Tết là dịp mọi người được nghỉ ngơi thư giãn thoải mái sau một năm làm việc vất vả cũng như nạp thêm năng lượng cho năm mới. Sau thời gian dài nghỉ tết, mọi công việc đều trở lại quỹ đạo vốn có của nó. Trẻ em đi học, người lớn đi làm. Thế nhưng hiệu suất công việc sau mấy ngày tết dường như lại giống với mấy ngày trước tết: uể oải, lờ đờ, mất tập trung. Bởi nhiều người thường vin vào cớ “Tháng giêng là tháng ăn chơi…”. Sao phải làm vội?
Nói về sự lười biếng, ham chơi của người lao động xưa, nhân dân ta có lưu truyền bài ca dao:
“Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè
Thang Tư là tháng lè phè
Tháng Năm, tháng Sáu hội hè vui chơi
Tháng Bảy là tháng nghỉ ngơi
Tháng Tám, tháng Chín xả hơi bạn bè
Tháng Mười, Mười Một xôi chè
Tháng Chạp cá chép, cá mè vớt lên
Ông Táo về trển mình ên
Ra Giêng ta lại rập rềnh vui chơi”
Thực ra, bài ca dao mười hai tháng có rất nhiều dị bản và đây cũng là một trong số đó:
Tháng giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.
Tháng tư đong đậu nấu chè,
Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm.
Tháng sáu buôn nhãn bán trâm,
Tháng bảy ngày rằm Xá tội vong nhân.
Tháng tám chơi đèn kéo quân,
Trở về tháng chín chung chân buôn hồng.
Tháng mười buôn thóc bán bông,
Tháng một, tháng chạp nên công hoàn toàn.
Như vậy có thể thấy, ở bản thứ hai, công việc của người dân xưa được phân chia cụ thể từng tháng làm gì, có lễ hội nào chứ không đơn thuần chỉ có ăn uống, nhậu nhẹt bù khú như bản thứ nhất. Mặc dù công việc cả năm có khác nhau nhưng ở hai bản này và một số bản khác nữa vẫn có một điểm chung:
“Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè/rượu chè”.
Nguồn gốc của câu ca dao này xuất phát từ đặc điểm của ngành nông nghiệp. Ngày xưa, đại bộ phận người dân làm nghề nông, tính chất của nghề này lại chỉ theo thời vụ nên khi đến mùa vụ, người nông dân phải làm việc quần quật, nhưng khi hết vụ lại chẳng có việc gì.
Bên cạnh việc mang hàm ý chế giễu, phê phán thói ham chơi, lười biếng, bài ca dao cũng đã giải thích được một khía cạnh tâm lý của người nông dân. Theo Phó giáo sư Trần Ngọc Thêm nhận xét trong cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, đó là tâm lý “ăn bù, chơi bù” thay cho những lúc đầu tắt mặt tối.
Chưa hết, “tháng Giêng là tháng ăn chơi” còn bởi so với những tháng còn lại trong năm, tháng giêng có nhiều lễ hội nhất. Chỉ tính riêng miền Bắc đã có hội gò Đống Đa, lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử, hội Bà Chúa Kho, hội Lim, hội Gióng, hội chùa Thầy, hội chọi trâu, ,… Và quan trọng nhất vẫn là “lễ cả năm không bằng ngày rằm tháng giêng” hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu.
Thế nhưng, ngày nay, cơ cấu nghề nghiệp nước ta đang có nhiều thay đổi nghiêng về phía các ngành công nghiệp, dịch vụ nên số lượng công nhân viên chức đang dần tăng lên, người làm nông nghiệp ít dần. Vì thế, không thể lấy lý do đã giải thích ở trên, kèm thêm việc “bận” đi lễ bái đầu năm để cầu tài lộc mà bỏ bê công việc chính.
Đến công sở những ngày đầu năm mới, tình trạng các phòng ban vắng hoe bởi các cán bộ bận đi chúc tết, đi lễ chùa hay nếu có ai trực thì cũng chỉ uể oải có mặt điểm danh chứ không tập trung làm việc luôn là thực trạng khiến nhiều cơ quan đau đầu. Nhưng dường như với nhiều người, điều đó “đã thành thông lệ”, không làm lại thấy “thiếu thiếu”.
Vậy nên, ngay từ cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quán triệt kế hoạch năm 2017 từ những ngày đầu, tháng đầu là phải bắt tay vào việc, không để tình trạng “Tháng giêng là tháng ăn chơi”.
Để trả lời cho câu hỏi “Hết tết thì làm gì?”, thay vì lựa chọn chơi thêm chút nữa, nghỉ thêm vài ngày nữa thì hy vọng nhiều người sẽ trả lời: “Hết tết thì bắt tay vào làm việc nghiêm túc thôi”.
Mong rằng, năm mới, với sự quyết liệt thay đổi để phát triển hơn, đạt được nhiều thành tựu hơn năm trước, người dân Việt sẽ tập trung vào công việc, nỗ lực, cố gắng ngay từ những ngày đầu, để mùa xuân thực sự đẹp và mang ý nghĩa vốn có của nó.
Thảo Nguyên
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả