Theo Avia-pro, dù nhà lãnh đạo Belarus tuyên bố rằng hiện tại Minsk và Moscow đang đàm phán để bán các tổ hợp S-400 Triumph cho Belarus xong thực chất, khả năng đạt được một thỏa thuận như vậy là khá thấp. Việc bán tổ hợp phòng không S-400 cho Belarus không chỉ bất lợi mà còn gây nguy hiểm cho Nga.
Các chuyên gia nhận định rằng thông tin hôm 11/8 về việc Nga bán tổ hợp S-400 cho Belarus chỉ là sự ám chỉ cho việc Nga hỗ trợ những vũ khí này cho quốc gia láng giềng. Bởi đơn gian Minsk không có đủ điều kiện để mua các hệ thống phòng không và tên lửa.
“Ngay cả khi chúng ta giả định rằng Tổng thống Lukashenka sẽ vay một khoản tiền để mua S-400 thì cũng chưa rõ khoản vay này sẽ được trả bằng cách nào vì hiện nay Belarus là nước vay nợ lớn”, chuyên gia nhận định trên Avia-pro.
Trong khi đó, đối với Nga, bản thân việc bán S-400 cho Belarus thậm chí không mang lại lợi ích chiến lược nào cho nước này.
Hệ thống phòng thủ của Nga được triển khai ở khu vực Kaliningrad hoàn toàn đảm bảo an ninh cho cả biên giới Nga và Belarus vì thế nên ngay cả khi Belarus được trang bị các hệ thống phòng không S-400 cũng sẽ không thay đổi khả năng phòng thủ của Nga hay Belarus, nhà phân tích nhấn mạnh.
Ngoài ra, một thỏa thuận bán vũ khí như vậy thậm chí có thể còn tiềm ẩn một số rủi ro khi mà trước đó, phía Belarus đã từng bán các tổ hợp S-300 cho phương Tây, điều này cho phép Mỹ tiếp cận với các công nghệ quân sự của Nga và xây dựng các biện pháp chống đỡ phù hợp. Do đó, không loại trừ khả năng Lukashenka lại bắt đầu muốn ve vãn phương Tây, NATO về công nghệ S-400.
Theo DW, S-400 là một hệ thống tên lửa phòng không, có tầm bắn tối đa 400 km và có thể tấn công mục tiêu ở độ cao 27 km. Vũ khí này được giới thiệu vào năm 2007. Hệ thống vũ khí này gồm trung tâm điều khiển, bệ phóng tên lửa. Nga coi hệ thống vũ khí này là một trong những yếu tố quan trọng của lực lượng phòng không và quân đội nước này. S-400 đã được triển khai tới Crimea, vùng Kaliningrad của Nga và Syria. Hệ thống phòng thủ này được điều tới Syria để giúp chính quyền ông Assad chiến đấu với khủng bố, bảo vệ lãnh thổ.
S-400 do nhà sản xuất vũ khí thuộc sở hữu nhà nước Almaz-Antey. Vũ khí được phát triển để tiêu diệt máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái. Truyền thông Nga cho rằng S-400 vượt trội so với các đối thủ do Pháp hoặc Mỹ sản xuất.
Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tiên trong khối NATO đã mua S-400 của Nga. Moscow chuyển giao các thành phần của tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp sự phản đối gay gắt từ Washington.
Mỹ lo ngại rằng Moscow có thể có được thông tin bí mật về máy bay quân sự mới nhất của Mỹ, F-35, nếu Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng cả S-400 và máy bay phản lực thế hệ thứ năm cùng một lúc. Mỹ đã đe dọa trừng phạt, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không thay đổi quyết định của mình.
Ấn Độ đã ký một hợp đồng trị giá 5 tỷ USD để mua S-400 của Nga và đang chờ được giao hàng. Một số quốc gia vùng Vịnh cũng bày tỏ sự quan tâm đến hệ thống phòng thủ vốn được Nga coi là niềm tự hào này.