Công bố ở bến Đông Bộ Đầu?
Các bộ chính sử của ta còn giữ được đến ngày nay không ghi chi tiết việc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn công bố Hịch tướng sỹ ở đâu và khi nào. Tuy nhiên, dựa vào dã sử và các văn bia còn lại ở Hà Nội, chúng ta có thể đưa ra những đoán định về mặt thời gian cũng như địa điểm mà tác phẩm văn chương yêu nước bất hủ này được công bố. Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi tìm về đền Sơn Hải nằm sâu trong những ngõ nhỏ trên phố Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đền sừng sững nhìn ra sông Hồng với vẻ uy nghiêm, trầm mặc. Ông Trần Văn Hai, thủ từ đền Sơn Hải cho biết: "Đền Sơn Hải có tên chữ là Sơn Hải linh từ (gọi nôm là đền Cửa Sông), tọa lạc tại bến Chương Dương. Đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các danh tướng của ông. Đền do 6 làng vạn chài xung quanh đó tạo dựng vào năm 1785, tại địa danh lúc ấy là Vạn An xứ hoàng, thôn Đông Bộ Đầu, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương (ngày nay thuộc khu vực phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Cổng đền Sơn Hải hiện có bức tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn uy dũng chỉ tay trông về hướng sông Hồng.
Khoảng cuối thế kỷ XIX thì sáu làng vạn chài này hợp lại thành một thôn có tên là Cơ Xá, sau đó, tổng đổi thành Tả Túc. Đời nối đời, dân vùng sông nước Đông Bộ Đầu vẫn thờ cúng trang nghiêm để tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của Ngài (tức chỉ Trần Quốc Tuấn). Bởi ở đây, vào ngày 21 tháng 1 năm 1258 - cuộc xâm lược của quân Mông Cổ vào Đại Việt lần thứ nhất - đã diễn ra trận chiến đấu quyết liệt do Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, vua Trần Thái Tông và Thái tử Hoảng trực tiếp chỉ huy. Họ đã đánh tan quân Nguyên - Mông, giải phóng kinh thành Thăng Long. Tháng 8 năm 1284, tức là thời điểm quân Mông Cổ, lúc đó đã lập ra nhà Nguyên vào xâm lược Đại Việt lần thứ hai, Hưng Đạo Vương đã tổ chức tập trận tại bến Đông Bộ Đầu và công bố Hịch tướng sỹ để khích lệ quân dân ta.
Như vậy, theo ghi chép lưu giữ tại đền Sơn Hải thì Hịch tướng sỹ được công bố vào tháng 8 năm 1284 tại bến Đông Bộ Đầu, trong hoàn cảnh khi Hưng Đạo Đại Vương điểm binh tại đây. So sự kiện được ghi chép trong chính sử, ta thấy khá trùng khớp. Đại Việt Sử ký toàn thư chép: "Mùa thu, tháng 8 (1284) Hưng Đạo Vương điều các quân của vương hầu, duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu, chia các quân đóng giữ Bình Than và những nơi xung yếu khác". Mặc dù chưa có căn cứ chính xác khẳng định Đông Bộ Đầu là nơi Hưng Đạo Vương công bố Hịch tướng sỹ nhưng xét hoàn cảnh lúc đó, chúng ta có thể thấy khá phù hợp. Bởi lẽ, xâm chiếm Đại Việt lần hai, quân Nguyên - Mông đưa xuống gần 50 vạn quân, khí thế ngút trời trong khi lúc bấy giờ, điểm binh, quân ta chỉ có khoảng 20 vạn. Điều quan trọng là lúc đó, quân Nguyên - Mông tiến xuống Thăng Long với vận tốc nhanh chóng mặt, gần như có thể phá vỡ mọi trận địa của chúng ta, khiến lòng quân rất nao núng. Có thể thấy, trong suốt ba cuộc xâm lăng của quân Nguyên - Mông thì cuộc chiến lần hai là cam go, căng thẳng nhất. Trong hoàn cảnh như vậy, đức Hưng Đạo Vương công bố Hịch tướng sỹ và Binh thư yếu lược (sách dạy các tướng cách đánh giặc Nguyên) cũng là điều hợp lý, nhất là trong bối cảnh duyệt binh trang nghiêm như vậy.
Ông Trần Văn Hai: Đây là nơi duy nhất ở Hà Nội thờ hoàng tộc nhà Trần.
Bến Đông Bộ Đầu nay ở đâu?
Ngôi đền thờ hoàng tộc nhà Trần duy nhất tại Hà Nội Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Trần Văn Hai, thủ từ đền Sơn Hải cho biết: "Ở Hà Nội hiện nay, đây là nơi duy nhất thờ hoàng tộc nhà Trần cũng như đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và các bộ tướng của Ngài. Được dựng trên nền đất cũ là bến Đông Bộ Đầu khi xưa, ngôi đền trở thành địa điểm văn hóa tâm linh quan trọng để con cháu họ Trần, kể cả những vị lãnh đạo về đây làm lễ hàng năm". |
Như vậy là chúng ta đã có thể xác định được thời gian và địa điểm công bố Hịch tướng sỹ là tại bến Đông Bộ Đầu vào tháng 8 năm 1284. Tuy nhiên, ngày nay bến sông này nằm ở vị trí nào thì vẫn là một đề tài gây nhiều tranh cãi. Thực ra trong chính sử, bến Đông Bộ Đầu là một địa điểm được nhắc đến nhiều lần ở giai đoạn thời Lý, Trần, Lê. Nó không chỉ là một bến sông mà còn mang tính chiến lược về quân sự trên sông Hồng. Đây là con sông án ngữ, trước khi vào kinh kỳ xưa, là nơi đã diễn ra nhiều trận quyết chiến của quân dân ta chống xâm lược Nguyên, Minh... Trước đây, nhiều nhà sử học đã xác nhận, vị trí Đông Bộ Đầu thuộc huyện Thượng Phúc (nay là huyện Thường Tín) tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) với lý do là ven sông Hồng thuộc huyện đó còn một xã tên là Bộ Đầu.
