Theo đó, tính đến hết quý II/2023 (đến hết ngày 30/6/2023), số dư Quỹ BOG còn 7.424,7 tỷ đồng. Cụ thể, số dư Quỹ BOG đến hết ngày 31/3/2023 còn 5.640,34 tỷ đồng; tổng số trích Quỹ BOG trong quý II năm 2023 (từ ngày 1/4/2023 đến hết ngày 30/6/2023) là 1.779,2 tỷ đồng. Tổng số sử dụng Quỹ BOG trong quý II năm 2023 (từ ngày 1/4/2023 đến hết ngày 30/6/2023) là 5,91 tỷ đồng; lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong quý II năm 2023 là 3,23 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm trong quý II năm 2023 là 2,09 tỷ đồng.
Do số dư Quỹ BOG tăng gần 1,8 lần so với số dư vào cuối năm ngoái (4.600 tỷ) và là mức cao nhất từ quý I/2021, nhà điều hành đã dừng trích lập vào quỹ này với các mặt hàng xăng, dầu từ đầu tháng 7 đến nay. Việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở. Đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước.
Trong vòng 2 tháng lại đây, giá xăng dầu tăng 6 lần liên tiếp, trong đó RON 95 sắp chạm ngưỡng 25.000 đồng/lít, trong khi Quỹ Bình ổn xăng dầu dư hơn 7.400 tỷ đồng (tính đến hết quý 2) nhưng số chi Quỹ bình ổn giá lại khá nhỏ.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/9, quỹ bình ổn đã được "xả" trở lại với mặt hàng xăng sau 7 tháng không chi.
Theo công bố của Bộ Công Thương, ngoại trừ giá xăng và dầu mazut 180CST 3.5S được giữ nguyên, các mặt hàng dầu đều tăng giá. Trong đó, dầu diesel 0.05S tăng thêm 410 đồng/lít và dầu hỏa tăng 374 đồng/lít.
Trong kỳ điều hành này, cơ quan quản lý không trích lập với tất cả các mặt hàng xăng dầu nhưng có điều chỉnh trong việc chi sử dụng quỹ. Cụ thể, không chi với dầu diesel và dầu hỏa nhưng chi quỹ với xăng và dầu mazut. Tuy nhiên, mức chi sử dụng quỹ bình ổn với xăng E5RON92 chỉ 22 đồng/lít và xăng RON95 là 14 đồng/lít.
Trong khi đó, các mặt hàng dầu (gồm dầu hỏa và dầu diesel) tiếp tục tăng nhưng nhà điều hành không xả quỹ trong bốn kỳ liên tiếp gần đây. Nếu tính từ đầu năm đến nay, quỹ bình ổn chỉ "xả" ra một lần duy nhất vào ngày 1-8 ở mức 300 - 400 đồng/lít. Với mặt hàng dầu mazut, dù kỳ này có xả quỹ với 27 đồng, nâng tổng số tiền được chi trong bốn lần "xả" quỹ từ đầu năm đến nay lên 577 đồng/lít.
Theo Bộ Công Thương, việc hạn chế trích quỹ bình ổn do lo ngại giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới, sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung, chưa kể việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) tiếp tục thắt chặt thị trường trong mùa đông...
T.M