Nhận thức pháp luật còn hạn chế?
Đứng ở góc độ pháp lý, luật sư có nhận định như thế nào thông qua việc doanh nghiệp hành xử với nhau khi xảy ra bất đồng trong làm ăn theo kiểu "chợ đen" trên thương trường?
Không phải đại đa số doanh nghiệp đều hành xử trong làm ăn với nhau theo kiểu "chợ đen". Tuy nhiên, nếu với cơ chế hiện nay, tình trạng này sẽ vẫn còn tiếp diễn. Tôi cho rằng hệ thống tổ chức phòng, chống tội phạm nói riêng và phòng, chống các vi phạm pháp luật nói chung tại nước ta đang còn những hạn chế nhất định, chưa đủ sức răn đe. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam dường như chưa có sự tin tưởng vào pháp luật nên dẫn đến trường hợp một số doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn thì họ không giải quyết bằng con đường pháp luật.
Chẳng hạn như khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết hoặc tố cáo, trình báo về các vi phạm của đối tác tại các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp mà lại hành xử theo "luật rừng". Cách hành xử này của doanh nghiệp vừa vi phạm pháp luật vừa dẫn đến những hậu quả đáng tiếc và ảnh hưởng đến hình ảnh, danh tiếng cũng như uy tín của bản thân doanh nghiệp nói riêng và cho hệ thống doanh nghiệp Việt Nam nói chung.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu.
Theo quy định của pháp luật, những doanh nghiệp "ưa chuộng" dùng bạo lực để giải quyết công việc sẽ bị xử lý ra sao thưa luật sư?
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra mà các doanh nghiệp trên có thể bị xử lý hành chính hoặc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử lý hành chính, Điều 7 Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12/07/2010 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội) quy định cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền tương ứng với hành vi vi phạm.
Đối với xử lý hình sự: Những doanh nghiệp "ưa chuộng" dùng bạo lực để giải quyết công việc nếu gây ra hậu quả như gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người khác thì người tổ chức, thực hiện các hành vi đó sẽ bị truy cứu hình sự theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác và thậm chí là tội giết người được quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự. Trường hợp dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp khác thì người vi phạm cũng sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự...
Doanh nghiệp nên tham vấn luật sư để giải quyết
Theo luật sư, đối với những doanh nghiệp hứng chịu đòn trả thù theo lối hành xử côn đồ cần phải làm gì để tự bảo vệ mình trước pháp luật?
Theo quy định của pháp luật thì công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm và tài sản; tổ chức được pháp luật bảo hộ về tài sản, uy tín. Do đó khi bị hành xử theo lối côn đồ mà thiệt hại về tài sản, sức khỏe, danh dự, tính mạng thì tuỳ từng trường hợp mà cá nhân, tổ chức đó cần làm đơn tố cáo, trình báo đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như UBND, công an xã, phường, thị trấn; cơ quan cảnh sát điều tra nơi có hành vi vi phạm xảy ra để các cơ quan này giải quyết, xử lý đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật.
Đứng trước thực trạng này, Hiệp hội doanh nghiệp có nên mở những lớp dạy về văn hóa ứng xử đẹp cho các chủ doanh nghiệp, doanh nhân không?
Việc Hiệp hội doanh nghiệp với chức năng của mình tiến hành mở những lớp dạy về văn hóa ứng xử, đạo đức kinh doanh cho chủ các doanh nghiệp, doanh nhân là hết sức cần thiết, nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Riêng trong lĩnh vực pháp lý, Hiệp hội doanh nghiệp nên tổ chức các khoá học, các buổi tọa đàm về pháp luật như các quy định pháp luật trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dân sự, hình sự, kinh doanh thương mại, kinh nghiệm ứng xử khi có các sự kiện tranh chấp thương mại... Nếu Hiệp hội doanh nghiệp thực hiện tốt những bước này thì sẽ góp phần to lớn trong việc hạn chế được các trường hợp hành xử theo kiểu "luật rừng" cũng như thời gian vừa qua.
Để các doanh nghiệp quang minh chính đại giải quyết mâu thuẫn với nhau thì cần phải hướng đến những biện pháp nào?
Việc các doanh nghiệp "giao tiếp" theo kiểu côn đồ với nhau không những làm xấu tới uy tín của doanh nghiệp đó nói riêng mà còn ảnh hưởng xấu tới hình ảnh Việt Nam, môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung. Bởi vì khi đầu tư vào Việt Nam các nhà đầu tư cần một môi trường đầu tư trong sạch, hệ thống pháp luật minh bạch và có hiệu quả, tình hình an ninh, trật tự phải ổn định. Họ không mong muốn khi đầu tư tại Việt Nam lại gặp các đối tượng hành xử kiểu "luật rừng".
Để các doanh nghiệp quang minh chính đại giải quyết mâu thuẫn với nhau, tôi cho rằng khi ký kết hợp đồng các doanh nghiệp cần tham vấn những quy định của pháp luật hiện hành. Và tốt hơn hết là các doanh nghiệp nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp lý, các luật sư... Đồng thời, trong doanh nghiệp cũng cần phải có một bộ phận pháp chế để giải quyết các tình huống phát sinh của doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật.
Xử lý nghiêm doanh nghiệp hành xử theo kiểu "chợ đen" Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết: "Tôi cho rằng trong xã hội có pháp luật thì mọi cá nhân, tổ chức đều phải tuân thủ pháp luật, mọi mâu thuẫn phải được giải quyết triệt để trên cơ sở tôn trọng nhau và tuân thủ luật pháp, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Do đó, chúng ta cần phải xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hành xử theo kiểu "chợ đen", vi phạm pháp luật". |
Quyên Triệu