Tuy nhiên, cố GS. Trần Quốc Vượng (nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng) khi tìm hiểu về vấn đề này đã có một phát hiện quan trọng. Theo văn bia thời Lê Trung Hưng ở chùa Hòe Nhai (nay thuộc phố Hàng Than, Hà Nội) có ghi rất rõ ràng. Văn bia đề ngày 21 tháng Chạp năm 24 hiệu Chính Hoà triều Lê (1703 - đời Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn) do Hà Tông Mục (người Thiên Lộc, nay là Can Lộc, Hà Tĩnh) đỗ tiến sỹ khoa Mậu Thìn (1688) soạn, nhân dịp làm lại chùa Hồng Phúc. Văn bia có đoạn: "Phường Hòe Nhai ở bến Đông Bộ Đầu của thành Thăng Long nước Đại Việt có ngôi chùa tên là Hồng Phúc, lấy Lô giang (sông Hồng) làm đai, Tô Lịch làm vạt, chắn ngang non Tản mà chầu về cung vua".
Dựa vào tư liệu này và quá trình điền dã quanh khu vực chùa Hòe Nhai, cố GS Trần Quốc Vượng viết những dòng này từ năm 1965: "Chùa Hồng Phúc nay ở cạnh số nhà 17 phố Hàng Than, gần dốc lên đê Yên Phụ, xưa thuộc địa phận xã Hòe Nhai, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội. Phố Hòe Nhai ở mé dưới chùa, chạy thẳng ra đê Yên Phụ. Vậy, Đông Bộ Đầu là bến sông Hồng ở vào khoảng từ dốc Hàng Than đến dốc phố Hòe Nhai hiện nay, mé trên cầu Long Biên một chút. Thượng toạ Thích Tâm Huy (năm nay 72 tuổi, trụ trì chùa Hồng Phúc và ở chùa này từ bé) cho chúng tôi biết, hồi còn bé, Thượng toạ vẫn đi cổng sau chùa ra tắm ở bến sông này, thuyền bè đậu san sát ở đó".
Thế nhưng, khi chúng tôi về đền Sơn Hải để tìm hiểu thông tin thì cụ Trần Văn Hai lại cho biết: "Đền Sơn Hải thờ đức Hưng Đạo Vương và các bộ tướng của mình trên địa điểm bến Đông Bộ Đầu khi xưa. Nguyên đền này được những cư dân vạn chài ở vùng Tức Mặc (Nam Định) lên sinh sống ở Thăng Long lập nên từ giữa thế kỷ XVIII. Điều quan trọng là những người lập đền thờ này đều là người họ Trần, vì muốn tưởng niệm đức Hưng Đạo Đại Vương cũng như cha ông họ đã ngã xuống tại bến sông này mà lập nên. Vì vậy, đền này ban đầu giống như một nhà thờ họ hơn là ngôi đền truyền thống. Các triều đại phong kiến sau này có phong sắc và tu bổ thêm nên mới thành ra ngôi đền chung của dân cư quanh khu vực". Nếu như, tư liệu về đền Sơn Hải là đúng thì vị trí của bến Đông Bộ Đầu có vênh với vị trí mà cố GS. Trần Quốc Vượng khẳng định gần 1km.
Tuy nhiên, tìm hiểu tiếp lịch sử ngôi đền này chúng tôi được biết, vào những năm đầu của thế kỷ XX thì ngôi đền không nằm ở vị trí như hiện nay. Do đặc trưng nằm ở bến bồi của sông Hồng nên vị trí ngôi đền cổ nằm sát đê Nguyễn Khoái và giáp với đê Yên Phụ ngày nay. Tuy nhiên, do chiến tranh cùng với lệnh tiêu thổ kháng chiến, ngôi đình cũ bị phá hủy hoàn toàn. Mãi sau, miền Bắc độc lập, con cháu họ Trần mới gom góp tiền bạc, dựng một ngôi đình trên nền đất bồi ngày nay.
Như vậy thì cách đây khoảng một trăm năm, vị trí bến Đông Bộ Đầu theo lịch sử đền Sơn Hải ghi chép lại khá trùng với vị trí được ghi trên văn bia tại chùa Hòe Nhai, mặc dù vẫn có sự sai số nhất định. Hơn nữa do là một bến sông có vị trí cực kỳ quan trọng trong kháng chiến chống quân Nguyên - Mông nên chắc hẳn bến sông này phải lớn và rộng hơn là sử sách ghi chép lại. Vậy thì, tư liệu mà văn bia chùa Hòe Nhai cũng như tư liệu đền Sơn Hải để lại đều có thể đúng.
Phạm Thiện