trong khi đó, Jisr al-Shughour, thành trì của các nhóm thánh chiến ở Idlib, được coi là điểm thử thách nhất trên đường đến đường cao tốc M4.
Bên cạnh nguy cơ gây ra căng thẳng mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, một trận chiến như vậy cũng sẽ khiến các nhóm thánh chiến vũ trang mắc kẹt trong một ranh giới hẹp giữa thành phố Idlib và biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Lo lắng về một vòng leo thang mới với Thổ Nhĩ Kỳ, Moscow tiếp tục phối hợp với Ankara. Các phái đoàn dự kiến sẽ gặp nhau cho một vòng đàm phán mới sau cuộc tuần tra chung Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trên đường cao tốc M4 vào ngày 21/9, nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp trong các trường hợp khẩn cấp.
Tóm lại, mặc dù kế hoạch của Ankara là duy trì hiện trạng ở Idlib thông qua hoạt động răn đe quân sự, nhưng khả năng leo thang hơn nữa ở Idlib dường như có thể xảy ra.
Nga đang kéo Thổ Nhĩ Kỳ đến một bước ngoặt mới vào thời điểm mà Ankara đang bận rộn với chính sách ở Libya và khốn đốn vì nền kinh tế suy yếu.