Hi hữu: Đang tham gia bào chữa, luật sư bất ngờ bị xóa tên

Hi hữu: Đang tham gia bào chữa, luật sư bất ngờ bị xóa tên

Phạm Thị Phương Quế

Phạm Thị Phương Quế

Thứ 2, 19/03/2018 11:00

Trong thời gian bào chữa cho các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Navibank, luật sư Phạm Công Út (Giám đốc công ty Luật TNHH MTV Phạm Nghiêm, thuộc đoàn Luật sư TP.HCM) nhận được quyết định kỷ luật với hình thức xóa tên khỏi danh sách của đoàn Luật sư TP.HCM. Vấn đề đặt ra là ông này còn được phép tham gia tố tụng trong phiên tòa trên?

Luật sư bị tố không trả tiền khách hàng

Chiều 12/3, đoàn Luật sư TP.HCM ra quyết định xử lý kỷ luật với luật sư Phạm Công Út với hình thức kỷ luật xóa tên khỏi danh sách luật sư đoàn Luật sư TP.HCM. Theo nội dung quyết định của ban Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP.HCM về việc kỷ luật, ông Phạm Công Út ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng nhận ngay 1 tỷ đồng và sẽ nhận 30% giá trị tài sản thu hồi được nhưng không có khả năng thực hiện hợp đồng, không hoàn trả tiền cho khách hàng.

Hi hữu: Đang tham gia bào chữa, luật sư bất ngờ bị xóa tên

Ông Phạm Công Út.

Khách hàng yêu cầu thanh lý hợp đồng, ông Út chỉ chuyển trả 200 triệu đồng. Đến khi khách hàng khiếu nại, ông Út lại cho rằng số tiền 200 triệu đồng là cho khách hàng mượn, sẽ đòi lại và yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng. Trong quá trình hòa giải, ông Út không thừa nhận sai phạm, chỉ trả thêm 300 triệu đồng và đặt điều kiện là khách hàng phải rút đơn khiếu nại, nếu không ông sẽ kiện đòi lại tiền. Tuy nhiên, khách hàng không đồng ý, vẫn yêu cầu ông Út trả phần còn lại.

Theo quyết định của ban Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP.HCM, hành vi trên của ông Út đã vi phạm các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Ông Út có quyền khiếu nại đến ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định này.

Điều đáng nói, ông Út nhận quyết định bị xóa tên khi đang bào chữa cho các bị cáo nguyên là cán bộ Navibank trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đang được TAND TP.HCM xét xử nhiều ngày qua.

Vẫn được làm người bào chữa trước tòa?

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về những vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc, ông Lương Quang Tuấn - nguyên là kiểm sát viên vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự - xã hội thuộc VKSND Tối cao cho hay, về nguyên tắc khi luật sư Phạm Công Út đang tham gia phiên tòa với tư cách là người bào chữa cho các bị cáo nhưng có tên trong danh sách bị xóa tên khỏi đoàn Luật sư TP.HCM thì thẩm phán điều hành phiên tòa đó phải dừng phiên tòa, bởi khi đó ông Út không còn tư cách luật sư bào chữa.

Hi hữu: Đang tham gia bào chữa, luật sư bất ngờ bị xóa tên (Hình 2).

Nguyên kiểm sát viên Lương Quang Tuấn và luật sư Nghiêm Quang Vinh.

Ông Tuấn phân tích các trường hợp có thể xảy ra. Trường hợp thứ nhất, bị cáo vẫn có yêu cầu cần luật sư bào chữa thì có quyền mời luật sư bào chữa khác hoặc đoàn Luật sư TP.HCM phải bổ sung luật sư bào chữa khác (trong trường hợp luật sư chỉ định).Trường hợp thứ hai, nếu bị cáo vẫn muốn mời người đang bào chữa cho mình trước đó (ví dụ cụ thể như vẫn muốn mời ông Phạm Công Út tiếp tục bào chữa cho mình) thì theo quy định của pháp luật, cụ thể tại Điều 16, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, để bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thì: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”.

Người bào chữa theo quy định tại Điều 72 Bộ luật này là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.Người bào chữa có thể là: Luật sư; người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân (là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lý, đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình); trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Nhận định về vụ việc trên, luật sư Nghiêm Quang Vinh - Giám đốc công ty Luật TNHH Nghiêm Quang, đoàn Luật sư Hà Nội cho hay: Dù không còn tư cách luật sư, ông Phạm Công Út vẫn có thể bào chữa với tư cách là người đại diện của người bị buộc tội. Điều này được quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 72, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Tuy nhiên, nếu muốn bào chữa với tư cách này, ông phải làm thủ tục lại tại tòa và quyền của ông Út khi đó hạn chế hơn với tư cách của luật sư.

Việc đoàn Luật sư TP.HCM ra quyết định kỷ luật với ông Phạm Công Út, nếu ông này có khiếu nại thì làm đơn gửi liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Đánh giá về quyết định kỷ luật của đồng nghiệp, luật sư Nghiêm Quang Vinh cho hay: “Với tư cách của một luật sư, việc ông Út vi phạm quy tắc nghề nghiệp dẫn đến tranh chấp không đáng có đã ảnh hưởng đến uy tín, công việc của chính ông. Trong mọi trường hợp, đã là người bảo vệ công lý, lỗi rơi vào luật sư bởi đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Khi luật sư và khách hàng có những thỏa thuận pháp lý với nhau bằng văn bản thì luật sư phải chấp hành đúng”.

Tư Viễn - Việt Hương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.