Theo thông tin từ bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ngày 17/7, bệnh viện đã mổ lấy thai một trường hợp rất hiếm gặp khi trẻ sơ sinh sinh ra có 4 vòng dây rốn quấn cổ siết chặt.
Theo đó, đây là lần mang thai thứ 2 của một sản phụ 29 tuổi.
Ngay sau khi được đưa tới cấp cứu, các bác sĩ tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã đưa sản phụ vào phòng sinh để kiểm tra và theo dõi.
Cũng theo thông tin từ phía bệnh viện, qua kiểm tra tình trạng thai nhi và cổ tử cung, các bác sĩ khuyên bệnh nhân đẻ thường vì khung chậu tốt, ngôi thai thuận lợi, cổ tử cung đã mở 5cm, con ước khoảng 3kg. Tuy nhiên, thai phụ và gia đình nhất quyết xin mổ với lý do lần đầu đẻ khó khăn phải chuyển mổ.
Sau thời gian ngắn trong phòng mổ, các y bác sĩ tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã mổ bắt con thành công, chào đón bé trai nặng 3,1kg trong niềm vui mừng của cả gia đình. Và 4 vòng dây rốn quấn cổ siết chặt chính là điểm đặc biệt của bé trai này.
Ngày 18/7, bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cũng đã thực hiện thành công ca sinh của sản phụ 32 tuổi khi con chào đời cũng có 4 vòng dây rốn quấn cổ. Trước đó, khi đi siêu âm, thai nhi chỉ có 1 vòng dây rốn quấn cổ.
Trao đổi với phóng viên, TS.BS Bùi Chí Thương, Giảng viên đại học Y Dược học TP.HCM, công tác tại bệnh viện Từ Dũ cũng nhận định đây là trường hợp hiếm gặp.
Theo đó, sản phụ này cũng mang thai lần 2. Ngày 17/7, sản phụ được đưa vào viện để sinh thường.
Chuyện hi hữu đã xảy ra khi bé gái ra đời nặng 3,6kg có tới 4 vòng dây quấn cổ. Đo chiều dài dây rốn dài tới 110cm.
Chia sẻ về ca sinh khá hi hữu này, bác sĩ Thương cho biết: “Trong sự nghiệp của mình, tôi chưa bao giờ thấy dây rốn nào dài như thế".
Theo bác sĩ Thương, thai nhi dây rốn cuốn 4 vòng là trường hợp khá hiếm, nhất là lại sinh thường. Thông thường, những trường hợp này chắc sẽ lựa chọn đẻ mổ vì sợ chèn ép dây rốn do siết chặt.
Hiện nay, có rất nhiều quan niệm sai lầm về dây rốn quấn cổ. Hễ con bị dây rốn quấn cổ là bố mẹ lo lắng mất ăn, mất ngủ hoặc gia đình lo sợ tai biến nên thường đề nghị sinh mổ, làm gia tăng tỉ lệ sinh mổ.
“Ngày xưa, có rất nhiều trường hợp em bé bị dây rốn quấn cổ sinh ra vẫn khỏe mạnh. Thời đó, ít ai biết mổ lấy thai. Hiện nay, khoa học hiện đại ra đời máy siêu âm giúp phát hiện ra dây quấn cổ. Tuy nhiên, khi phát hiện thai nhi có tình trạng như thế, thai phụ lại không được giải thích cặn kẽ nên thường có tâm lý lo sợ. Khi có dây rốn quấn cổ lại tưởng tượng ra con đang bị siết không thở được nên thường vội vàng chọn sinh mổ”, bác sĩ Thương nói.
Bác sĩ Thương khuyến cáo, không phải trường hợp nào dây rốn quấn cổ cũng cần phải sinh mổ. Và không phải bé nào bị dây rốn quấn cổ cũng bị suy tim, suy hô hấp. Dù có rau thai quấn cổ hay không, khi sinh thường vẫn cần phải theo dõi cử động của thai nhi. Trong trường hợp tim thai suy sẽ biểu hiện trên máy và bác sĩ sẽ phải chỉ định mổ đẻ.
“Sinh mổ chủ động sẽ không tốt cho em bé, vì ra đời sớm sẽ chậm hấp thu dịch phổi, dễ bị suy hô hấp hơn đứa trẻ sinh thường”, bác sĩ Thương nói.
Nguyễn Huệ