Là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình, quân đội Serbia đã nổi lên như một trong những lực lượng đa dạng nhất trong khu vực, vận hành các hệ thống vũ khí mua từ: Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc và Israel.
Vũ khí Israel
Gần đây, Serbia đã hoàn tất thỏa thuận trị giá 335 triệu USD với gã khổng lồ quốc phòng Elbit Systems của Israel để mua hệ thống tên lửa phóng loạt đa năng PULS (trước đây gọi là Lynx MRL)
PULS là hệ thống tên lửa pháo binh tinh vi, đa cỡ nòng, có tính module, cho phép người vận hành lựa chọn các loại đạn dược khác nhau dựa trên yêu cầu nhiệm vụ.
Hệ thống do Israel sản xuất có thể phóng tên lửa 122 mm với tầm bắn 40 km, tên lửa 160 mm với tầm bắn 45 km, tên lửa 306 mm với tầm bắn 150 km và các tên lửa hạng nặng như EXTRA và Predator Hawk, với tầm bắn khoảng 300 km.
Quan trọng hơn, PULS không phụ thuộc vào nền tảng và có kiến trúc module. Về cơ bản, điều này có nghĩa là hệ thống này có thể được tích hợp trên nhiều khung gầm bánh lốp hoặc bánh xích khác nhau, bao gồm 4x4, 6x6 và 8x8.
Tính linh hoạt và khả năng nhắm mục tiêu chính xác của PULS khiến nó rất phù hợp với môi trường trên các chiến trường hiện đại, nơi khả năng thích ứng, tốc độ và độ chính xác là rất quan trọng.
Việc mua hệ thống tên lửa phóng loạt đa năng PULS nhấn mạnh quyết tâm của Serbia trong việc tăng cường năng lực phòng thủ trước những căng thẳng khu vực ngày càng gia tăng.
Bên cạnh PULS, Serbia cũng đã mua từ Israel máy bay không người lái (UAV/drone) Hermes 900 Kochav, một mẫu UAV tầm trung, có thời gian bay khoảng 36 giờ và phạm vi hoạt động khoảng 1.000 km.
Với khả năng tải trọng 300 kg, UAV của Elbit Systems cung cấp khả năng: tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) tiên tiến cho người vận hành. Serbia sẽ có vị thế tốt hơn để theo dõi các mối đe dọa đang phát triển trong khu vực với sự trợ giúp của mẫu UAV này.
Vũ khí phương Tây
Israel không phải là quốc gia duy nhất cung cấp vũ khí cho Serbia. Quốc gia vùng Balkan này, mặc dù có mối quan hệ phức tạp với phương Tây, đặc biệt là sau vụ NATO ném bom Nam Tư cũ vào cuối những năm 1990, cũng đã mua được một loạt vũ khí đáng gờm từ Mỹ, Pháp và Đức.
Một trong những tin tức quan trọng nhất liên quan đến nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Belgrade trong thời gian gần đây chắc chắn là thỏa thuận giữa Serbia và Pháp về mua 12 máy bay chiến đấu đa nhiệm Rafale do hãng Rafale Dassault Aviation sản xuất.
Thông qua thương vụ mua máy bay phản lực Rafale, với trị giá ước tính khoảng 3 tỷ Euro (3,2 tỷ USD), Serbia có thể hiện đại hóa lực lượng không quân, vốn bao gồm chủ yếu là máy bay chiến đấu MiG-29 từ thời Liên Xô.
Không quân Serbia cũng vận hành máy bay trinh sát PA-34 Seneca, radar AN/TPS-70, xe bọc thép Humvee và BearCat-G3, cùng nhiều thiết bị khác do Mỹ sản xuất.
Hiện một số xe quân sự không bọc thép và trực thăng H145M mua từ Đức cũng đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang Serbia. Tuy nhiên, các thiết bị có nguồn gốc từ phương Tây này chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong trang thiết bị quân sự của nước này.
Vũ khí Nga
Giống như một số quốc gia Đông Âu hoặc Balkan khác, quân đội Serbia được xây dựng dựa trên các công nghệ từ thời Liên Xô do Belgrade có quan hệ chính trị và văn hóa sâu sắc và lâu đời với Moscow.
Ví dụ, Không quân Serbia vận hành các máy bay quân sự thời Liên Xô như máy bay chiến đấu MiG-29, máy bay vận tải quân sự An-26 và trực thăng quân sự Mi-35, Mi-17 và Mi-8.
Quân đội Serbia sở hữu nhiều hệ thống phòng không từ thời Liên Xô, bao gồm S-125 Neva, 2K12 Kub, 9K35 Strela-10 và 9K31 Strela-1. Nước này cũng vận hành hệ thống phòng không Pantsir của Nga.
Lục quân Serbia vận hành nhiều hệ thống thiết giáp và pháo binh Nga. Ví dụ, 2S1 Gvodzika đã phục vụ quân đội Serbia trong một thời gian dài, bên cạnh các khẩu pháo tự hành Nora B-52 do chính ngành quốc phòng của nước này sản xuất.
Ngoài ra, Quân đội Serbia còn sử dụng các biến thể hiện đại hóa của xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-72.
Vũ khí Trung Quốc
Trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn đang diễn ra ở Đông Âu, Serbia đã xích lại gần Trung Quốc hơn trong quan hệ hợp tác quốc phòng.
Hiện tại, Serbia là quốc gia châu Âu duy nhất sử dụng vũ khí của Trung Quốc, đáng chú ý là UAV và hệ thống phòng không.
Belgrade đã mua hệ thống tên lửa phòng không FK-3 từ Trung Quốc vào năm 2019. Đây là phiên bản xuất khẩu của hệ thống tên lửa đất đối không HQ-22, thường được so sánh với hệ thống phòng không S-300 của Nga và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ.
Ngoài ra, Serbia còn vận hành hệ thống phòng không HQ-17AE do Trung Quốc sản xuất. Quốc gia vùng Balkan cũng đã mua các UAV CH-95 hiện đại của Trung Quốc.
Năm 2020, Trung Quốc cũng bán cho Serbia 6 UAV chiến trường CH-92A và 18 tên lửa dẫn đường bằng laser FT-8C, có thể bay tới độ cao 16.400 feet (gần 5.000 m), bao phủ bán kính 250 km và đạt tốc độ tối đa 124 dặm/giờ (200 km/h).
Minh Đức (Theo Eurasian Times)