BS. Đỗ Thị Ngọc Linh, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, khoa vừa tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân 32 tuổi bị khỉ nuôi cắn. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh táo, trên cánh tay trái bị giập nát, tổn thương nghiêm trọng dài 15cm.
Sau cầm máu, bác sĩ đã tìm, nối các nhánh thần kinh và cơ vùng cánh tay bị đứt; sử dụng kính hiển vi để nối các bó sợi thần kinh rất nhỏ.
Hiện tại, nữ bệnh nhân được tư vấn tiêm phòng dại tại trung tâm y tế dự phòng. Vết thương vùng tay đã khô, bệnh nhân được ra viện và khám lại theo lịch hẹn của bác sĩ để đánh giá khả năng phục hồi của thần kinh (thần kinh trụ, thần kinh giữa, thần kinh bì cẳng tay trong bên trái…).
Tuy nhiên, BS. Linh cho biết, khả năng phục hồi cánh tay của bệnh nhân không khả quan vì tổn thương cao, tốc độ phục hồi thần kinh chậm và bệnh nhân có khả năng giảm chức năng của cẳng và bàn tay trái. Chức năng vận động của cẳng tay và bàn tay sẽ không thể trở lại như bình thường.
Theo thông tin bệnh nhân cho biết, chị sang nhà hàng xóm chơi. Khi đứng xem ở chuồng khỉ, chị đưa tay vào trong trêu chọc. Bất ngờ, khỉ túm lấy tay chị rồi cắn. Khi chủ nhà chạy ra can ngăn, con khỉ mới dừng lại thì tay bệnh nhân đã đầy máu.
Các chuyên gia cho biết, khỉ là một trong những động vật có khả năng truyền bệnh dại như chó, mèo. Vì vậy, việc xử trí khi bị khỉ cắn cũng tương tự như khi bị chó cắn. Trường hợp bị khỉ tự nhiên trở nên điên cuồng, hung dữ đột ngột cắn thì cần đi tiêm phòng dại ngay. Sau 10 ngày nếu con vật còn sống thì ngừng tiêm, nếu con vật chết khi đó tiếp tục tiêm phòng các liều tiếp theo. Nếu khỉ cắn do trêu trọc, thì cần theo dõi tiếp trong vòng 10 ngày. Nếu sau 10 ngày mà con vật không chết thì không cần phải tiêm phòng.
Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết đây là lần đầu tiên tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhân bị khỉ cắn.
Phong Linh (tổng hợp)