Đường đi của luồng
Men theo những con đường nhỏ chạy dọc bờ sông Mã, mặc dù đã chạy xe gần 300km từ Cẩm Thủy qua Quan Hóa đến Mường Lát nhưng tôi vẫn chưa ra khỏi bóng mát của những rừng luồng xanh mướt mát. Chưa ở đâu tôi thấy cây luồng phát triển nhiều như ở nơi này. Luồng mọc dày đặc hết lớp này đến lớp khác hai bên bờ sông như một người tình trăm năm đã đính hôn cùng sông Mã. Điều kỳ lạ là những cây luồng ở xứ này đều xanh thắm một màu. Dù đã cố gắng lý giải nhưng người ta vẫn không thể hiểu vì uống nước sông Mã, ăn phù sa sông Mã nên rừng luồng mang màu xanh sông Mã hay vì quanh năm ôm bóng rừng luồng nên sông Mã cũng xanh như luồng. Họ chỉ biết rằng nếu thiếu những rừng luồng xanh tươi kia, sông Mã sẽ chỉ còn là một dòng sông chết và khi không còn sông Mã, những rừng luồng sẽ lụi tàn.
Mối tình tuyệt đẹp của "chàng" luồng và "nàng" sông Mã đã sinh ra một thứ nghề đầy gian nan, nguy hiểm nhưng lại là kế sinh nhai của hàng nghìn dân chài sống phụ thuộc vào sự hào phóng của dòng sông. Đó chính là nghề đẩy luồng trên sông Mã. Vượt qua những mảng bè lớn được ghép chắc chắn bởi hàng nghìn cây luồng dập dềnh theo sóng trên mặt sông, tôi bắt chuyện với một phụ nữ mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đang cố gắng kéo một thân luồng lớn về phía mình. Để gây thiện cảm ban đầu, tôi cũng hăng hái giúp chị một tay bằng cách quài tay với lấy một thân luồng khác đang bị dòng nước đẩy ra xa. Không ngờ, cây luồng quá nặng lại thêm sức nước chảy mạnh ngoài tưởng tượng đã kéo tôi xuống dòng nước. Nếu người phụ nữ kia không nhanh tay túm lấy áo vị khách lạ kéo giật lại thì tôi đã không tránh được việc lộn cổ xuống dòng nước xiết. Thế mới biết, để đẩy được cả bè luồng hàng nghìn cây khó nhọc biết nhường nào.
Sau khi cố định nốt số luồng còn lại vào bè, bà trở vào thuyền mang ra một ấm trà xanh và hai chiếc bát để mời khách. Bà tên là Nguyễn Thị Thân, quê ở xã Cẩm Phong (Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Là con gái của một gia đình nhiều đời làm nghề chài lưới trên sông Mã, trong những lần theo gia đình ngược xuôi con nước, bà đã gặp và kết duyên cùng một dân chài rồi theo chồng ngược dòng đến sinh sống ở khúc sông này. Năm nay bà đã bước sang tuổi 50 nhưng vẫn gắn bó với sông Mã như tri âm tri kỷ. Khi được hỏi về ý định mua nhà trên đất liền, bà xua tay bảo: "Nhà đây chứ đâu. Không gian khoáng đạt, gió thổi mát rượi, tha hồ ngắm cảnh trời mây non nước... còn nơi nào hơn được nơi này?". Bà kể, thực ra trước đây cũng đã từng có một thời gian sống trên bờ để con cái học hành được thuận lợi nhưng được vài tháng lại phải trở về vì nhớ sông, nhớ sóng không sao chịu nổi.
Theo lời kể của bà thì khi những cây luồng đến tuổi trưởng thành sẽ được chặt rồi thả theo sườn núi xuống bờ sông. Những người thu mua sẽ gom luồng, kéo luồng xuống sông rồi ghép lại thành những bè lớn. Việc thu gom có thể kéo dài từ 2 - 4 tuần, cho đến khi đủ số lượng cần thiết. Mỗi bè luồng thường phải đạt đến con số 2000 cây trở lên mới được đẩy về xuôi. Lợi dụng sức nước, những bè luồng này sẽ được đẩy xuôi theo dòng chảy đến các phân xưởng sản xuất tập trung phía cuối dòng sông.
Bà Thân cho biết mỗi cây luồng thu mua trên rừng có giá 18 nghìn đồng, sau khi đẩy về đến Cành Nàng (Cẩm Thủy) sẽ bán được với giá 20 nghìn đồng/cây. Mỗi bè sẽ do từ hai đến ba người vừa chèo vừa đẩy. Như vậy, nếu đẩy được một bè 2000 cây, gia đình bà sẽ kiếm được 2 triệu đồng tiền lời, một số tiền quá ít ỏi so với công sức họ phải bỏ ra trong khi luôn phải đối mặt với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.
