Ám ảnh mang tên lyssa
Trường hợp cậu bé 8 tuổi bị dơi cắn trong kỳ nghỉ của gia đình ở Queensland hồi tháng 12 năm ngoái nhưng không kể với bố mẹ. Ba tuần sau, em bắt đầu bị co giật, đau bụng và sốt, sau đó tiến triển thành các vấn đề về não. Mặc dù đã được các bác sỹ viện Nhi Mater (Brisbane thuộc Australia) tích cực xác định căn nguyên gây bệnh nhưng phải mất 10 ngày sau đó họ mới biết chính xác do virus lyssa gây nên. Thế nhưng, lúc này bệnh nhi đã rơi vào hôn mê sâu và qua đời vào ngày 22/2/2013.
Đây là trường hợp thứ ba thiệt mạng vì virus lyssa được tìm thấy do dơi truyền (Australian bat lyssavirus - ABLV) và hiện vẫn chưa có cách điều trị hữu hiệu cho người nhiễm loại virus này. Trước sự việc trên, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cảnh báo mọi người tránh xa tất cả các con dơi trên toàn thế giới không chỉ vì sự nguy hiểm của loài vật này mà còn nguy cơ virus lyssa lây lan từ người sang người.
Phát biểu tại một hội thảo về các bệnh truyền nhiễm, bác sỹ Joshua Francis thuộc viện Nhi Mater ở Brisbane (nơi điều trị cho bệnh nhi) nhận định: "Virus lyssa có thể lây lan từ người sang người. Mặc dù chưa có tài liệu nào ghi nhận việc này nhưng về lý thuyết hoàn toàn có thể xảy ra". Trong khi đó, hướng dẫn quốc tế về bệnh này có khuyến nghị những người có tiền sử tiếp xúc với nước bọt, mô thần kinh của những người nhiễm bệnh qua tiếp xúc với da tổn thương, màng cơ cần phải điều trị bằng thuốc dự phòng sớm.
ABLV lần đầu được phát hiện và khá phổ biến ở dơi và cáo bay (gần giống dơi) tại Australia, tuy nhiên việc nhiễm bệnh ở người là rất hiếm gặp. Hai trường hợp nhiễm bệnh trước đây được ghi nhận vào năm 1996 và 1998, một trường hợp là phụ nữ bị cáo bay cắn sau khi cố gắng cứu một đứa trẻ bị cáo bay tấn công. Trường hợp thứ hai là một người chăm sóc thú. Một số chủng virus lyssa khác ở dơi cũng được phát hiện tại Mỹ và châu Âu, các chuyên gia khuyến nghị cần có cảnh báo về nguy cơ của bệnh này tại tất cả các khu vực có dơi và cáo bay sinh sống.
Dơi có thể gây chết người khi cắn
Không chỉ Australia, năm 2000 ở Canada cũng xảy ra trường hợp dơi truyền virus lyssa làm chết một em bé 9 tuổi ngụ tại vùng Laurentide, bang Quebec. Cụ thể, em bé gặp con vật này trong nhà tắm đã bắt đem bỏ ra ngoài sân. Trong quá trình di chuyển, em bé bị dơi cắn, cào xước mà không để ý. Ba tuần sau thì ngã bệnh được đưa vào bệnh viện cấp cứu và đã tử vong sau đó. Qua thử nghiệm cho biết bệnh nhân chết do dơi bị nhiễm bệnh dại.
Cảnh giác và điều trị kịp thời khi bị thú cắn
Bác sỹ Phạm Thị Cẩm Hà, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm (viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết, virus lyssa có nhiều trong nước bọt của thú (những loài động vật hoang dã) mang bệnh dại. Qua vết cắn, virus theo đường thần kinh tấn công vào hệ thần kinh trung ương (hay não bộ) của các loài động vật, kể cả loài người và gây nên tình trạng viêm não tủy. Sau đó, virus trở xuống các tuyến nước bọt và một số vùng khác của cơ thể nạn nhân.
Trên lý thuyết virus cũng có thể xâm nhập qua các vết trầy, vết xây xát ngoài da cũng như qua ngả niêm mạc mắt, mũi và miệng. Điều đặc biệt nguy hiểm ở chỗ, thời kỳ ủ bệnh rất dài, trung bình từ 10 ngày đến hai tháng, nhưng đôi khi cũng có thể lâu hơn nữa, có khi tới một năm. Đây là thời gian từ lúc virus xâm nhập vào cơ thể cho đến lúc triệu chứng của bệnh dại phát hiện ra ngoài. Gốc virus lây nhiễm cũng như vị trí nơi bị thú điên cắn ảnh hưởng đến thời gian xuất hiện của bệnh dại.
Tại Bắc Mỹ, các nhà khoa học xác định dơi là loài vật rất nguy hiểm vì nó có thể mang mầm bệnh dại. Việc hít thở một số lượng lớn các tiết vật và bụi bặm từ phân dơi trong các hang động cũng có thể là nguyên nhân lây nhiễm bệnh dại. Trên thực tế, một số nước như Anh, Mỹ, Canada và một số nước ở khu vực Đông Âu cũng đã có người chết vì bệnh dại do dơi lây truyền. Còn tại châu Mỹ La Tinh, loài dơi hút máu mang mầm bệnh dại cũng đã gây thiệt hại nhiều cho ngành chăn nuôi bò. Từ năm 1996 đến năm 2000, 131 con dơi mang bệnh dại đã được xác định tại tỉnh bang Ontario, Canada .
Bác sỹ Hà cũng cảnh báo, trong thực tế có một vài dấu hiệu giúp ta phân biệt con dơi đã mắc bệnh dại. Đó là những khi dơi xuất hiện vào những giờ giấc bất thường như ban ngày, trên sân cỏ hoặc nó bay vào trong nhà khi trời sáng… trường hợp này chúng ta nên tránh, xua nó bay ra ngoài hoặc thận trọng bắt nó nhưng tuyệt đối không để nó cào, cắn gây tổn thương cơ thể. Nếu chẳng may bị cắn cần khẩn trương theo dõi và đến bệnh viện để được các bác sỹ chẩn đoán, hỗ trợ điều trị bệnh một cách kịp thời.
Cũng theo một số chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm cho biết, ở Việt Nam các trường hợp bị dơi cắn, đưa vào viện điều trị không phải là hiếm nhưng chưa có trường hợp nào bị tổn thương do virus lyssa gây ra. Tuy nhiên, người dân cần tuyệt đối cảnh giác với loài dơi hút máu người vì nó sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ lây bệnh rất cao. Mặc dù chưa có bất kì viện nghiên cứu nào phát hiện ra việc lây bệnh này nhưng về lý thuyết hoàn toàn có thể xảy ra.
Quỳnh Chi