Trẻ con thích Tết nhưng không phải chỉ có trẻ con sợ hết Tết. Người lớn than thở sợ Tết, ấy thế nhưng chính họ lại là những người sợ hết Tết nhất.
Đối với trẻ nhỏ, Tết là những bộ quần áo mới, là mùi hương thơm thoảng thoảng quen thuộc, là những phong bao lì xì, là những ánh đèn nhấp nháy trên cây quất, cành đào. Với trẻ nhỏ, Tết là những ngày vui, không phải học, được ngủ muộn. Với trẻ nhỏ, Tết là những ngày được mong đợi nhất trong năm. Người lớn thì lại ngại tết. Với người lớn, Tết là những lo toan, là tiền nong, là đong đếm. Tết của người lớn là những trách nhiệm, là tính toán thiệt hơn, nó thực dụng và cả vất vả.
Nhưng ai cũng cần có Tết, bởi Tết là khoảng lặng cần thiết sau cả một năm dài vật lộn với cuộc đời. Tết là khoảng thời gian để mỗi người sống chậm hơn, nhìn lại những gì đã trải qua trong suốt một năm, để tự thấy những gì mình đã làm được và chưa làm được.
Tết là những ngày được vui vầy, quây quần bên mâm cơm với đủ đầy gia đình, người thân. Tết là những ngày được lười biếng, được tự cho phép bản thân có những đặc quyền. Tết là những ngày không phải làm bạn với máy tính, với điện thoại, là những ngày ta mong mỏi cảm nhận những âm thanh chân thật, những xúc cảm mà ngày bình thường ta vội vã bỏ qua. Vậy nhưng, ngoảnh đi ngoảnh lại, Tết qua đi nhanh đến nỗi ta chẳng kịp tiếc nuối.
Tết qua đi, ta trở lại với guồng quay của công việc, của bộn bề lo toan, sẽ có những nỗi lo về tương lai phía trước, những dự định chưa hoàn thành và những nỗi buồn vì những ngày yên bình đã hết. Vì thế, ngày Tết, thực ra chẳng cần cỗ tiệc linh đình, chẳng cần những lời chúc tụng. Ngày Tết, chỉ cần được nghe tiếng con trẻ nô đùa, nghe tiếng thì thầm trò chuyện của mẹ, ngửi mùi khói thuốc của bố cũng đủ thấy lòng dịu lại, cũng đủ biết ta vẫn còn một chốn để trở về.
Hải Quân