Bà Thân trên bè luồng của gia đình
Nguy hiểm là... bạn
Theo sự giới thiệu của bà Thân, tôi tìm đến thuyền của ông Nguyễn Văn Giang, người đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề đẩy luồng trên sông Mã. Cũng như bà Thân, cuộc sống của ông Giang từ khi sinh ra đã gắn chặt với dòng sông. Tâm sự về nghề đẩy luồng, ông Giang cho biết mình bắt đầu làm nghề này từ năm 18 tuổi và tiếp tục đến tận bây giờ khi ông đã ngoài 50 tuổi. Mặc dù đã tung hoành trên sông Mã quá nửa đời người, thuộc từng dải đá ngầm từng con nước dữ nhưng chưa một phút giây nào ông dám chủ quan trước những cạm bẫy nguy hiểm giăng mắc khắp con sông vốn nổi tiếng hiểm trở này. Bao nhiêu lần đẩy luồng trên sông là bấy nhiều lần ông phải đối mặt với những hiểm họa luôn luôn rình rập, chỉ cần một chút sơ sẩy có thể bỏ mạng nếu không thì cũng mất trắng nguyên một chuyến đi.
Ông Giang bảo hiếm thấy con sông nào nhiều đá ngầm, vực sâu như sông Mã. Những trận địa đá ngầm có mặt suốt chiều dài con sông với đủ hình thức hiểm hóc như thách đố dân chài. Trong khi đó các bè luồng mấy nghìn cây lại chỉ được kết nối với nhau bằng những sợi dây thừng, nhìn tuy có vẻ chắc chắn nhưng chỉ cần sơ sẩy lọt vào ổ phục kích đá ngầm sẽ ngay lập tức bị phá tan trong chớp mắt.
Một khi tai họa ấy xảy ra, người đẩy luồng dù bơi giỏi đến mấy cũng khó lòng thoát khỏi nguy hiểm khi bị kẹp chặt trong mớ hỗn độn của hàng nghìn cây luồng đang quay cuồng trong dòng nước xoáy. Hoặc họ sẽ liên tiếp bị luồng đập vào người đến bầm dập, hoặc sẽ loay hoay giữa dòng chảy đang bị bao vây bởi hàng nghìn cây luồng đến kiệt sức. Phải là người thật bản lĩnh, nhiều kinh nghiệm mới đủ bình tĩnh để xử lý những tình huống nguy hiểm trên sông. Nhưng điều khiến những người đẩy luồng đôi khi còn sợ hơn cả cái chết là bị mất trắng toàn bộ số luồng thu mua được. Mặc dù sau đó, họ có thể nhờ người chèo thuyền dọc bờ sông tìm gom lại số luồng bị dòng nước cuốn đi nhưng việc đó sẽ vô cùng khó khăn và tốn nhiều công sức trong khi số luồng tìm lại được cũng chỉ đạt phân nửa. Cho nên, mỗi khi trúng đá ngầm, chủ bè chỉ còn nước chấp nhận "của đi thay người".
Khi tôi hỏi tại sao không tìm một nghề khác an toàn hơn, thu nhập cao hơn để làm, ông Giang ngửa mặt cười như nghiêng cả khúc sông. Ông bảo cả đời gắn bó với sông Mã, mấy chục năm vui buồn, thấp thỏm cùng con nước, chưa khi nào ông có ý định sẽ rời đi. Những người làm nghề này đã quen với việc đứng mũi chịu sào, thách thức những nguy hiểm nơi đầu sóng ngọn gió, coi nguy hiểm là bạn đường, sống chung và vui đùa cùng chúng. Ông tin rằng hà bá, thần sông sẽ che chở cho dân chài trong những chuyến đi dù xuôi hay ngược.
Với ông, đã chọn sông Mã là nhà thì nguy hiểm là điều không thể tránh, quan trọng là phải học cách để vượt qua, học cách coi chúng là bạn bè để không bao giờ hoảng sợ mỗi khi phải đối mặt. Sông Mã từ bao đời nay đã nuôi nấng, che chở bao thế hệ dân chài bằng sự hào phóng của mình cho nên dù cuộc sống có đổi thay thế nào chăng nữa, họ cũng không muốn rời khỏi con sông nghĩa nặng tình sâu này.
Dương Dung