Theo nguồn tin từ báo Sức khỏe & Đời sống, các bác sĩ khoa Ngoại thận - Tiết niệu, bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị Phương L., sinh năm 1985, ở xã Tuân Lộ - Sơn Dương - Tuyên Quang vào viện với chẩn đoán dụng cụ tránh thai trong bàng quang.
Nữ bệnh nhân L. cho biết, bệnh nhân đặt dụng cụ tránh thai cách đây 8 năm, gần đây, bệnh nhân đái buốt, đái dắt. Sau khi vào khoa Ngoại thận - Tiết niệu thăm khám làm các xét nghiệm cận lâm sàng: Siêu âm, X-quang, các bác sĩ đã phát hiện thấy vòng tránh thai trong bàng quang bệnh nhân.
Sau đó, bệnh nhân được chỉ định nội soi bàng quang gắp vòng “đi lạc”.
Vòng tránh thai “đi lạc” trong bàng quang của bệnh nhân L. là một biến chứng hiếm gặp và nguy hiểm nhưng đã được các bác sĩ bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang xử trí kịp thời.
Trao đổi trên báo Thanh niên, các bác sĩ điều trị cho biết, vòng tránh thai đi lạc không phải do đặt nhầm mà do chiếc vòng trong quá trình nhiều năm đã ăn sâu vào cơ tử cung chui qua cơ tử cung vào ổ bụng, rồi từ ổ bụng có thể chui vào ruột hoặc bàng quang hoặc nằm tự do trong ổ bụng. Cũng có trường hợp chỉ 2 - 3 năm đã lạc chỗ, do đó, phụ nữ cần đi khám định kỳ.
Dụng cụ tử cung (vòng tránh thai) là phương pháp tránh thai tạm thời có ưu điểm tính hiệu quả cao, dễ tháo, tiết kiệm, sử dụng trong thời gian dài 5 năm nhưng có thể gây một số biến chứng như rong kinh, đau bụng… Trong đó, có biến chứng vòng tránh thai lạc chỗ trong ổ bụng là biến chứng nguy hiểm, dù đây là biến chứng ít gặp.
Theo các chuyên gia về sản phụ khoa, phụ nữ đặt vòng tránh thai nên đi kiểm tra định kỳ tại cơ sở y tế để được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, vệ sinh để tránh viêm nhiễm cũng như phát hiện sớm vòng lạc chỗ.
Khi vòng tránh thai "đi lạc" vào ổ bụng, tùy vào vị trí mà dụng cụ này có thể gây các sự cố khác nhau như gây thủng ruột, dẫn đến viêm phúc mạc có thể gây nhiễm trùng huyết, nguy hiểm cho sức khỏe.
Mộc Trà (tổng hợp)