Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã nhiều lần nhắc lại mong muốn nâng cao sức mạnh cho lực lượng vũ trang Philippines (AFP). Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng đây không phải là điều dễ dàng mà chính phủ có thể theo đuổi.
Tổng thống Aquino cảnh báo việc xây dựng “sức mạnh quốc phòng tối thiểu đáng tin cậy ” sẽ phải đối mặt với những thách thức do hạn chế về ngân sách. Ngân sách quốc phòng hàng năm của AFP vốn đả rất hạn chế trong khi đó phần lớn ngân sách bổ sung phải dành cho việc tăng lương và các khoản phụ cấp cho sĩ quan và binh lính chứ không dành cho việc nâng cao sức mạnh tác chiến.
Ngoài ra, một trở ngại khác về mặt pháp lý là Hiến pháp năm 1987 của nước này quy định chính phủ không được phép phân bổ ngân sách quốc phòng hàng năm cao hơn ngân sách dành cho giáo dục. Trong ngân sách dự kiến của năm 2014 khoảng 5,9 tỷ USD được dành cho các Sở giáo dục và đào tạo, thêm vào đó là khoản ngân sách 742 triệu USD dành cho các trường đại học và cao đẳng.
Trong khi đó ngân sách quốc phòng năm 2014 chỉ có 1,9 tỷ USD dành cho BQP và các đơn vị kết hợp của AFP. Do đó không có gì ngạc nhiên khi một số nhà phân tích công khai đặt câu hỏi “liệu Philippines có đủ khả năng để hiện đại hóa quân đội hoặc thiết lập khả năng quốc phòng đáng tin cậy?” một trong hai vấn đề ưu tiên hiện nay của chính phủ.
Sự eo hẹp về tài chính và vướng mắc các vấn đề pháp lý đã làm nản lòng các nhà hoạch định quốc phòng trong và ngoài Philippines đang mong muốn cải thiện khả năng quân sự của đất nước. Bất kỳ một kế hoạch quốc phòng quan trọng nào đều cần phải được xem xét bởi các vấn đề trong Hiến pháp.
Mặt khác, các kế hoạch quốc phòng quan trọng cần có một tầm nhìn xa trông rộng, sự kiên nhẫn và quan trọng hơn cả là nguồn vốn dài hạn. Vấn đề mấu chốt hiện nay là chính phủ Philippines cần phải làm thế nào để xác định rõ hơn các ý định của mình về phát triển chiến lược quốc phòng, ý chí chính trị cũng như các cam kết để hướng tới mục tiêu này.
Khái niệm “quốc phòng tối thiểu đáng tin cậy ” là một khái niệm đang trở nên phổ biến trong các cuộc tranh luận công khai về hiện đại hóa quân đội Philippines. Thật không may chính phủ Philippine vẫn khá mơ hồ khi nói về khái niệm này.
Một số quan chức chính phủ Philippines cho rằng “quốc phòng tối thiểu đáng tin cậy ” đơn giản chỉ là mua sắm một số thiết bị quân sự mới và cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự. Một số quan chức khác lại cho rằng, huấn luyện quân sự chiến lược là thành phần quan trọng cho khái niệm này.
Phần lớn các trang thiết bị quân sự của Philippines đều là các sản phẩm đã qua sử dụng nên chất lượng và khả năng tác chiến tương đối thấp.
Một quan chức cấp cao của BQP lại cho rằng, hiện đại hóa quân đội là nhằm ngăn chặn những người muốn tiến hành chiến tranh chống lại đất nước Philippines. Điều này phơi bày một thực tế rằng không có sự nhất quán và một chiến lược cụ thể trong cái gọi là “quá trình hiện đại hóa quân đội Philippines.”
Theo tiết lộ của một quan chức quân đội Philippines, quân đội nước này đang có tới 24 kế hoạch hiện đại hóa quân đội trong vòng 3 năm tới. Các dự án này sẽ được tài trợ bởi chính phủ bao gồm: Mua máy bay chiến đấu, trực thăng cho hải quân, máy bay tuần tra, tàu khu trục, tàu tuần tra và tàu tấn công đa mục đích.
Trong số các kế hoạch hiện đại hóa quân đội quan trọng này, ưu tiên hàng đầu là kế hoạch mua lại 3 tàu tuần tra lớp Hamilton đã qua sử dụng từ lực lượng Cảnh sát biển Mỹ, trong đó 2 chiếc đã được chuyển giao cho Hải quân Philippines.
Ưu tiên thứ 2 là mua 12 máy bay huấn luyện kiêm chiến đấu hạng nhẹ FA-50 từ Hàn Quốc trị giá khoảng 440 triệu USD. Những bổ sung này chắc chắn sẽ giúp AFP nâng cao đáng kể khả năng của mình. Quân đội Philippines thường xuyên mua sắm các trang thiết bị quân sự thông qua chương trình viện trợ quốc phòng của Mỹ, bao gồm các chương trình hỗ trợ bán hàng quân sự nước ngoài hoặc các chương trình điều chỉnh quốc phòng dư thừa.
Vấn đề này đã gặp phải một số chỉ trích từ các chuyên gia quốc phòng. Một số nhà quan sát nhận định AFP xứng đáng với việc mua sắm các trang thiết bị quân sự hiện đại chứ không phải là một nền quân sự èo ọp được xây dựng xung quanh các máy bay chiến đấu lão hóa và các tàu hải quân đã qua sử dụng đến hạn loại biên.
Tuy nhiên, có vẽ như Philippines không có nhiều sự lựa chọn, tiềm lực tài chính eo hẹp cùng các chế tài pháp lý cũng như thiếu một sự hoạch định chiến lược khiến tuyên bố hiện đại hóa quân đội nước này là một việc làm “lực bất tòng tâm”.
Minh Tâm (theo The-Diplomat)