Dường như một số nghệ sĩ đang cho mình cái quyền được coi thường pháp luật, được “chơi ngông” và vì sở thích, lợi ích cá nhân mà bất chấp những hệ lụy và ảnh hưởng của nó đến xã hội, đến cộng đồng xung quanh.
Chưa cần nói đến những sai phạm pháp lý trong hai vụ việc điển hình trên thì xét về mặt văn hóa, thuần phong mỹ tục cũng có thể thấy sự thiếu phù hợp. Thậm chí có thể cho rằng nó phản cảm và nhảm nhí.
Điều đáng nói là cả hai trường hợp đều biết rất rõ, hiểu rất rõ các quy định pháp luật nhưng lại sẵn sàng không tuân thủ các quy định của pháp luật về cấp phép triển lãm và phát hành băng đĩa và chấp nhận gánh chịu những hậu quả pháp lý chỉ vì mục đích “sở thích” của cá nhân muốn đạt được.
Một trong những bức ảnh được cho là phản cảm
Một người phát tán ảnh “nóng”, phổ biển lên cộng đồng mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy thì một người được coi là nghệ sĩ, người của công chúng, người làm nghệ thuật phổ biến, công khai những hình ảnh phản cảm, bội nhọ tôn giáo, làm sai lệnh giá trị văn hóa cũng cần phải xem xét trách nhiệm pháp lý?
Mặt khác bản thân người mẫu ảnh đã yêu cầu ngừng việc tổ chức triển lãm, đã có đơn đề nghị ngăn chặn việc này nhưng “nhà phù thủy” Huệ Phong vẫn tổ chức là vi phạm về quyền hình ảnh của cá nhân. Và khi những bức ảnh này được phổ biến, cùng với sự chỉ trích của dư luận, ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh sự của người trong ảnh thì hành vi của người tổ chức triển lãm đã có dấu hiệu của tội làm nhục người khác. Hành vi đó cũng giống như việc phát tán “ảnh nóng” lên mạng của nhiều người trong thời gian gần đây. Và nhiều người trong số ấy đã bị khởi tố.
Băng đĩa được phổ nhạc nhưng lại chứa những từ ngữ “dung tục”, trần trụi, đi ngược lại với nét văn hóa hiện tại thì không thể coi là hoạt động nghệ thuật. Việc phát hành băng đĩa vì cá tính sở thích nhưng lại không qua khâu kiểm duyệt đồng ý nhưng vẫn phát hành đến 1000 đĩa thì không thể nói là chỉ phát hành nội bộ chứ không vì mục đích kinh doanh, phổ biến ra bên ngoài. Nếu ai cũng phát hành 1000 đĩa về những vấn đề không phù hợp, vấn đề nhạy cảm để thể hiện cái tôi của mình thì không biết có giới hạn nào cho văn hóa và phản văn hóa hay không?
Ai cũng có quyền có cái tôi cá nhân, nhưng cái tôi đó phải phù hợp với cộng đồng. Việc bất chấp những sai phạm pháp luật để bằng mọi cách đưa quan điểm ‘chủ quan” của cá nhân ra bên ngoài xã hội là việc làm xem thường pháp luật. Người của công chúng được nhiều người biết đến nhưng lại có những “phát ngôn” xem nhẹ những quy định của Nhà nước đang được vận hành thì ảnh hướng của nó đến cộng đồng không chỉ dừng lại ở sản phẩm được cho là phản cảm kia mà còn “mở đường” cho lối hành xử vô pháp.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm luật này, ngăn chặn kịp thời lối “tư tưởng” sống ngoài pháp luật. Sẽ thật là hiểm họa nếu như sự “coi thường” pháp luật này lan rộng ra cộng đồng.
Giang Quyết