Dạo qua một vài trang web, diễn đàn trên mạng, tôi thực sự choáng ngợp bởi những quảng cáo được "thổi phồng lên tận chân mây" như: Công nghệ nối tóc không keo là công nghệ làm đẹp mới nhất hiện nay, an toàn cho tóc, không mất nhiều thời gian như nối tóc bằng keo, chun hay mối nối... Click vào một trang web chuyên về tóc, "thượng đế" sẽ bị ấn tượng bởi những ưu điểm vượt trội khiến họ không thể làm ngơ: "Đây là phương pháp nối tóc hoàn toàn không dùng đến bất kỳ một loại keo kết nối nào, do đó mối liên kết từ tóc nối vào gốc tóc thật trở nên nhẹ nhàng.
Mối nối được giữ chặt bằng chỉ ngoại nhập có độ đàn hồi cao, và mỏng như sợi tóc khi kéo căng ra, giúp ma sát tốt và giúp tóc không bị tuột, ra khi gội đầu. Có thể gọi đây là cách nối tóc hoàn hảo nhất trong các cách nối tóc phổ biến hiện nay". Thay vì dùng keo hay các mấu nối bằng ống kẹp chì, kẹp nhựa thì phương pháp nối tóc bằng chỉ, không keo dường như được các bạn trẻ ưa chuộng hơn. Vì trước đây, khi nối bằng keo thì bắt buộc phải dùng máy đun keo để làm chảy keo sau đó dính 2 lớp tóc cũ và mới với nhau. Với máy kẹp cũng như vậy, cũng với cách thức "dính và dán" rất mất thời gian mà không đảm bảo tính thẩm mỹ. Giờ đây người ta sẽ sử dụng sợi tự nhiên hay còn gọi là chỉ sinh học, xuất xứ từ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... Sợi chỉ này rất nhỏ, dùng để kết nối những tép tóc nối buộc chặt vào thân gốc của tóc thật....
Tuy nhiên sự thật về hiệu quả thì không phải bao giờ cũng được như quảng cáo. Rất nhiều chị em đã phải ngậm ngùi khi mái tóc dài mới nối chưa kịp thướt tha đã xuất hiện những dấu hiệu bất thường như: Ngứa, nấm và rất khó khăn trong việc tháo ra để vệ sinh đầu tóc. Ở chỗ mối nối tóc sau này sẽ phải cắt đi vì đoạn tóc đó đã bị gãy. Hơn nữa trong các dụng cụ nối tóc, sợi chỉ sinh học chưa hề được kiểm chứng độ an toàn trong việc làm đẹp. Theo lời cảnh báo của chuyên gia thì việc nối tóc ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe da đầu.
TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Vân, thành viên Viện Hàn lâm phẫu thuật thẩm mỹ châu Á- Thái Bình Dương (APACS) cho biết: Tai biến do ảnh hưởng của hoá chất nối tóc cũng từng ghi nhận ở Nhật, Thái Lan. Còn ở Việt Nam, thống kê của bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, trung bình mỗi tháng nơi này tiếp nhận khoảng 50 trường hợp đến thăm khám và điều trị do dị ứng mỹ phẩm làm đẹp tóc gây nên (nối tóc, nhuộm tóc, duỗi tóc), trong đó chiếm phần lớn là các trường hợp dị ứng với mỹ phẩm, viêm da đầu, viêm nang lông, rụng tóc do hoá chất làm đẹp tóc. Nối tóc không an toàn như nhiều người nghĩ.
Còn theo bác sĩ Thái Thủy, bệnh viện đa khoa Thái Nguyên cho biết: "Tóc là một bộ phận rất nhạy cảm, dễ bị bệnh nếu tiếp xúc với các hóa chất. Xét về tác động vật lý, nối tóc có thể gây chấn thương sợi tóc, làm cho tóc yếu đi và rụng nhiều hơn mức độ cho phép. Việc dùng keo cũng có thể gây dị ứng, viêm nang lông...
Việc lựa chọn cho mình một kiểu tóc phù hợp là nhu cầu chính đáng nhưng hãy là một người tiêu dùng thông thái trong việc làm đẹp. Để vừa đảm bảo yếu tố thẩm mỹ vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Gia Lê